(CMO) Sự khác biệt rõ nhất và dễ dàng nhận thấy nhất là hiện nay toàn bộ các ấp của xã đã có lộ giao thông nối liền. Đặc biệt, từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh về Khu Du lịch Mũi Cà Mau hoàn thành đã thúc đẩy kinh tế của xã chuyển dịch mạnh mẽ từ nuôi trồng và khai thác thuỷ sản sang dịch vụ du lịch… Tất cả tạo ra diện mạo mới cho vùng Đất Mũi.
Thách thức dân cư
Bên cạnh những bước chuyển mình đáng mừng ấy vẫn còn một rào cản tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết dứt điểm. Đó là thực trạng một số lượng lớn người dân sống xen trong đất rừng của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng mà còn là "nút thắt" trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Một góc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. |
Theo thống kê trong 5 tuyến dân cư thuộc lâm phần của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, đến thời điểm này chỉ có một khu dân cư được bố trí sắp xếp ổn thoả, đó là khu làng nghề thuộc khu II, khu Công viên Văn hoá - Du lịch Mũi Cà Mau. Còn lại 4 khu, tuyến dân cư với khoảng 30 ha có gần 500 hộ đang nằm rải rác trong các tiểu khu thuộc phân khu phục hồi sinh thái của vườn. Khó khăn nhất trong việc di dời, bố trí dân cư nơi đây là toàn bộ các hộ đều sinh sống trước khi Vườn Quốc gia được thành lập, giai đoạn những năm 1996-1997.
Tuyến dân cư từ nhà ông Nguyễn Văn Trận đến trụ sở ấp Kinh Đào Tây là một trong số đó. Tuyến dân cư này tựa lưng vạt rừng phòng hộ thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, mặt trước là con sông Rạch Tàu ăn thông ra biển. Toàn tuyến hiện có khoảng 68 hộ, sống chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng và ven biển. Không chỉ thế hệ trước mà hiện nay thế hệ kế tiếp của "làng chài" này đang mưu sinh từ rừng và biển bằng nghề đăng, bắt con giống thuỷ sản ven biển. Mùa nghêu năm 2011, đây là khu vực xảy ra xung đột gay gắt giữa người dân và HTX nghêu mà chính quyền địa phương phải huy động các lực lượng ngăn chặn.
Xã Đất Mũi là một trong những điểm đến được nhiều hộ dân khắp nơi trong cả nước lựa chọn tìm đến để định cư sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập. Các tuyến kênh Rạch Vàm, Rạch Mũi, Rạch Tàu… và vùng ven biển là những điểm được ưu tiên lựa chọn để định cư. Họ từ các nơi trong cả nước dắt díu vợ con xuống miền biển Đất Mũi sinh sống, che chòi để trú nắng, tránh mưa.
Gia đình ông Hai Phong, ấp Rạch Thọ là một trong số đó. Về khu vực rẫy Trương Phi thuộc ấp Rạch Thọ đã hơn 27 năm nay nhưng cuộc sống của ông cũng như các con ông vẫn lệ thuộc vào nguồn tài nguyên ven biển. Ông Hai Phong chia sẻ: "Cuộc sống ngày một khó khăn hơn do nguồn tài nguyên ngày càng giảm, tuổi tác thì ngày một lớn lại không có đất đai canh tác ngoài khu vực nhà ở".
Ông Hai Phong nhớ lại, ngày trước chỉ cần vài tay lưới, vài miệng đáy đăng giống ngoài mé biển là đủ nuôi vợ con. Đó là chưa kể ốc len, sò huyết, vọp... trong rừng phòng hộ nhiều vô số kể. Không còn dựa được nhiều vào tài nguyên tự nhiên từ rừng, từ biển, nhưng muốn tăng gia sản xuất, nuôi trồng thêm cũng không được, vì đây là đất rừng phòng hộ, lại đang có dự án di dời nên không biết làm gì hơn ngoài bó gối ngồi chờ.
“Chỉ mong nếu di dời thì Nhà nước triển khai sớm, còn nếu không di dời thì tạo điều kiện cho bà con nơi đây tăng gia sản xuất, đảm bảo cuộc sống”, ông Hai Phong kiến nghị.
Tài nguyên dồi dào nên dòng người di cư đến đây ngày một đông, rồi sinh con, đẻ cháu ngày một nhiều. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là tuyến dân cư từ cầu Rạch Vàm đến cầu Rạch Bàu Nhỏ, thuộc Tiểu khu 4B, phân khu phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia. Hiện khu vực này có đến 241 hộ với diện tích đất khoảng 22,3 ha. Hay như khu dân cư Xóm Mũi cũng thuộc Tiểu khu 4B hiện còn khoảng 134 hộ… Người dân ở 2 khu vực này chủ yếu là dân di cư, đời sống kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.
Gia đình chị Huỳnh Kim Tươi là thế hệ thứ 2 sống tại khu vực Xóm Mũi. Nói về cuộc sống hiện tại, chị chia sẻ, những năm gần đây làm nghề lưới cá ven biển không còn hiệu quả, lại thêm tình trạng trộm mất lưới nên gia đình từng đi Bình Dương làm công nhân. Tuy nhiên, lên đó cũng không sống được, lại trở về tiếp tục bám rừng, bám biển.
Quản lý rừng khó khăn
Áp lực dân cư khiến tài nguyên rừng, biển ngày càng cạn kiệt. Phó giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Đỗ Văn Đồng cho biết, tình trạng dân cư đang sống xen kẽ trong rừng là một trong những khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng, nhất là tình trạng xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp vô cùng phức tạp, khó kiểm soát. Ông Đồng cho biết thêm, diện tích quản lý rộng trên 41 ngàn héc-ta, gồm diện tích rừng và phân khu bảo tồn ven biển, trong khi lực lượng lại thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng nên càng khó khăn hơn.
Nghề lưới là một trong những nghề chính của người dân tại các tuyến kênh trên địa bàn xã Đất Mũi. |
Cùng với những khó khăn trên, điều kiện sông ngòi chằng chịt, nhiều sông, kênh, rạch thông ra biển cũng là một thực tế khó khăn. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của vườn đã phát hiện và xử lý đến 11 vụ vi phạm, trong đó có 3 vụ liên quan đến rừng, còn lại là vùng ven biển. Theo ông Đồng, các vụ vi phạm trên nhỏ lẻ, chủ yếu là chặt cây rừng để phục vụ sản xuất ven biển hay sửa chữa nhà cửa. Đa số vi phạm rơi vào các hộ dân di cư tự do sống ven rừng.
Liên quan đến thực trạng nhiều tuyến dân cư còn sống xen kẽ trong đất thuộc Vườn Quốc gia, thời gian qua, Sở NN&PTNT cùng UBND huyện Ngọc Hiển và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, phân nhóm. Theo đó, có 3 hướng giải quyết là kiến nghị Chính phủ cho chuyển mục đích đất rừng tại khu hành chính và khu dân cư; Xây dựng phương án sử dụng hợp lý khu đất nằm ở vùng đệm của Vườn Quốc gia; Di dơi một số hộ tại một số khu vực.
Giải pháp là vậy, nhưng đến nay, để giải quyết dứt điểm tình trạng này vô cùng khó khăn. Trước mắt, để bảo vệ tài nguyên rừng, biển, ông Đồng cho biết, vườn sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong cộng đồng dân cư; Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, nhất là những khu vực nhạy cảm để có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt, thời gian tới vườn sẽ đẩy mạnh các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp, thuỷ sản, các dịch vụ, du lịch sinh thái để nâng cao đời sống dân sinh. Từ đó nâng cao ý thức của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng./.
Nguyễn Phú