(CMO) Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, xác định: "Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt", "Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân". Để thực hiện có hiệu quả tinh thần nghị quyết trên, thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền của tỉnh Cà Mau cần quan tâm đúng mức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đồng thời cần lắng nghe và giải quyết có hiệu quả các kiến nghị từ cơ sở.
Kiến nghị từ cơ sở
Theo Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc Bùi Chí Ngạn, để kinh tế tập thể phát triển bền vững thì trước hết cả hệ thống chính trị cần làm cho từng người dân hiểu đầy đủ ý nghĩa, vai trò của mô hình kinh tế tập thể. Bên cạnh đó là nâng cao hiểu biết về quyền lợi và trách nhiệm của nông dân khi tham gia vào kinh tế tập thể. Từ đó mới đạt được mong muốn hướng đến sản xuất hàng hoá tập trung, hàng hoá số lượng lớn, áp dụng đồng bộ khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng hàng hoá, đảm bảo truy nguyên nguồn gốc, an toàn thực phẩm... đáp ứng nhu cầu thị trường lớn cho hội nhập và phát triển.
Thu hoạch tôm trong ao trải bạt ở xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi. Ảnh: Nguyễn Phú |
Bên cạnh đó, Nhà nước cần quy hoạch phát triển kinh tế tập thể có chiến lược sát với thực tế từng địa phương; Đồng thời có sự hỗ trợ, đào tạo, tập huấn, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, vật lực đủ sức cho các THT, HTX phát triển ổn định, bền vững, nhất là khâu đầu ra của sản phẩm hàng hoá lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Trường Đời, HTX dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn, muốn HTX phát triển bền vững trong thời gian tới, khâu đầu tiên là con người, có con người giỏi thì mới có thể làm nên thành công. Trước nhất phải có người lãnh đạo HTX trẻ tuổi, có trình độ cao, có khả năng điều hành, quản lý hoạt động kinh tế, có năng lực ngoại giao để tiếp cận với thị trường, với các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, làm ăn trong cơ chế thị trường hiện nay, ngoài sự năng động, hiểu biết, còn phải giữ được uy tín và có trách nhiệm cao, tạo dựng lòng tin lẫn nhau thì mới phát triển được lâu dài và bền vững. Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn, kịp thời cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, hỗ trợ các HTX về sự liên kết với doanh nghiệp để được sự đầu tư sản xuất ổn định theo quy trình đảm bảo từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm cho nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển đời sống nông dân ngày càng giàu mạnh hơn. Từ đó, bà con mới yên tâm, tin tưởng và tích cực tham gia vào kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khoá IX.
Tuy nhiên, Nhà nước đầu tư cũng phải có sự chọn lọc, đánh giá thực chất khả năng hoạt động, tiềm năng phát triển, năng lực điều hành của ban lãnh đạo từng HTX để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực; Tránh lãng phí, tránh tình trạng có những HTX hình thành mang hình thức để trục lợi chính sách.
Giám đốc HTX dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đầm Dơi Trần Văn Đáng thì đưa thêm giải pháp: Để tránh tình trạng xã viên bội tín, đến kỳ thu hoạch đem bán sản phẩm ra ngoài HTX, không tuân thủ hợp đồng và cam kết mua bán thông qua HTX, thời gian tới, HTX sẽ xây dựng quy chế ràng buộc chặt chẽ hơn. Tránh tình trạng bị “cò” thương lái mua phá giá làm mất uy tín của HTX với các doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản xuất. Nhà nước cần có biện pháp xử lý tình trạng “cò” phá giá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX và doanh nghiệp, xây dựng thị trường kinh doanh, làm ăn lành mạnh, ổn định để phát triển.
Hiện nay, trong tỉnh còn một số xã chưa thành lập được HTX. Tỷ lệ nông dân tham gia vào hoạt động kinh tế tập thể rất thấp, nông dân còn nặng hình thức sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, thiếu cạnh tranh là đại đa số, khó phát triển nền nông nghiệp bền vững. Đây là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền vì chưa làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nông dân tham gia vào mô hình sản xuất tập thể, quy mô lớn để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, cải thiện đời sống. Chính vì thế, các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chức năng, nhất là người đứng đầu các cơ quan, địa phương cần có sự quan tâm đúng mức đến hoạt động của HTX. Cần có nhận thức đầy đủ và trách nhiệm về vai trò của kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX trong tái cơ cấu nền nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Đặc biệt là xây dựng NTM mà không phát huy được vai trò kinh tế HTX thì không thể có NTM thành công.
Những giải pháp thiết thực
Để phát triển kinh tế tập thể của tỉnh nhà trong thời gian tới, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau Đỗ Văn Sơ cho biết: "Trước hết là rà soát và củng cố và nâng chất lượng hoạt động của số HTX hiện có; Phấn đấu trong năm 2020 có 60% trở lên HTX hoạt động đạt hiệu quả tốt. Muốn làm được điều đó, ngoài việc phải quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển thì chúng tôi đang xây dựng kế hoạch thí điểm các CLB nhà nông".
Theo kế hoạch, năm 2020 tỉnh sẽ thành lập 9 CLB nhà nông ở các huyện, thành phố. Các CLB này trở thành “cầu nối” thông tin và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, chính quyền, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và giữa nông dân với nông dân để tạo tiền đề vận động nông dân tham gia vào kinh tế tập thể ngày càng nhiều hơn; Đồng thời nơi đây còn là “cầu nối” để thực hiện liên kết “4 nhà” trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hoá của mô hình HTX kiểu mới. Đồng thời các CLB còn là nơi để các doanh nghiệp cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, yêu cầu về tiêu chuẩn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhãn hiệu hàng hoá, quản lý quy trình sản xuất ra sản phẩm, truy nguyên nguồn gốc... để các HTX thực hiện đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Từ đó mới có sự bao tiêu, đầu tư sản xuất ổn định, giảm được chi phí trung gian, nâng cao thu nhập cho nông dân khi tham gia vào kinh tế HTX, làm nền tảng để HTX phát triển bền vững trong thời gian tới.
Chỉ đạo về phát triển kinh tế tập thể, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khoá IX, vào tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cần xác định rằng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế tập thể thông qua việc tạo khung pháp lý, ban hành các chính sách hỗ trợ, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội.
Chính vì thế, để thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể của Cà Mau phát triển bền vững trong thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền cần quan tâm sâu sát, thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, giúp hoạt động kinh tế tập thể “đủ sức” đứng vững trong nên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.
Nguyễn Danh