Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
- Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững
- Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài 2: "Ghi điểm" trên "sân nhà"
Thách thức trong cơ hội
Anh Lâm Quốc Nhựt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp tỉnh Cà Mau, chia sẻ, Cà Mau đã và đang có nhiều định hướng dần rõ nét hơn cho phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là những dự án mô hình khởi nghiệp “xanh”. Tuy nhiên, để phong trào khởi nghiệp càng sâu và rộng thì Cà Mau đang đối diện nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất của khởi nghiệp “xanh” là việc tìm kiếm và huy động nguồn vốn đầu tư, do Cà Mau nằm cách xa nhiều trung tâm thành phố nên sự kết nối giữa chủ thể với thị trường, nhà đầu tư, hạ tầng gặp một số trở ngại.
Bên cạnh đó, khởi nghiệp “xanh” cần có mạng lưới đối tác và liên kết tin cậy. Ðể có thể xây dựng mạng lưới và tìm kiếm đối tác không chỉ cần nhiều thời gian và nỗ lực, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết về các lĩnh vực khởi nghiệp “xanh” cũng như nhận thức về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, khởi nghiệp “xanh” cần tìm cách vượt qua các đối thủ cạnh tranh bằng việc tạo ra sự khác biệt, độc đáo, giá trị cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm và dịch vụ.
Các chính sách được tỉnh Cà Mau quan tâm nhằm tạo điều kiện cho khởi nghiệp tại địa phương. (Trong ảnh: Các diễn giả giao lưu, trao đổi với các bạn trẻ tại sự kiện CamaUP’24).
“Các dự án, ý tưởng khởi nghiệp ở tỉnh Cà Mau đa phần là những giải pháp, ý tưởng góp phần nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm trên cơ sở khai thác tài nguyên bản địa, tài nguyên sẵn có, tiềm năng, thế mạnh địa phương; chưa thật sự có các ý tưởng, dự án khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ. Ý tưởng, dự án khởi nghiệp có thể hình thành nên doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”, ông Quách Văn Ẩn, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhìn nhận.
Tạo hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững
“Với vai trò Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp tỉnh Cà Mau, tôi rất vui mừng khi CLB dần tạo nên dấu ấn rõ nét khi có 150 thành viên, với 50 thành viên có dự án khởi nghiệp, CLB có tư cách pháp nhân, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh là cơ quan quản lý Nhà nước. Ðây là sự quan tâm của chính quyền địa phương trong vấn đề tạo cơ hội cho phong trào khởi nghiệp tỉnh Cà Mau đi đúng định hướng. Ngoài những chính sách hỗ trợ, chương trình Diễn đàn khởi nghiệp (CamaUP) là sân chơi hữu ích để những dự án có dịp trải nghiệm, mở rộng tầm nhìn”, anh Lâm Quốc Nhựt phấn khởi.
CamaUP được tổ chức lần thứ 3 với chủ đề Khởi nghiệp “xanh”, xu hướng phát triển bền vững đã lan toả tinh thần khởi nghiệp, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra không gian kết nối các doanh nhân, nhà đầu tư và những startup tiềm năng. Ðây là cơ hội để các bên cùng nhau thảo luận về cách thức mà nền kinh tế xanh mang lại giá trị kinh tế to lớn, góp phần vào sự tăng trưởng dài hạn, bền vững của tỉnh Cà Mau, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.
“Khởi nghiệp là đi từ những việc nhỏ, nhưng nhìn nhận phải lớn. Ðể một dự án thành công, ngoài chi phối về vốn thì các bạn trẻ phải biết đam mê, khai thác tiềm năng, thế mạnh của chính bản thân mình. Ðặc biệt là chịu khó học hỏi, không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng, mở rộng giao lưu kết nối để bản thân mình có trải nghiệm thực tế”, anh Lâm Quốc Nhựt khuyến khích.
Nhiều bạn trẻ tại tỉnh Cà Mau tin tưởng vào những chính sách hỗ trợ, quyết tâm thực hiện khởi nghiệp "xanh" tại quê hương mình. (Ảnh chụp màn hình)
“Tự làm mới bản thân mình” chính là cốt lõi của phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, Cà Mau cần tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các cá nhân khởi nghiệp với các chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia; chuyển đổi số cho hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển thông qua các nền tảng trực tuyến. Kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh, tạo điều kiện cho các bạn trẻ thực hiện ước mơ và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
“Một cách đột phá và quyết liệt hơn, thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tỉnh uỷ Cà Mau đã ban hành Chương trình số 86-CTr/TU, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Cà Mau có tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức trung bình khá và tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo ≥ 40%... Chính những điều kiện trên sẽ tiếp tục truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có hướng đi mới, khởi nghiệp "xanh" để giải quyết các vấn đề môi trường, kinh tế xanh, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau”, ông Quách Văn Ấn cho biết.
Hằng My