(CMO) Đầu năm đến nay, sản lượng khai thác biển không chỉ sụt giảm mà giá cả còn đảo lộn, những chủ phương tiện lớn khi vươn khơi cũng kêu than vì lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng, các chủ vựa kinh doanh khô cũng kêu không nguyên liệu. Đó là tình trạng chung của ngư dân Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân.
Lão ngư Nguyễn Văn Phỉnh, Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, vẫn cười tươi khi trò chuyện với chúng tôi về tình hình khai thác biển như cách ông đã từng. Có lẽ phong cách phóng khoáng, hào sảng của một ngư dân dày dạn kinh nghiệm đã giúp ông đủ kiên cường trước khó khăn hiện tại. Chiếc tàu sắt đóng theo Nghị định 67/2014 vẫn cứ vươn khơi nhưng đánh bắt thì chẳng được nhiều hải sản như trước, lại cộng thêm dịch bệnh làm cho giá thu mua sụt giảm nên lời lãi chẳng bao nhiêu.
Các điểm chế biến, kinh doanh mặt hàng khô không lo đầu ra sản phẩm mà đang gặp khó đầu vào do sản lượng khai thác thuỷ sản ngày càng giảm. Ảnh: Nhật Minh |
Ông cho biết: “4 tháng trời ngoài biển, chi phí hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến. Sau khi trừ chi phí còn lại chưa tới trăm triệu đồng. Nhưng đây là thực trạng chung rồi, biết làm sao được, tàu thu mua thì cũng phải mua giá thấp để bù chi phí chứ, mà mình không bán không lẽ chạy vào, vậy còn lỗ nặng hơn”. Thực tế thì những tàu thu mua cũng chẳng khá hơn so với ngư dân trực tiếp đánh bắt, trước đây mỗi tháng họ chạy 4-5 chuyến mỗi tháng là bình thường, giờ mỗi tháng chỉ 1 chuyến.
Tuy nhiên, cũng từ khó khăn này cho thấy một sự thật là biển cạn kiệt nguồn nhưng vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Phỉnh thở dài: “Ra biển mới thấy tàu cá trên biển quá nhiều, tăng quá nhanh thì sản lượng khai thác không giảm sao được. Các ghe cào cũng cào điện, te cũng te điện thì còn cá mắm gì nữa”. Những phương tiện cào, te thì gần như đánh bắt đủ mọi loại kích cỡ. “Các chú nghĩ coi, đến mực đánh bắt cả tấn mà họ bán làm cá phân thì nguồn lợi còn gì. Điều đáng nói là những phương tiện này không hoạt động nhỏ lẻ mà họ đi theo nhóm và sẵn sàng gây chuyện với những ghe khác, gây nên tình trạng mất an ninh trên biển thường xuyên”, ông Phỉnh bức xúc.
Những chuyến ra khơi khai thác không hiệu quả đã trở thành gánh nặng tài chính của những chủ tàu đóng theo Nghị định 67/2014 như ông Phỉnh. Vay nợ ngân hàng tiền tỷ nhưng thu nhập từ đánh bắt nhỏ giọt. 4 tháng ngoài biển trừ chi phí còn khoảng trăm triệu, nghe có vẻ nhiều nhưng thực tế đối với những ghe tàu lớn khác thác vươn khơi nhiêu đó chẳng thấm vào đâu bởi họ còn phải trả nợ ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Phỉnh cho biết: “Nợ ngân hàng tiền tỷ, nếu tình hình cứ thế này thì thật sự khó khăn. Nhà nước cần có giải pháp phát triển nghề biển song hành với bảo vệ nguồn lợi, chứ như thế này thì chẳng bao lâu ngư dân kéo tàu lên bờ hết”.
Ngư dân khai thác không hiệu quả kéo theo người hoạt động nghề khác có liên quan cũng gặp khó. Các chủ vựa khô tại Cái Đôi Vàm vẫn bán được hàng vì đầu ra họ không lo mà chỉ gặp khó khi thiếu... đầu vào. “Buôn bán vẫn ổn em ạ!”, chị Nguyễn Hằng Nhi, Vựa khô Năm Sữa, Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm bảo thế, nhưng kèm thêm: “Mặc dù đang dịch bệnh nhưng nhu cầu thị trường thì vẫn ổn, có đều mình không đủ sản phẩm cung cấp. Không biết sao năm nay các chủ ghe đánh bắt thất quá, từ cuối năm trước và đầu năm tới giờ sản lượng mình mua được ngày càng ít đi”.
Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Tân Tô Hoàng Nhàn cho biết: “Nhìn chung tình hình khai thác của ngư dân thời điểm này khá khó khăn, thêm vào đó dịch bệnh nên giá cả cũng không ổn định. Tôi nghĩ, ngành chức năng cần có chính sách quản lý, khai thác biển hiệu quả hơn. Dịch bệnh chỉ là một phần bởi đây là tình hình chung nhưng vấn đề là nguồn lợi hải sản ngày càng ít, nếu không có giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản thì nghề khai thác biển sẽ ngày một khó khăn”./.
Đặng Duẩn