(CMO) Nằm trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), năm 2023, toàn tỉnh sẽ có 263 hộ được hỗ trợ nhà ở và 149 hộ được hỗ trợ đất sản xuất (chuyển đổi nghề). Tuy nhiên, công tác triển khai việc hỗ trợ tại một số địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông Huỳnh Công Thiệu, Trưởng phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chương trình đã được triển khai từ năm 2021, nhưng đến cuối năm 2022 mới duyệt kinh phí. Hiện tại, các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ để kịp thời hỗ trợ người dân”.
Ðến thời điểm hiện tại, các ngành, địa phương đã đồng loạt triển khai thực hiện tất cả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.
Như về đất ở, mỗi hộ được hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh hỗ trợ thêm 4 triệu, là 44 triệu đồng; hỗ trợ nhà cũng tương tự, mỗi hộ được nhận 44 triệu đồng và đất sản xuất cũng 44 triệu đồng/hộ. Thực tế, tại một vài địa phương, công tác triển khai đang gặp nhiều khó khăn, vì hầu như không còn nguồn quỹ đất công. Cho nên, muốn hỗ trợ bà con thì phải mua đất bên ngoài nhưng giá rất cao, bản thân hộ nghèo không kham nổi.
Cán bộ địa phương đến từng hộ gia đình nắm thông tin cũng như nguyện vọng của từng hộ để có hướng hỗ trợ kịp thời.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Ðịa phương hiện không còn quỹ đất công nên không thể cấp cho bà con. Nếu bà con mua đất nông nghiệp thì không thể tách thửa vì diện tích không đủ. Ðể kịp thời hỗ trợ bà con có nơi ở ổn định, xã đã mua được 2 khu đất, là đất nông nghiệp và đất rừng sản xuất. Trong 19 hộ cần cấp đất ở, huyện đã giao quyền sử dụng đất cho 15 hộ, còn lại 4 hộ chưa được cấp. Do là đất rừng sản xuất, theo quy định 30% ở, 70% trồng rừng và diện tích trên 6.000 m2 mới được tách thửa, nên 4 hộ này hiện vẫn chưa nhận được nền”.
Thực tế, nếu xã không có nguồn quỹ đất thì các hộ dân phải tự mua nền, nhưng ông Hùng nhẩm tính: “Nếu mua nền ngang 5 m, dài 20 m, để có được sổ đỏ thì cần có khoảng 150 triệu đồng, hộ nghèo khó có tiền để bù vô”.
Ông Hùng kiến nghị, nếu thực hiện theo Chương trình thì cần có những cơ chế đặc thù riêng, để người dân có điều kiện an cư lạc nghiệp.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Công Thiệu cho biết: “Ðây là cái khó chung của tỉnh, Ban Dân tộc đã báo cáo với UBND tỉnh, xin ý kiến để kịp thời gỡ rối cho địa phương. Còn việc hỗ trợ đất sản xuất thì có thể uyển chuyển, chuyển từ nhu cầu mua đất sản xuất sang hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Với kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, bà con sẽ có điều kiện phát triển kinh tế”.
Là 1 trong 9 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, bà Nguyễn Thị Ngói (bên trái), ấp Mũi Tràm A, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng để xây chuồng và mua cặp heo nuôi. Tôi định sẽ chừa lại một con để giống, nhân rộng đàn heo”.
Ông Thiệu cho biết: “Ước tính, đến ngày 30/9/2023 sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 và giải ngân trên 60% kế hoạch vốn phân bổ năm 2023; đến ngày 31/1/2024 sẽ giải ngân hết kế hoạch vốn của Chương trình được giao theo quy định"./.
Kim Cương