Ngày 29/6/2018, liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Toà án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã ký kết ban hành Thông tư liên tịch số 10 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng. Tại Cà Mau, việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.
Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh triển khai công tác kiểm tra hồ sơ, thủ tục tại các đơn vị phối hợp trên địa bàn tỉnh.
Thông tư liên tịch số 10 hướng dẫn thi hành các quy định về phối hợp Trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện TGPL trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và Luật TGPL năm 2017.
Đồng thời, vừa kế thừa những điểm còn phù hợp, khắc phục một số tồn tại của Thông tư liên tịch số 11. Từ đó, bảo đảm thuận lợi cho người được TGPL trong việc được hưởng quyền được TGPL, cho người thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng, trên cơ sở đó bào chữa, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.
Việc triển khai thực hiện Thông tư số 10 góp phần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp liên ngành và Tổ giúp việc Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, góp phần bảo đảm các đối tượng thuộc diện TGPL được tiếp cận sớm dịch vụ TGPL miễm phí.
Việc niêm yết bảng thông tin về TGPL được triển khai đầy đủ tại các đơn vị phối hợp.
Ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, cho biết: “Thông tư liên tịch số 10 là công cụ rất quan trọng trong công tác phối hợp để nâng cao hoạt động trợ giúp pháp lý. Trong suốt thời gian qua, công tác phối hợp giữa cơ quan tiếng hành tố tụng, cơ quan trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả cơ bản. Đặc biệt, là số lượng TGPL, chúng ta tiếp cận được một cách nhanh chóng. Trách nhiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc hỗ trợ hoạt động TGPL để xác định đối tượng được tốt hơn.
Trực tại toà là phương pháp mới giữa Bộ tư pháp và Toà án Nhân dân tối cao. Đây là mô hình hoạt động hiệu quả. Mục tiêu của mô hình là các nhóm thuộc đối tượng TGPL khi đối diện với pháp luật được bảo hộ. Làm sao cho người dân hiểu chúng ta làm về chất lượng không thua kém luật sư nhưng người dân thuộc diện TGPL không mất một đồng nào trong hoạt động TGPL vì đây là chính sách nhân đạo”.
Vừa qua, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Cà Mau đã tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2024 tại các huyện trên địa bàn tỉnh.
Qua công tác kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận một số kết quả đạt được từ các cơ quan Toà án, công an, viện kiểm sát, tại địa phương các cơ quan tiến hành tố tụng thường xuyên triển khai đến các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phấn, nhà tạm giữ các văn bản liên quan đến hoạt động TGPL, Thông tư liên tịch số 10.
Công tác giải thích thông tin cho người được TGPL được chú trọng; việc niêm yết bảng thông tin về TGPL được triển khai đầy đủ; các hồ sơ, biểu mẫu, sổ theo dõi vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng được ghi chép đầy đủ, rõ ràng.
Việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng, đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trợ giúp viên pháp lý được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng theo quy định pháp luật về tố tụng. Đồng thời, tạo điều kiện thuân lợi để thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL theo quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật về TGPL.
Ông Phạm Quốc Sử cho biết thêm: “Tham gia tố tụng từ đầu của TGPL là một quá trình có tính liên tục đòi hỏi cán bộ hoạt động TGPL phải đáp ứng được yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng trong tiến độ điều tra. Đây là điểm rất khó, bắt buộc cán bộ TGPL phải có năng lực khi cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra làm việc với đương sự. Đương sự thì đa dạng, có khi là người già, có khi là trẻ em đòi hỏi TGVPL phải theo dõi liên tục”.
Trung tá Trần Văn Lĩnh, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an huyện Phú Tân, thông tin: “Huyện Phú Tân cử 2 TGVPL thường trực để giải quyết công việc TGPL cho người dân khi đến cơ quan điều tra làm việc về tố tụng. Công tác phối hợp giữa cơ quan điều tra với Trung tâm TGPL và TGVPL thường trực rất tốt. Khi có vụ việc cơ quan điều tra thông báo thì TGVPL có mặt ngay, làm việc ngay từ ban đầu đối với những trường hợp thuộc đối tượng TGPL theo Luật TGPL cũng như Thông tư số 10 của Liên ngành Trung ương. Các cơ quan phối hợp rất nhịp nhàng. Từ khi có lực lượng TGVPL tham gia TGPL, họ giải thích, đương sự biết người này được Nhà nước cử để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ nên khi TGVPL giải thích thì họ nghe theo, mức độ tin tưởng cao hơn nên việc bảo vệ quyền lợi cho các đướng sự nói chung đảm bảo hơn theo quy định pháp luật”.
Ngoài ra, việc triển khai chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Toà án Nhân dân tối cao về người thực thi TGPL trực tại toà án Nhân dân các cấp được triển khai nghiêm túc.
Kiểm tra các văn bản liên quan đến hoạt động TGPL.
Ông Phan Thanh Hải, Chánh án Toà án Nhân dân huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Trên cơ sở chỉ đạo của liên ngành, của Hội đồng phối hợp TGPL, đơn vị cũng đã quán triệt, triển khai thực hiện tại đơn vị về công tác phối hợp, trực tại đơn vị. Chúng tôi tiến hành kiểm tra đầu vào đối tượng TGPL, sau đó chuyển cho cán bộ TGPL trực tiếp nhận thực hiện các thủ tục theo quy định để bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu phát hiện đương sự thuộc đối tượng TGPL thì chúng tôi cũng thông tin cho TGVPL thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Việt Triều, Chánh án Toà án Nhân dân huyện Phú Tân, thông tin: “Ngoài chương trình phối hợp giữa toà án tối cao và Bộ tư pháp thì sau đó Toà án tỉnh và Sở Tư pháp có ra chương trình phối hợp số 04 ngày 12/8/2022, Toà án với TGVPL phối hợp thực hiện rất tốt. Trong quá trình thực hiện, TGVPL thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Khi toà án trực nhận đơn mà có đối tượng thuộc TGPL thì liên hệ vưới TGVPL trực tại toà để giải thích về quyền và nghĩa vụ cho đương sự và làm thủ tục cho người được TGPL. Trước đây, khi chưa có Thông tư 10 thì toà án gặp nhiều khó khăn vì lượng án tại toà nhiều nhưng biên chế không đảm bảo, giải thích không được đầy đủ như có TGVPL đến giờ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL vẫn còn một số hạn chế như việc tổ chức thực hiện Luật TGPL năm 2017, Thông tư liên tịch số 10/2028/TTLT và các văn bản hướng dẫn có lúc, có nơi chưa đầy đủ, chưa được tiến hành một cách thường xuyên.
Ông Phạm Quốc Sử chia sẻ: “Để đáp ứng yêu cầu của Thông tư liên tịch và nâng cao hiệu quả hoạt động, đòi hỏi đội ngũ TGVPL phải có tính chuyên nghiệp cao hơn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là các vụ án hình sự có TGPL tham gia. Chủ trương của lãnh đạo Sở Tư pháp là TGVPL phải đáp ứng mọi yêu cầu, không tác động tiêu cực làm đình trệ hoạt động của của hệ thống cơ quan điều tra”.
Với tinh thần chủ động, sáng tạo của các cơ quan tiến hành tố tụng, thời gian tới, công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng phấn đấu đạt kết quả cao và trở thành chỗ dựa, niềm tin cho những người yếu thế trong xã hội.
Kim Cương - Hoàng Vũ