Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã xác định rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân. Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV), nhân viên (NV) của ngành giáo dục cũng là một lực lượng đông đảo và có sự ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng, xã hội.
Tranh: Minh Tấn
Bảo vệ nền tảng tư tưởng là cấp thiết
Hơn lúc nào hết, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là yêu cầu cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 35-NQ/TW, Tỉnh uỷ Cà Mau đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo các cấp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 35). Các Ban Chỉ đạo 35 đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường và chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, kịp thời định hướng dư luận, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các phần tử xấu trên không gian mạng; giải quyết tốt những vấn đề bất cập, phát sinh từ cơ sở, không để các phần tử xấu lợi dụng kích động khiếu kiện, biểu tình gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cùng với cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt, chuyên sâu, lực lượng tham gia đấu tranh ở từng cấp đã hoạt động hiệu quả; thiết lập hệ thống mạng xã hội có tính kết nối và tương tác nhanh từ tỉnh đến cấp huyện và ngược lại.
Riêng huyện Phú Tân, đã thành lập Ban Chỉ đạo 35 của huyện với 15 thành viên, tổ thư ký 3 đồng chí và 10 cộng tác viên. Sau đó, đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo 35 cấp huyện với 17 đồng chí, 5 thư ký và 40 cộng tác viên. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Lực lượng cộng tác viên phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, chủ động tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch dưới dạng tin, bài, phóng sự, video, hình ảnh được trên 400 tin, bài.
Phát huy vai trò ngành giáo dục
Là một lực lượng đông đảo trong xã hội, được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Ðội ngũ CBQL, GV, NV ngành giáo dục đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng nói riêng.
Ðể phát huy vai trò đội ngũ CBQL, GV, NV ngành giáo dục trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:
Các cấp uỷ, cơ quan, đơn vị trường học tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 35-NQ/TW phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ chuyên môn của ngành; gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Trong đó, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Kết hợp giữa vận động, giáo dục, thuyết phục với kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đối với các đối tượng vi phạm là CBQL, GV, NV, học sinh (HS) thuộc thẩm quyền quản lý.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm và năng lực đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Ðảng cho đội ngũ CBQL, GV, NV. Qua đó, giúp đội ngũ CBQL, GV, NV nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản, nắm vững bản chất khoa học, cách mạng và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thấy rõ bản chất phản động của những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch... Xác định rõ trách nhiệm của bản thân, tự nguyện trở thành một nhân tố đắc lực trong công tác định hướng thông tin và đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội và trong cuộc sống.
Phải giúp mỗi cá nhân nhận thức được đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là việc làm thường xuyên, liên tục, được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực; thể hiện ở cả tư tưởng và hành động. Có thể xuất phát từ những việc làm nhỏ nhất, đơn giản nhất như: không like, share đối với những bài viết, thông tin sai sự thật; khai thác, sử dụng thông tin chính thống phục vụ học tập, giảng dạy...
Phát huy tinh thần tự học tập của cá nhân CBQL, GV, NV. Mỗi người phải xác định mục đích: “Học để làm gì? Học để phục vụ ai?”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết “học để làm việc”. Biết làm việc vừa là năng lực, nhưng xét sâu xa nó lại đồng thời là đạo đức, là biểu hiện văn hoá chính trị của mỗi người. Hai, “học để làm người”, tức là để hoàn thiện nhân cách; điều này càng đặc biệt đối với người làm công tác giáo dục. Ba, học để “làm cán bộ”, tức là học để làm tròn chức trách của mình. Chỉ có học “biết làm việc”, “biết làm người” mới có thể “biết làm cán bộ” để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và Nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại.
Quá trình triển khai, học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW trong ngành giáo dục phải xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với vai trò của tổ chức Ðảng trong nhà trường, ban giám hiệu, công đoàn, Ðoàn Thanh niên, Ðội Thiếu niên Tiền phong, tổ nữ công..., cũng như của cá nhân CBQL, GV, NV..., từ đó, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, sát hợp với chức trách, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng cá nhân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Xây dựng chương trình định hướng tích hợp một số nội dung cơ bản của các môn Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Ðảng Cộng sản Việt Nam vào từng môn học, cấp học đảm bảo theo tinh thần Kết luận số 94-KL/TW, ngày 2/3/2014, của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ðẩy mạnh và nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, đạo đức, lối sống, phát huy năng lực sáng tạo; khơi dậy, nuôi dưỡng, truyền cảm hứng về khát vọng phát triển quê hương, đất nước. Ðặc biệt chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khoá, về nguồn tại các khu di tích lịch sử, văn hoá của địa phương.
Triển khai xây dựng “ngân hàng” chuyên đề sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên môn, hoạt động ngoài giờ lên lớp tích hợp các nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, các thông tin xấu độc vào từng môn học, cấp học.
Mở chuyên trang, chuyên mục để tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên trang web của Phòng Giáo dục - Ðào tạo và các trường học; tổ chức phát thanh học đường để giáo dục truyền thống, định hướng thông tin...
Như vậy, chủ trương chung, định hướng lớn đã có, vấn đề còn lại là trách nhiệm của bản thân. Mỗi cá nhân phải luôn kiên định về lập trường tư tưởng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, đồng sức, đồng lòng, cùng nhau thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong tình hình mới; hiện thực hoá khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu./.
Trần Cẩm Hường