(CMO) Thới Bình lại có thêm 2 xã đang đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Nếu được công nhận, danh sách xã đạt chuẩn NTM của huyện sẽ nối dài thêm với con số 8. Điều này đồng nghĩa với hành trình xây dựng huyện NTM ngày một ngắn lại.
Đích đến huyện NTM đang rất gần với người dân Thới Bình, nhận định này là hoàn toàn có cơ sở, bởi theo Trưởng phòng NN&PTNT Nguyễn Hoàng Lâm, 2 xã đang đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM đã được hội đồng thẩm định của tỉnh tiến hành đánh giá thực tế và thông tin rất khả quan. Đồng thời, 3 xã còn lại số tiêu chí đã đạt cũng ở mức cao. Cụ thể, xã Biển Bạch đã đạt 15 tiêu chí, xã Thới Bình đạt 13 tiêu chí và xã Tân Phú đạt 16 tiêu chí.
Những con số ấn tượng
Mô hình lúa - tôm ổn định tính hiệu quả từ nhiều năm qua khẳng định cơ cấu sản xuất của Thới Bình chuyển dịch đúng hướng. |
Từ sự đồng thuận của người dân, bức tranh nông thôn Thới Bình ngày càng khởi sắc. |
Sau hơn 10 năm dồn sức xây dựng, nông thôn Thới Bình đã thật sự mới, mới từ diện mạo nông thôn cho đến cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức sản xuất, cách sinh hoạt… của người dân. Những con đường nông thôn được bê-tông hoá rộng rãi, hai bên đường là những căn nhà khang trang, sạch đẹp từ nhà sau cho đến đầu ngõ, hình thức tổ chức sản xuất liên kết thông qua kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ đang dần thay thế phương thức sản xuất truyền thống riêng lẻ, mô hình sản xuất đa cây, con phát triển mạnh… Tất cả hợp thành sức mạnh đưa huyện thuần nông Thới Bình từng ngày thay da đổi thịt.
Như nhiều địa phương khác trong tỉnh, khi bắt tay xây dựng NTM, Thới Bình cũng là huyện có xuất phát điểm khá thấp. Khi ấy (năm 2010), theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM thì xã cao nhất cũng chỉ đạt 7 tiêu chí, xã thấp chỉ khoảng 4 tiêu chí. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân mà Thới Bình có bước tiến dài. Theo thống kê, từ năm 2011 đến tháng 6/2019, Thới Bình đã huy động trên 3.235 tỷ đồng đầu tư chương trình xây dựng NTM. Điều khiến nhiều người ấn tượng là trong con số ấy, cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện đóng góp hơn 1.062 tỷ đồng, doanh nghiệp hơn 105 tỷ đồng.
Từ nguồn lực này, hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, góp phần phát triển kinh tế hộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, tạo nên bức tranh NTM ngày càng khởi sắc. Đến cuối năm 2019, Thới Bình có mức thu nhập bình quân đầu người hơn 45,08 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,03%.
Con số 2,03% hộ nghèo có lẽ chưa được gọi là thấp, nhưng nếu đem so sánh với con số 8,51% của năm 2011 thì nó khiến nhiều người không thất vọng. Hay như, để nâng con số thu nhập bình quân đầu người 11,53 triệu đồng khi bắt tay vào xây dựng NTM (năm 2010) lên con số 45,8 triệu đồng là không đơn giản nếu quyết tâm không cao và không có cách làm phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chủ tịch UBND xã Trí Phải Phạm Văn Diễn chia sẻ, xã đang tiếp tục tập trung chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và nhân rộng mô hình đa cây, đa con, liên kết trong sản xuất… để nâng cao thu nhập cho bà con.
Bên cạnh đó, nhiều tiêu chí quan trọng khác đã được 11/11 xã của huyện xây dựng đạt, hay có kế hoạch đạt từ nay đến cuối năm. Cụ thể, trong tổng số 209 tiêu chí xây dựng NTM của huyện, đến nay Thới Bình đã đạt 188 tiêu chí, còn lại 21 tiêu chí dự kiến đều sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Phải đúng thực chất
Kế hoạch là vậy, thế nhưng ông Lâm vẫn còn băn khoăn về mục tiêu hoàn thành huyện NTM vào cuối năm 2020, bởi như ông chia sẻ, các tiêu chí còn lại đòi hỏi sức đầu tư rất lớn, tiêu biểu như giao thông, điện, trường học và cả thông tin truyền thông. “Có thể phải lỡ hẹn 6 tháng, tức vào tháng 6/2021 mới đạt. Chấp nhận không đúng lộ trình nhưng khi được công nhận phải đúng thực chất”, ông Lâm bộc bạch.
Quả đúng như những gì ông Lâm chia sẻ, NTM là phải mới thật sự, đời sống vật chất và cả tinh thần của người dân phải được nâng lên... còn chuyện trễ 6 tháng hay 1 năm không phải là vấn đề quá lớn. Trong Quyết định số 2053/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh ngày 18/12/2018, về việc phê duyệt Đề án xây dựng huyện Thới Bình đạt chuẩn NTM, có nêu rõ, xây dựng NTM phải có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; dân trí phải được nâng cao; môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp…
Để hiện thực hoá ước mơ NTM Thới Bình, huyện đang tập trung nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân về xây dựng NTM. Ngoài ra, ông Lâm cho biết thêm, huyện đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…, trong đó tập trung 2 ngành hàng chủ lực của huyện là con tôm sạch và lúa sạch; triển khai thí điểm Đề án Mỗi xã một sản phẩm. Chăm lo đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn…
Có thể không đúng theo lộ trình đề ra về mặt thời gian, nhưng Thới Bình đã tìm được hướng đi đúng trên con đường về đích huyện NTM. Đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, từ đó phát huy nội lực để hoàn thành kế hoạch đã đề ra, để NTM thực sự mới, đi vào đời sống người dân và phục vụ người dân./.
Để thực hiện các tiêu chí còn lại trong xây dựng NTM cũng như NTM nâng cao, huyện Thới Bình dự kiến kế hoạch vốn năm 2020 là 677,1 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp do Trung ương hỗ trợ là 64,3 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương tỉnh, huyện, xã 92,3 tỷ đồng; vốn lồng ghép 229,9 tỷ đồng; vốn từ cộng đồng dân cư 200 tỷ đồng; vốn tín dụng 50 tỷ đồng và vốn doanh nghiệp 40,4 tỷ đồng. |
Nguyễn Phú - Sĩ Tắc