(CMO) Rời con rạch Cái Sắn, lòng bồi hồi nhiều cảm xúc, phần luyến tiếc do không thể chiêm ngưỡng thêm bức tranh làng quê tuyệt đẹp nơi đây, phần quá thán phục những con người đã làm nên kỳ tích này. Như đọc được dòng cảm xúc ấy trong tôi, người đồng hành thúc giục: “Đi đi, vẫn còn nhiều kỳ diệu nữa phía trước”.
Tiếp tục hành trình đi tìm những điều kỳ diệu đã và đang diễn ra trên vùng đất Thới Bình trong hành trình xây dựng NTM, tôi được Trưởng phòng NN&PTNT Nguyễn Hoàng Lâm giới thiệu đến quê hương gắn liền với tên 2 vị anh hùng Phan Văn Phải và Lê Phước Trí, xã Trí Phải.
Đôi bờ dòng Chắc Băng
Ông Tư Tâm (giữa) hào phóng hiến 4.500 m2 đất để xây Trường Tiểu học Trí Phải Đông đạt chuẩn. |
Kênh xáng Chắc Băng huyết mạch đường thuỷ quan trọng nhất của huyện Thới Bình với các tỉnh Tây Nam Bộ. |
Tổng kết thành tích 30 năm kháng chiến, xã Trí Phải được công nhận 3 cái nhất. Một là chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập tại đây sớm nhất trong vùng Thới Bình, hai là có nhiều nhóm nông dân chống địa chủ cường hào sớm nhất, ba là có cuộc đấu tranh trực diện chống địch thảm sát bắn giết sớm nhất và có lực lượng đông nhất với hơn 1.000 lượt người bao vây tiểu đoàn bảo an từ Kênh 4 đến Kênh 6. Từ những chiến tích ấy mà xã Trí Phải đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”.
Ngoài truyền thống kháng chiến hào hùng, khi nhắc đến Trí Phải không thể bỏ qua hệ thống tuyến kênh đã góp phần quan trọng từ trong chiến tranh cho đến đời sống kinh tế của người dân từ xưa cho đến nay. Nói đến những con sông tạo nên sự khác biệt của xứ sở Trí Phải không thể không kể đến kênh xáng Chắc Băng. Được hình thành từ giai đoạn 1917-1920, kênh xáng Chắc Băng nối liền Sông Trẹm đến ngã ba Đường Sân (Kiên Giang), dài 32 km.
Sau kênh xáng Chắc Băng cùng hàng loạt các kênh khác đã tạo nên sự đổi thay cho vùng đất Trí Phải trong dọc dài lịch sử mấy chục năm qua. Nói đến đây không thể bỏ qua con kênh xáng từ Chắc Băng qua Chợ Hội mà xưa hay gọi là kênh Xáng Mới. Về sau phía bờ Bắc Chắc Băng lại được đào thêm các con kênh như Kênh Lẫm, Kiểm Lâm (nay là Kênh Kiểm); từ Kênh Kiểm lại tiếp tục có nhiều con kênh chính theo hướng song song với Chắc Băng như Đầu Ngàn, Ba Mươi, Tám Ngàn. Từ kênh Đầu Ngàn lại có những con kênh song song với Kênh Kiểm, là Kênh 1, Kênh 2, Kênh 3… cho đến Kênh 11 rồi đến kênh Ranh Hạt, giáp với tỉnh Kiên Giang.
Cứ 500 m lại có một con kênh, mỗi con kênh có một giá trị riêng không thể thay thế và gắn liền với sự kiện lịch sử trong các cuộc đấu tranh của quân và dân nơi đây. Nhắc đến tuyến kênh Công Nghiệp, mọi người sẽ nhớ ngay đến cuộc đấu tranh của 27 hộ dân với tên địa chủ Ba Chiêm để giữ đất canh tác. Hay kể đến kênh Xáng Mới, mọi người sẽ nhớ đến cuộc đấu tranh của 24 hộ dân với địa chủ Nguyễn Thị Huê từ năm 1938-1941…
Không chỉ có giá trị về lịch sử với những sự kiện đã đi vào sử sách, mà hệ thống kênh này còn đảm nhiệm công việc tháo úng, xổ phèn, cải tạo ruộng đất, chở dòng phù sa từ nhiều nơi về đây tu bổ cho từng gốc cây, mảnh vườn ngày một trù phú. Ngoài ra, hệ thống sông ngòi này còn tạo nên trục giao thông trong giao lưu kinh tế với các tỉnh lân cận phía Bắc và Tây Bắc Cà Mau, là hệ thống giao thông chiến lược trên đường thuỷ để vận chuyển, trao đổi hàng hoá từ vùng đất Cà Mau lên Cần Thơ, Sài Gòn và ngược lại, góp phần quan trọng tạo nên diện mạo mới cho Trí Phải hôm nay.
Con người mới tạo nên nông thôn mới
Đúng như lời hẹn, Bí thư Chi bộ Ấp 10 Nguyễn Văn Hòn nhiệt tình dẫn tôi đến tuyến kênh Công Nghiệp, nơi được chọn là tuyến dân cư NTM kiểu mẫu của xã Trí Phải và huyện Thới Bình. Quả không khiến mọi người thất vọng, vừa rẽ vào đầu tuyến là những dãy nhà tường khang trang với những hàng rào dâm bụt, bông trang được cắt tỉa gọn gàng, thẳng tắp, được điểm tô nhiều sắc màu rực rỡ bởi những chùm bông xen lẫn.
Đến nhà ông Đinh Văn Tâm tình cờ gặp Trưởng ấp Trần Văn Nam đang cùng nhiều lão nông bàn chuyện vận động bà con trên tuyến góp tiền lắp đặt hệ thống đèn đường năng lượng mặt trời, một trong những điều kiện trong xây dựng tuyến dân cư kiểu mẫu. “Toàn tuyến dài khoảng 2,3 km với 50 cột điện, chi phí khoảng 25 triệu đồng (500.000 đồng/bóng đèn), xã hỗ trợ 7 triệu đồng. Như vậy bà con phải đóng góp 18 triệu đồng, tức mỗi hộ khoảng 250.000 đồng (tuyến có 70 hộ)”, Trưởng ấp Nam tính toán.
“Bao nhiêu tiền không quan trọng, quan trọng là làm sao phải chất lượng để sử dụng được lâu nhất”, giọng nói khàn khàn cắt lời ông Nam là của chủ nhà Tư Tâm (Đinh Văn Tâm). Ông Tâm được xem là cây đa, cây đề của tuyến dân cư này. Uy tín của ông Tư Tâm không chỉ do ông đã có 48 năm tuổi Đảng mà còn bởi sự chuẩn mực trong lối sống và sự đóng góp của ông cho quê hương xứ sở.
Bắt chuyện, Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Hòn chỉ tay về ngôi Trường Tiểu học Trí Phải Đông khang trang trong ngày đầu tiên tựu trường của năm học mới. Ông kể, toàn bộ diện tích đất xây trường là do gia đình ông Tư Tâm hiến. Vào khoảng thời gian 2009-2010, khi phong trào xây dựng NTM rộn ràng lan tới địa bàn. Khi ấy trường tiểu học hiện hữu cặp Quốc lộ 63 không đủ diện tích để xây dựng trường đạt chuẩn. Trong lúc địa phương đang lúng túng không biết xây dựng ở đâu thì ông Tư Tâm tình nguyện hiến 4.500 m2 đất trong tổng số khoảng 5.300 m2 phần đất dưỡng già của mình. Vậy là trường mới xây trên phần đất của ông Tư Tâm được công nhận đạt chuẩn và trường cũ được cải tạo lại thành Trường Mẫu giáo Hoa Sen, cũng đạt chuẩn.
Trong dòng ký ức của mình, ông Tư Tâm không sao quên được những khó khăn khi mới về đây lập nghiệp. Trước đây, vùng Trí Phải thuộc rừng U Minh Thượng, dân cư lục tỉnh và nhiều nơi khác về đây cất chòi, dựng nhà, khai phá đất rừng lập nghiệp. Họ đến từ nhiều tỉnh với nhiều thành phần, nhiều nghề, nhưng tất cả đều có điểm chung là dân lao động nghèo. Tất nhiên, đất đai nơi đây không được trù phú như hiện nay khi thường xuyên chịu ảnh hưởng nước phèn đỏ từ rừng U Minh Thượng đổ ra.
Để có được đất đai màu mỡ, trù phú như hôm nay, người dân Trí Phải đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, kể cả tính mạng trong công cuộc khai khẩn đất hoang cũng như đấu tranh để giữ đất, giữ làng. “Thế hệ mình đã trải qua quá nhiều khó khăn, gian khổ, nay tiếp tục hy sinh thêm chút ít cho thế hệ sau thì có gì đáng bàn, đó cũng là cách để mình giữ gìn những gì đã bỏ ra trước đó”, ông Tư Tâm điềm đạm chia sẻ khi được hỏi đến việc hiến đất xây trường.
Từng tham gia lực lượng vũ trang xã trong kháng chiến chống Mỹ và kinh qua nhiều vị trí công tác như Xã đội, Phó chủ tịch UBND, Bí thư xã, rồi đến Công an huyện cho đến khi về hưu vào năm 1998, bản thân ông hiểu rõ nhất những hy sinh của các thế hệ đi trước, trong đó có mình. Chính những con người mới như ông Tư Tâm, ông ba Khước, ông Ba Nghĩa… đã góp phần quan trọng làm nên những điều kỳ diệu cho quê hương Thới Bình trong hành trình xây dựng NTM thời gian qua và mục tiêu huyện NTM sẽ không còn xa nữa./.
Chủ tịch UBND xã Trí Phải Phạm Văn Diễn cho biết, mục tiêu xã Trí Phải đề ra là đến cuối năm 2020 đạt 13/13 tiêu chí NTM nâng cao. Cụ thể, đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 1,6%. Về thu nhập bình quân đầu người, đến cuối năm 2020 đạt 55 triệu đồng. Riêng tuyến dân cư NTM kiểu mẫu kênh Công Nghiệp (Ấp 10) hiện thu nhập bình quân đầu người đã đạt 55 triệu đồng, xã quyết tâm đạt 65 triệu đồng vào cuối năm 2020, đầu 2021 để đạt tiêu chí thu nhập của NTM nâng cao. |
Nguyễn Phú - Sĩ Tắc
Bài cuối: ĐỊNH HÌNH DIỆN MẠO HUYỆN NÔNG THÔN MỚI