(CMO) Chưa bao giờ Cà Mau phải đối phó với tác động tiêu cực kép từ đại dịch Covid-19 và hạn hán với những ảnh hưởng hết sức nặng nề như những tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, Cà Mau vẫn vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu trở lại quỹ đạo phục hồi, phát triển.
Điều đáng mừng hơn, ngay trong thách thức khốc liệt, tỉnh Cà Mau đã xác định đúng đắn và nêu bật lên những thế mạnh chiến lược, từ đó có những đột phá trong tầm nhìn phát triển ngắn hạn và lâu dài.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đánh giá: “Tác động của đại dịch Covid-19, hạn hán đã khiến tốc độ tăng trưởng và các chỉ tiêu tăng trưởng của tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng tiêu cực”. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, tỉnh Cà Mau vẫn tạo ra một số điểm sáng về kinh tế - xã hội, đây là nền tảng vững chắc để Cà Mau vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, bước vào thời kỳ phục hồi và phát triển. Dịch bệnh và hạn hán đã cho thấy khả năng thích ứng, chống chọi, nội lực mạnh mẽ và bản lĩnh vững vàng của toàn hệ thống chính trị tỉnh và Nhân dân Cà Mau. Tinh thần đoàn kết, nhất trí đồng lòng đã hiện thực hoá thông điệp “Không một ai bị bỏ lại phía sau”, an sinh xã hội vẫn đảm bảo trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, cả nước thực hiện các biện pháp giãn cách. Cà Mau không có ca nhiễm bệnh Covid-19.
Mùa đại hạn 2020 đã gây nên những tổn thất lớn về kinh tế - xã hội không chỉ trong nhất thời mà còn để lại những hệ luỵ lâu dài. Hạ tầng giao thông bị phá huỷ, đê biển Tây tổn thương và đe doạ phá huỷ quy hoạch sản xuất vùng ngọt của địa phương. Vấn đề đặt ra không chỉ là khắc phục hậu quả, mà là phải thích ứng và có kế hoạch, giải pháp lâu dài để đương đầu với diễn biến phức tạp của thời tiết.
Từ những phân tích khoa học, thực tiễn, ông Lâm Văn Bi đã chỉ ra những vấn đề mang tính chất giải pháp, định hướng để kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới. Đáng chú ý, những giải pháp này đã nêu bật lên được những thế mạnh mũi nhọn, có khả năng tạo ra những đột phá không chỉ trong giai đoạn ngắn, mà còn là những yếu tố mang tính chất cốt lõi trong chiến lược phát triển của tỉnh Cà Mau ở tương lai.
Đầu tiên, đó là tập trung phát triển vào các ngành hàng ở lĩnh vực ngư - nông - lâm nghiệp. Dịch bệnh đã chỉ ra thực tế nghiệt ngã, đó là kiểu sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, thiếu liên kết khá phổ biến hiện nay của người dân sẽ bị đào thải ngay khi thị trường có biến động lớn. Ngư - nông - lâm nghiệp với các ngành hàng chủ lực của Cà Mau đã biến thách thức thành cơ hội, xây dựng được thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết tạo chuỗi giá trị, tham gia thị trường hàng hoá chuyên nghiệp, đó mới là giải pháp bền vững nhất để giảm thiểu rủi ro, tác động và gia tăng giá trị kinh tế. Trong đó, con tôm, lúa gạo, các sản phẩm trong chương trình OCOP phải là xương sống của quá trình hội nhập này. Thời điểm hiện tại không thể đặt mục tiêu chỉ là thay đổi tư duy, thay đổi hành động mà phải là hành động ngay, có kết quả ngay, nếu không, sẽ bị đào thải.
Du lịch là thế mạnh đột phá và cũng là tài sản chiến lược của tỉnh Cà Mau. |
Du lịch sẽ là lĩnh vực được dự báo tăng trưởng mạnh, có khả năng bù đắp những tổn thương về kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau do ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn hán. Quan điểm rõ ràng và phù hợp nhất được chỉ ra, đó là du lịch Cà Mau chuyển hướng và dồn sức, tập trung mọi nguồn lực để phục vụ du khách nội địa. Xây dựng mô hình du lịch, sản phẩm du lịch, tạo ra tính kết nối của du lịch Cà Mau đã và đang được xúc tiến khẩn trương, với những tín hiệu vô cùng tích cực. Các chủ thể mới tham gia sân chơi du lịch là người dân, kinh tế tập thể (chủ yếu là HTX) và doanh nghiệp sẽ là những làn gió mới tạo nên diện mạo du lịch sinh động, hấp dẫn cho tỉnh nhà. Du lịch không chỉ là giải pháp đột phá mang tính thời điểm, mà đây là tài sản chiến lược của Cà Mau trong chặng đường phát triển, hội nhập.
Một trong những vấn đề rất đáng lưu ý trong các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà là quyết liệt tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách hỗ trợ, đồng hành, ủng hộ và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. "Sức khoẻ" của cộng đồng doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến nội lực kinh tế của địa phương. Do đó, nhanh chóng phục hồi sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp trên lĩnh vực thuỷ hải sản là công việc cấp thiết. Không để vì vướng mắc cơ chế, hoặc để cộng đồng doanh nghiệp đơn độc trong bối cảnh khó khăn, rơi vào cảnh đình trệ, phá sản. Tạo điều kiện tối đa về cơ chế pháp lý, khả năng tiếp cận vốn và các yếu tố cần thiết khác để các doanh nghiệp tái hoạt động, dần dần khôi phục hoạt động theo quy mô cũ, tiến tới mở rộng phát triển sản xuất.
Cải cách hành chính tiếp tục là giải pháp được nêu ra, coi đây là một trong những giải pháp mang tính chất nền tảng và cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển của kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Toàn hệ thống chính trị phải thật sự coi cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc, đề cao nền hành chính phục vụ, lấy Nhân dân làm trung tâm là nhiệm vụ thường trực, quan trọng. Cải cách hành chính đến từ thói quen thực thi công vụ, thái độ và cách ứng xử với công dân, là hiệu quả giải quyết công việc, là biểu hiện cụ thể của năng lực lãnh đạo, quản lý và điều hành của các cấp, các ngành. Cải cách hành chính tốt chính là giải quyết được những vấn đề cốt lõi nhất để tạo ra sức mạnh tổng thể của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, từ đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Phạm Quốc Rin