Khu Du lịch Mười Ngọt như một khu Tràm Chim ở Cà Mau với nhiều lựa chọn cho du khách. Từ ẩm thực đặc trưng, các trải nghiệm câu cá, ăn ong, tham quan hệ sinh thái nguyên sinh rừng tràm với vô vàn sản vật…
Du lịch dựa vào cộng đồng là loại hình chỉ mới xuất hiện tại Cà Mau vài năm trở lại đây. Những nông dân dựa vào các hoạt động lao động sản xuất và tập quán sinh hoạt thường nhật để tạo nên các trải nghiệm gần gũi, thân thiện cho du khách. Ðến Cà Mau, xóm du lịch homestay (du lịch xanh kết hợp với ăn, ngủ tại nhà dân) ở ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi đã được nhiều người biết đến và lựa chọn. Còn một địa chỉ rất mới, vô cùng hấp dẫn của homestay Cà Mau, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng tràm: Khu Du lịch Mười Ngọt.
Du khách hoà mình vào cảnh thiên nhiên đặc trưng của hệ sinh thái rừng tràm. |
Khu Du lịch Mười Ngọt như một khu Tràm Chim ở Cà Mau với nhiều lựa chọn cho du khách. Từ ẩm thực đặc trưng, các trải nghiệm câu cá, ăn ong, tham quan hệ sinh thái nguyên sinh rừng tràm với vô vàn sản vật… chắc chắn sẽ để lại cho khách tham quan những ấn tượng khó phai về sự trù phú, tình cảm nồng hậu của đất và người Cà Mau.
“Hai lúa” làm du lịch
Gia đình ông Mười Ngọt gốc ở Tân Hưng, Cái Nước. Ông Mười có 4 người con, kinh tế gia đình có lúc vô cùng thắt ngặt. Anh Phạm Thanh Ðiền (con ông Mười Ngọt) kể: “Nhà khó khăn quá, rồi khi nhận được diện tích đất hơn 60 ha này, cha con tui dồn toàn lực để cải tạo”.
Anh Ðiền cho biết: “Tích góp, mượn nợ bao nhiêu đều đổ xuống đất phèn, mướn xe cuốc vào lên bờ liếp, nguồn lợi đầu tiên chưa có được bao nhiêu”. Lúc ấy, ông Mười Ngọt mỗi lần về quê không dám gặp ai, cũng không dám đi đám tiệc vì… thiếu nợ nhiều quá. Quyết chí làm ăn, gia đình ông Mười mở dịch vụ câu cá. Khách đến nườm nượp nhưng lại nảy sinh ra vấn đề khác.
Chuẩn bị ăn ong. |
Anh Ðiền chia sẻ: “Khách đến mình vui lắm, nhưng ăn uống, ngủ nghỉ mình không đáp ứng được cho khách. Rồi khi tham quan Tràm Chim ở Ðồng Tháp, bản thân tôi thấy rằng, ở đó có gì dưới này mình cũng có, vậy là ý tưởng khu du lịch hình thành”.
Ông Mười thì phán một câu: “Mần gì tía cũng ủng hộ, nhưng phải thận trọng, tính toán kỹ càng”. Sau biết bao đêm trăn trở, bao nhiêu mồ hôi đổ xuống, cuối năm 2015, Khu Du lịch Mười Ngọt chính thức khai trương. Ðây cũng là luồng gió mới cho du lịch Cà Mau với những trải nghiệm du lịch thú vị, mang đặc trưng của hệ sinh thái ngập ngọt rừng tràm.
Kể về những ngày đầu, anh Ðiền tâm sự: “Nhà cố gắng trồng cây tạo cảnh quan mà đất phèn quá nên chết hết. Ðất đai thì hoang vu, chưa thành bờ, thành khoảnh”. Ông Mười cùng 2 con trai bắt đầu trồng 5.000 gốc đu đủ, quy hoạch khu trồng cam, quýt. Ðặc biệt, trong phần đất có khu lung trũng khoảng 2 ha, nhà ông quyết chí giữ lại để làm môi trường sống tự nhiên cho rắn, rùa, cá và các loài động vật rừng quý hiếm. Từ tay trắng, Khu Du lịch Mười Ngọt đã mang về nguồn lợi ổn định từ các sản vật rừng, các hoạt động du lịch và giải quyết công ăn việc làm cho hơn 20 lao động.
Quy hoạch xong cơ ngơi du lịch, các loại hình trải nghiệm thì khu Mười Ngọt phải giải quyết đến vấn đề căn cơ nhất: tìm khách du lịch. Theo anh Ðiền, gia đình sợ ít người biết đến, rồi không ai vào. Những đoàn khách đầu tiên đến, cả nhà ai cũng nơm nớp lo sợ là phục vụ không chu đáo. Dần dà mọi thứ ổn định, riêng dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, khu du lịch đã đón hơn 400 lượt khách. Những đoàn khách từ các tỉnh xa về tham quan ngày càng nhiều và phản hồi của du khách rất tích cực. Một điều khích lệ nữa đối với Khu Du lịch Mười Ngọt, đó là sự trợ sức từ ngành chủ quản du lịch tỉnh Cà Mau. Ngày càng nhiều công ty lữ hành, các đầu mối du lịch tin tưởng và lựa chọn giới thiệu khu du lịch này cho khách tham quan.
Cái tâm với du lịch
Là con trai lớn của ông Mười Ngọt và là người cùng với anh Ðiền trực tiếp quản lý khu du lịch, Anh Phạm Duy Khanh cho biết: “Anh em chúng tôi luôn được tía má căn dặn, làm cái gì cũng phải có tâm, phải biết giữ gìn nguồn lợi nuôi sống mình”. Bởi vậy, Khu Du lịch Mười Ngọt đã có những ý tưởng táo bạo không giống bất kỳ nơi đâu, đó là mỗi mùa một loại đặc sản, khai thác đồng thời cũng rất ý thức trong việc bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên một cách bền vững. Gia đình ông Mười cất nhà, kéo điện, tạo cơ ngơi cho người làm vô ở để coi sóc vườn trái cây, khai thác nguồn lợi từ rừng, lợi nhuận người làm được hưởng 70%.
![]() |
Ăn cá lóc nướng trui - một trải nghiệm tuyệt vời dành cho du khách khi đến với Khu Du lịch Mười Ngọt. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Anh Khanh kể, có đoàn khách của Công ty Du lịch Bến Thành đem cả máy quay xuống để tham quan và thực hiện các cảnh quay về khu du lịch. Hôm đó đi ăn ong, đàn ong trở nết bay theo đánh người loạn xạ. Anh quay phim bị ong đánh vừa khóc vừa kêu cứu: “Mấy anh phải có cách nào bảo vệ khách chớ…”. Vậy là anh Phạm Thanh Ðiền ôm nguyên cây kèo ong bỏ chạy theo hướng khác, mặc cho ong đánh để bảo vệ khách. Lúc về nhà, phát hiện anh quay phim… mất chiếc giày. Tối đó, cả đoàn khách ngồi lai rai rượu mật ong, nghe đờn ca tài tử. Chủ nhà chân thành xin lỗi đoàn khách. Anh quay phim nhận ra nét chân tình, giản dị và nồng hậu của anh em chủ nhà nên cũng hết giận mà đâm ra thông cảm nhiều hơn. Cũng từ đó, Công ty Du lịch Bến Thành đều đặn đưa khách về Khu Du lịch Mười Ngọt.
Khu Du lịch Mười Ngọt thuộc Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. Diện tích toàn khu hơn 60 ha, trong đó có khu lõi nguyên sinh hàng chục héc-ta với hệ sinh thái tràm đặc trưng. Với nguồn lợi sản vật trù phú, các trải nghiệm đi rừng, ăn ong, bắt cá, cùng với ẩm thực đặc sắc, khu du lịch sẽ là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách. |
Ðiều khó khăn nhất của Khu Du lịch Mười Ngọt giờ chính là con đường nối khu với trục lộ chính. Chỉ khoảng 500 m nhưng đây là đất của Nhà nước, khu chỉ xây tạm con lộ 5 tấc để dẫn vào nên đi lại rất khó khăn. Anh Khanh và anh Ðiền chung tâm sự: “Mình còn mới mẻ quá nên chưa thật nhiều người biết đến. Tụi tui lúc nào cũng mong muốn phục vụ khách tốt hơn, nhiều khách về đây hơn. Sự giúp đỡ của ngành du lịch là rất lớn, gia đình tôi sẽ làm du lịch bằng tất cả tâm huyếtcủa mình để giới thiệu hình ảnh Cà Mau với du khách khắp nơi”.
Anh Khanh còn ấp ủ rất nhiều dự định: “Tôi và gia đình quyết tâm giữ khoảng 12 ha rừng nguyên sinh, không tác động theo kiểu tận diệt mà mỗi năm sẽ khai thác một loại sản vật”. Anh nói, nhờ rừng mà gia đình làm ăn tấn tới, vì vậy phải sống có tâm, phải tôn trọng giá trị từ rừng để cơ ngơi bền vững./.
Bài và ảnh: Phạm Nguyên