Công cuộc xây dựng đất nước của dân tộc ta hiện nay luôn bị các thế lực thù địch tấn công, xuyên tạc, đặc biệt là về mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vậy làm thế nào để ngăn chặn, đập tan sự xuyên tạc, chống phá này? Chúng ta phải giữ vững quan điểm, lập trường về con đường mà chúng ta đang đi. Ðể làm được điều đó, mọi người phải được quán triệt về tư tưởng, nhận thức về con đường mà chúng ta đã chọn; nỗ lực kiện toàn bộ máy Nhà nước, nâng cao vai trò lãnh đạo của Ðảng, thực thi triệt để pháp chế xã hội chủ nghĩa, chăm lo đời sống Nhân dân, thực hiện công bằng xã hội...
Báo Cà Mau là một trong những kênh thông tin tuyên truyền tích cực công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng. Ảnh: PBT
Chủ nghĩa xã hội - Sự lựa chọn đúng đắn của Ðảng
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Ðảng và Nhà nước ta nêu rõ: “Ði lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Vì sao Việt Nam bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tiến lên chủ nghĩa xã hội là hợp quy luật phát triển của lịch sử?
Theo Lênin, cùng một hình thái kinh tế - xã hội nhưng ở các nước khác nhau có những hình thức cụ thể khác nhau và không nhất thiết phải trải qua tất cả các hình thái kinh tế - xã hội. Ông cũng chỉ ra 2 con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội: Một là, quá độ trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội. Ðây là con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội đối với các nước tư bản chủ nghĩa. Hai là, quá độ lên chủ nghĩa xã hội thông qua nhiều khâu trung gian, nhiều bước quá độ. Ðây là con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội đối với các nước lạc hậu, kinh tế kém phát triển.
Việt Nam ta xuất phát điểm là nước nông nghiệp lạc hậu, nghèo nàn, lực lượng sản xuất rất thấp, chiến tranh liên miên và chịu sự đô hộ kéo dài... Trong khi đó, chúng ta thấy được mặt trái của chủ nghĩa tư bản: mặc dù có vai trò to lớn trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ... nhưng bản chất của nó vẫn không thay đổi, có những ung nhọt không thể chữa khỏi.
Vậy, lựa chọn con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đối với Việt Nam ta là tất yếu, đúng đắn, không thể có sự lựa chọn nào khác. Và nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều hình thức tổ chức đan xen.
Xây nhà cần có bản thiết kế. Vậy chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cái gì, nó như thế nào? Ðiều này, Ðảng Cộng sản Việt Nam nhận thức ngày càng rõ hơn, được thể hiện qua mô hình với 8 đặc trưng cơ bản mà trong đó tính ưu việt nổi bật là vì dân, công bằng, phát triển toàn diện...
Những thành tựu của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, trên 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Chú trọng công tác tư tưởng, nâng cao đời sống, phòng chống tham nhũng
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhưng để có bước đi vững chắc hơn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng và chống lại sự chống phá của các thế lực thù địch, chúng ta cần làm tốt một số việc sau:
Một là, làm cho mọi người hiểu và tin tưởng vào con đường mà chúng ta đã chọn.
Muốn vậy, chúng ta phải phát huy sức mạnh của tuyên truyền. Phải quán triệt và tuyên truyền sâu rộng một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, về thực tiễn và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, nhân viên và mọi người dân. Ðây là nội dung quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc để tạo sự thống nhất về nhận thức, là niềm tin về con đường đã chọn.
Ðối với cán bộ, công chức, viên chức nhất thiết cần phải quán triệt những nội dung trên, tránh sự mù mờ về nhận thức. Bởi lẽ, khi đảng viên, cán bộ được quán triệt thì họ sẽ là tuyên truyền viên đắc lực cho Ðảng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng. Thời gian qua, chúng ta đã làm khá tốt điều này qua các lớp bồi dưỡng chính trị, các chuyên đề học tập cụ thể, các cuộc thi viết. Nhưng đâu đó vẫn còn cách làm mang tính hình thức, qua loa. Do vậy, giờ cần làm tốt hơn nữa, thực chất hơn, nghiêm túc hơn ở các khâu như: nội dung học tập, nội dung kiểm tra, chấm bài thu hoạch, kiểm diện người tham gia lớp học, thái độ học tập, bài thu hoạch sau khi học... Nội dung nào chưa thật sự làm tốt thì nghiêm túc rút kinh nghiệm, buộc phải làm lại.
Ðối với người dân nói chung, cần làm cho họ tin tưởng vào con đường Việt Nam đang đi là đúng đắn, là tất yếu. Bởi lẽ, từ tin tưởng sẽ dẫn đến nỗ lực hành động, cống hiến. Chúng ta có thể tuyên truyền qua bài viết, bài nói, trang tin...; trên trang mạng xã hội chính thống; trên đài phát thanh, truyền hình; các đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn... Bên cạnh tuyên truyền về lý luận chính trị, chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, chúng ta cần hướng dẫn cách nhận diện âm mưu, thủ đoạn và bản chất của các luận điệu xuyên tạc. Nội dung tuyên truyền nên ngắn gọn, dễ hiểu, dựa trên các văn bản của Ðảng và chính quyền các cấp. Những việc làm này sẽ tạo sự lan toả rất lớn trong xã hội, nâng cao ý thức của Nhân dân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, phòng ngừa, đấu tranh chống âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Hai là phải thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện xoá đói giảm nghèo, làm tốt công tác an sinh xã hội.
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Muốn dựa vào dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng thì trước hết Ðảng và Nhà nước phải thực hiện tốt những chủ trương, chính sách đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt cho người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay. Ðời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, nâng cao sẽ góp phần nâng cao hơn nữa niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng. Từ đó, nền tảng tư tưởng của Ðảng sẽ được Nhân dân tham gia bảo vệ hiệu quả, vững chắc hơn.
Muốn được như vậy, chúng ta phải tăng cường hơn nữa chăm lo đời sống cho Nhân dân bằng những chương trình, kế hoạch hoạt động như: đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, nâng cao hơn nữa đời sống văn hoá cho Nhân dân. Chúng ta phải làm sao đem được những điều tốt đẹp của cách mạng, của chế độ đến mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Ba là, phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách triệt để.
Thời gian qua, tình hình tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; đặc biệt là tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn còn nghiêm trọng và khá phổ biến ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương khoá IX đã chỉ ra: “Tình trạng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tình trạng kỷ cương phép nước không nghiêm là vấn đề lớn làm cho Nhân dân bất bình, lo lắng và giảm niềm tin; là nhân tố tiêu cực lớn đang hạn chế, kìm hãm bước tiến của công cuộc đổi mới; là nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Ðảng và Nhà nước ta”.
Trước thực trạng trên, Ðảng và Nhà nước ta đã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và những biểu hiện tiêu cực trong bộ máy Nhà nước. Ðiều này được thể hiện qua những đại án không có vùng cấm... Chúng ta đã phần nào làm trong sạch bộ máy, trong sạch Ðảng, lấy lại niềm tin của Nhân dân. Nhưng cuộc chiến này còn dai dẳng, kéo dài, có ý nghĩa sống còn đối với sinh mệnh của Ðảng và chế độ.
Vì vậy, chúng ta cần phải có thái độ kiên quyết, kiên trì và liên tục đấu tranh phòng chống tham nhũng, những hiện tượng tiêu cực. Nghĩa là chúng ta không làm nửa vời, theo phong trào. Quyết tâm này, thể hiện ở câu nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nếu ai không làm thì đứng sang một bên”.
Bên cạnh đó, phải kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những vụ tham nhũng, tiêu cực khi đã đủ cơ sở pháp lý.
Cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát cán bộ, công chức. Ðây là việc ngăn chặn, phòng chống từ xa để tránh xảy ra tham nhũng, tiêu cực./.
Ðặng Thị Thanh Hương