(CMO) Tại hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu, thử nghiệm vào sản xuất và đời sống” được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vừa qua, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Thời gian qua, Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhận thấy việc ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, chính vì vậy, UBND tỉnh, Sở KH&CN xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Ðây cũng là năm thứ 2 tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo chuyên đề. Trong khó khăn, với nguồn kinh phí ít ỏi, Ban Tổ chức mong muốn có thêm nhiều đề tài, dự án khoa học sát với địa phương. Chính vì ý nghĩa này, ngành KH&CN cần cho biết rõ mình đang khó khăn, vướng mắc gì để các chuyên gia đầu ngành hiến kế, trưng cầu ý kiến chuyên gia để tỉnh có những hướng đi bền vững hơn”.
Những tồn tại, hạn chế
Giai đoạn 2020-2023, tỉnh được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện 7 nhiệm vụ. Trong đó, 4 dự án thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 và 3 đề tài đề xuất nhiệm vụ KHCN cấp thiết thuộc phạm vi cấp Nhà nước.
Lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là lai tạo giống lúa mới có nhiều lợi thế nhưng vẫn vướng vào cơ chế khi gửi hồ sơ công nhận từ Bộ NN&PTNT.
Ở cấp tỉnh, từ năm 2020-2023, nhiệm vụ KH&CN được UBND tỉnh phê duyệt và nhiệm vụ thuộc các chương trình do Sở KH&CN quản lý, phê duyệt đưa vào danh mục là 89 đề tài, dự án. Trong đó, đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội 8, nông nghiệp 59, y dược 4, kỹ thuật và công nghệ 17, khoa học tự nhiên 1.
Nhìn chung, đa số các đề tài, dự án được triển khai ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực như: cung cấp cơ sở dữ liệu, luận cứ khoa học, phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực; cung cấp các giải pháp, biện pháp thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Một số đề tài gắn với đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm của cán bộ tham gia làm công tác tham mưu, quản lý chuyên ngành. Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng, triển khai đã đóng góp tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2020-2023, Sở KH&CN đã tổ chức hội đồng nghiệm thu, thanh lý hợp đồng 59 đề tài, dự án (trong đó, đề tài xếp loại từ đạt trở lên là 50, xếp loại không đạt 3; xử lý vi phạm hợp đồng, gặp sự cố phải dừng thực hiện 6. Trên 70% đề tài, dự án triển khai thực hiện đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Sử: Tình hình ứng dụng KHCN vào cuộc sống của tỉnh nhà đang trong tình trạng “có bệnh” nhưng ngành chuyên môn chưa khai đúng và trúng "bệnh". Khai bệnh chưa rõ nên chưa có hướng điều trị. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta cần xác định nhiệm vụ phải sát với nhu cầu thực tế.
Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được thời gian qua, việc đề xuất đặt hàng, xác định danh mục đề tài, dự án phê duyệt, triển khai thực hiện và nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nhiều đề xuất chưa sát với nhu cầu và định hướng phát triển của tỉnh dẫn tới số lượng đề xuất hàng năm nhiều, nhưng số lượng được lựa chọn trình phê duyệt ít; một số đề tài, dự án được lựa chọn đưa vào danh mục thực hiện quy mô còn nhỏ, chưa giải quyết thoả đáng tính cấp thiết trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tính ứng dụng chưa cao, chưa tạo được đột phá lớn.
Ðặc biệt, các dự án cấp Nhà nước, Bộ KH&CN giải ngân kinh phí rất chậm so với hợp đồng KH&CN đã ký kết, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án triển khai. Hiện nay có trên 3/7 đề tài, dự án Bộ KH&CN đã thẩm định kinh phí từ năm 2021 nhưng đến nay chưa ký kết hợp đồng và giải ngân kinh phí thực hiện.
Khó khăn hơn nữa là cơ chế tài chính trong đấu thầu mua sắm nguyên liệu, thiết bị phục vụ nghiên cứu đề tài, dự án còn gặp nhiều bất cập. Vấn đề quy định đối ứng trong nghiên cứu, thử nghiệm thực hiện theo cơ chế tài chính ngân sách đầu tư không quá 50% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết thực hiện dự án, còn lại là vốn đối ứng ngoài ngân sách Nhà nước, vốn đối ứng đầu tư cao nhưng lại bị vốn ngân sách chi phối cả nguồn đối ứng bắt buộc theo cơ chế đấu thầu nên doanh nghiệp thấy phiền và ngán ngại tham gia...
Bà Phạm Ngọc Thơ, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trần tình: “Giống lúa Camau1 là một thành công nổi bật trong công tác lai tạo giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng của tỉnh, nhưng thời gian trình xin chứng nhận kéo dài. Cứ kéo dài thời gian như thế này sẽ có giống lúa khác chiếm ưu thế hơn ra đời, phủ nhận cả một công trình nghiên cứu đã qua”.
Giải pháp đưa khoa học công nghệ vào đời sống
Ðịnh hướng đề xuất nhiệm vụ năm 2024, hội thảo nhấn mạnh đến những nhiệm vụ cấp thiết, có tính mới, đột phá, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ quản lý của các sở, ngành và địa phương nhằm mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Thời gian tới, việc đề xuất đặt hàng, xác định đề tài, dự án KH&CN đưa vào danh mục thực hiện hàng năm phải thiết thực, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh - quốc phòng, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, đồng thời chú trọng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng một số nhóm công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Tới đây, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức từ kết quả nghiên cứu, thực hiện các đề tài, dự án khoa học đến người dân và doanh nghiệp. |
“Chủ động tham mưu đề xuất đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương, có giá trị hàm lượng khoa học cao. Tuyển chọn các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, trình độ, tiềm lực để giao trực tiếp chủ trì thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm, an ninh quốc phòng”, ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết.
Bên cạnh đó, ưu tiên lựa chọn các đề tài, dự án KH&CN liên quan đến sản xuất hàng hoá quy mô lớn, tạo ra sản phẩm cụ thể, có sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hoá gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Kết quả đề tài, dự án phải có khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống của Nhân dân, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giải quyết những vấn đề cấp thiết cho địa phương.
Một giải pháp nữa đó là phát huy tối đa vai trò của Hội đồng KH&CN tỉnh và hội đồng KH&CN cấp cơ sở (mỗi sở, ban, ngành đã có hội đồng KH&CN) trong tư vấn, xác định danh mục đề tài, dự án, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, lựa chọn được những nhiệm vụ thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ðối với với những vấn đề mới và nhiệm vụ (đề tài, dự án) liên quan đến nhiều lĩnh vực cần nghiên cứu sẽ mời thêm chuyên gia, nhà khoa học có uy tín tham gia hội đồng tư vấn về các lĩnh vực để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình tư vấn, xác định, tuyển chọn nhiệm vụ.
Thành viên Hội đồng Khoa học tỉnh hiện là lãnh đạo của các sở, ban, ngành cấp tỉnh phải tích cực rà soát những khó khăn trong công tác quản lý ngành; những trở ngại, thách thức và cơ hội của thực tiễn trong lĩnh vực quản lý và cần cho ý kiến đề xuất đặt hàng nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm ứng dụng thành tựu KH&CN đột phá trong công tác tham mưu, đóng góp tăng trưởng GDP của tỉnh để KH&CN thật sự trở thành nhân tố “then chốt” và “động lực” phát triển./.
Phú Hữu