(CMO) Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, những năm qua, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã có sự quan tâm thúc đẩy mô hình kinh tế tập thể không ngừng phát triển về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà. Tuy nhiên, thực tế việc vận hành, phát triển mô hình kinh tế tập thể ở một số nơi còn bộc lộ nhiều yếu kém, có nơi còn mang tính hình thức nên chưa tạo được lòng tin, chưa có sức hút đông đảo người dân và các thành phần kinh tế khác tham gia, hợp tác phát triển.
Năm 2019, toàn tỉnh thành lập mới 31 hợp tác xã (HTX), theo đó có 14 HTX giải thể. Hiện nay toàn tỉnh có 208 HTX đang hoạt động, với tổng số vốn điều lệ đăng ký gần 260 tỷ đồng, có 3.522 xã viên. Phần lớn các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (140 HTX), phi nông nghiệp (66 HTX) và 2 quỹ tín dụng Nhân dân. Trong số HTX đang hoạt động, có khoảng 21% đạt hiệu quả khá, tốt, 13% hoạt động kém hiệu quả.
Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ
Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể hoá tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khoá IX trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đã triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển như: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Hỗ trợ về đất đai, về tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Hỗ trợ thành lập mới HTX, liên hiệp HTX... Đến nay, tỉnh đã xây dựng và ban hành các chương trình phát triển kinh tế tập thể tương đối đồng bộ để chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể từ tỉnh đến cơ sở.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khoá IX, tình hình phát triển kinh tế tập thể của tỉnh có bước phát triển mạnh về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.088 tổ hợp tác (THT), trong đó có 1.050 THT thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 38 THT thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Các THT đã tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho tổ viên, hướng dẫn, giúp đỡ tổ viên áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, làm tiền đề để các THT phát triển thành HTX.
Nếu như năm 2013, toàn tỉnh có 127 HTX thì đến nay con số này đã tăng lên 208 HTX; Tổng vốn điều lệ gần 260 tỷ đồng với 3.522 thành viên, tạo việc làm cho 4.265 lao động.
Thương lái thu mua tôm nuôi công nghiệp của người dân xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi. Ảnh: Hồng Nhung |
Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau Đỗ Văn Sơ, qua 10 năm hoạt động, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh giải ngân cho 300 lượt dự án với tổng số vốn luân chuyển gần 44 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 445 và Quyết định số 2261 của Thủ tướng Chính phủ, 2 năm qua tỉnh đã hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho 13 HTX với kinh phí 7,3 tỷ đồng, có 7 HTX được hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học về làm kế toán đã phát huy hiệu quả tích cực. Có 13 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong lĩnh vực thuỷ sản và trồng lúa. Từ đó, một số HTX đưa được sản phẩm hàng hoá vào Co.opmart và chợ đầu mối hoặc tham gia thị trường nước ngoài như: HTX cua biển Năm Căn (huyện Năm Căn), HTX Kinh Dớn (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), HTX tôm khô Tân Phát Lợi (huyện Ngọc Hiển)...
Trên lĩnh vực phi nông nghiệp có các HTX làm ăn hiệu quả như: HTX Anh Đào, HTX Hầm than 2/9, HTX vận tải Đất Mũi, HTX Hưng Phát, HTX Taxi 986... Nhìn tổng thể qua 15 năm thực hiện đổi mới phát triển kinh tế tập thể, các HTX hoạt động ngày càng thực chất hơn so với trước đây, nhiều HTX hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả thiết thực cho thành viên và HTX, có sản phẩm áp dụng công nghệ cao được bình xét tiêu biểu toàn quốc. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng NTM của tỉnh.
Tuy nhiên, mặc dù kinh tế tập thể của tỉnh nhà thời gian qua phát triển tích cực, đáng ghi nhận, nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt mục tiêu tổng thể, yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 5, khoá IX đề ra.
Nhận diện những tồn tại, yếu kém
Ông Đỗ Văn Sơ nhìn nhận, thời gian qua kinh tế tập thể, cụ thể là THT và HTX phát triển ngày càng nhiều nhưng hoạt động chưa bền vững. Nhiều THT và HTX thành lập một thời gian, hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Trong năm 2019, tỉnh thành lập mới 31 HTX nhưng có đến 14 HTX giải thể, số đang hoạt động hiệu quả khá, tốt chỉ chiếm 21%.
Cánh đồng lúa chất lượng cao của HTX Kinh Dớn, huyện Trần Văn Thời. |
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc Bùi Chí Ngạn cho biết, xã có 7 HTX nhưng hoạt động hiệu quả chỉ 4, còn 3 HTX đang hoạt động kém hiệu quả, có HTX xin giải thể. Theo ông Ngạn, một số tập thể lãnh đạo HTX kém năng lực, hạn chế trình độ nên việc quan hệ, tiếp cận đối tác để cung cấp dịch vụ đầu vào và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm bấp bênh kéo dài. Việc điều hành HTX thiếu chuyên nghiệp, chưa bài bản, thiếu sự đoàn kết và nội lực tài chính của HTX còn yếu, chưa hỗ trợ sản xuất được cho xã viên. Từ đó, một số xã viên chưa thật sự yên tâm khi tham gia HTX, nhiều xã viên bội tín, bán sản phẩm cho “cò” và thương lái ra bên ngoài HTX khi giá thu mua sản phẩm cao hơn giá hợp đồng được HTX ký bao tiêu từ đầu vụ, làm mất uy tín của HTX. Từ đó, các công ty và doanh nghiệp thu mua sản phẩm mất lòng tin với xã viên và HTX, dẫn đến bờ vực giải thể HTX là đương nhiên.
Một nguyên nhân nữa là sự hấp thụ chính sách đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước của một số HTX rất kém. Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp 19/8 (xã Khánh Bình Tây Bắc). Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp 19/8 Hồ Hoàng Việt trần tình: "Năng lực ban lãnh đạo HTX còn hạn chế về trình độ, hạn về khả năng giao tiếp và tiếp cận thị trường, yếu về năng lực tài chính. Được thành lập từ năm 2010, nhưng HTX không hề có vốn, mặc dù ghi trong hồ sơ vốn điều lệ là 34 triệu đồng/34 thành viên HTX, nhưng thực tế chưa ai góp vốn đồng nào. Với năng lực hoạt động như thế thì HTX không thể nào phát triển".
Nằm trong tình trạng khó khăn về vốn như HTX 19/8 là HTX dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đầm Dơi. Khi mới thành lập vào năm 2008, HTX có trên 100 xã viên, nay giảm xuống chỉ còn 16 xã viên. Ông Đặng Đồng Khởi, xã Tạ An Khương Nam, là xã viên HTX từ khi mới thành lập, đến năm 2017 ông rút khỏi HTX với lý do chưa được hỗ trợ vốn sản xuất. Ông Khởi cho biết, tham gia vào HTX để mong được hỗ trợ vốn sản xuất, bao tiêu giá mua vật tư đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm ổn định, thế nhưng, nhiều năm ông nuôi tôm thất mùa mà HTX không có vốn hỗ trợ tái sản xuất nên đành bỏ ra ngoài kiếm nghề khác làm ăn.
Giám đốc HTX dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đầm Dơi Trần Văn Đáng cho biết, thời gian qua, HTX chưa được hỗ trợ vốn từ Nhà nước, trong khi các ngân hàng thương mại thì không mặn mà, hay nói đúng hơn là họ không đầu tư vốn cho nông dân nuôi tôm công nghiệp vì tính rủi ro quá cao. Từ đó, số xã viên của HTX giảm dần qua từng năm.
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác tác động đến quá trình phát triển HTX dẫn đến thiếu bền vững của kinh tế tập thể như bị mua, bán phá giá, sản phẩm không tìm được đầu ra ổn định, năng lực quản lý, điều hành hoạt động của ban lãnh đạo nhiều HTX chỉ ở tầm “ao làng”; Còn tình trạng nhận thức của nhiều nông dân là thành lập HTX để chờ Nhà nước đầu tư, hỗ trợ vốn..., thiếu hiểu biết về Luật HTX 2012... từ đó dẫn đến các HTX này hoạt động yếu kém, giải thể là không tránh khỏi./.
Nguyễn Danh
Bài 2: Chân dung hợp tác xã kiểu mới