(CMO) Một ngày cuối hạ, tôi có dịp công tác tại TP Đà Lạt sương mù. Đến Bảo Lộc bạt ngàn lá chè xanh, tôi lấy điện thoại chụp vài tấm đăng lên facebook với dòng trạng thái: “Đà Lạt thẳng tiến”. Đến Đà Lạt, vừa chuẩn bị ngồi bên bạn bè thì tôi nhận được điện thoại của cậu học trò cũ. Em đang dẫn khách du lịch trên Đà Lạt. Tình cờ thầy trò gặp nhau sau 22 năm, tay bắt mặt mừng, niềm vui không tả xiết.
MH: M Tấn |
Trong một quán nhỏ vắng vẻ bên Hồ Xuân Hương với tiết trời đêm lạnh giá, nhưng lòng thầy trò tôi ấm lạ. Cậu lớp trưởng cũ Ngô Hoàng Phi năm tôi chủ nhiệm lớp 9 nay đã là đồng nghiệp. Em bảo, em đang dạy Vật lý tại Trường THPT Cà Mau. Đó là ngôi trường với gần 70 lớp. Tôi mừng cho em công việc đang tiến triển với trung tâm luyện thi nổi tiếng ở TP Cà Mau, vợ vừa là giáo viên tiếng Anh, vừa là chủ một công ty du lịch mới ra đời nhưng thị phần đã khá cao. Tôi chúc mừng em bằng một ly rượu nghĩa tình. Em hỏi tôi về cuộc sống. Tôi cười, "thầy vừa dạy học, viết báo, vừa viết văn mà vẫn chưa giàu có...". Chuyện này chuyện nọ, thầy trò lại trầm tư nhắc lại một thời nơi mái Trường cấp 2 Tân Đức - Đầm Dơi.
Ngày ấy, tốt nghiệp sư phạm ra trường, trong khi bạn bè tìm về thị trấn, thị xã ở Cà Mau, Bạc Liêu thì tôi cùng bạn bè chọn đến với Đầm Dơi - nơi giáo dục còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Dù biết trước gian khổ nhưng tôi không khỏi bất ngờ bởi nơi tôi đến là một vùng quê còn quá nghèo khó. Quê nghèo nên trường học thiếu thốn đủ thứ, giáo viên đến rồi lại đi. Chiều mưa trắng trời, tôi ngồi trên hiên trường nhìn ra ngã ba So Đũa. Điểm lẻ Hiệp Bình của Trường cấp 2 Tân Đức chỉ là vài phòng học lợp bằng lá dừa nước. Chúng tôi phải ở trong văn phòng nhà trường. Cậu học trò đầu tiên nghe tin có thầy giáo mới về đến thăm là Phi. Phi nhỏ người, nhanh nhẹn, đôi mắt lộ rõ sự thông minh. Thầy trò mới đó đã thân thiết như gặp nhau từ lâu lắm rồi. Chúng tôi nói chuyện đến khuya, nỗi nhớ nhà, nhớ Bạc Liêu vơi đi đôi chút.
Trường có 6 lớp học nhưng chỉ với 5 giáo viên, 1 thầy phải chủ nhiệm 2 lớp, 1 ngày phải dạy 9, 10 tiết là chuyện thường. Thiếu thầy nên học Toán mà dạy cả Giáo dục công dân, Sinh học, Kỹ thuật nông nghiệp. Còn may là chưa phải dạy Sử, Địa. Nhiều lúc cười với nhau: “Mình đa tài quá!”.
Và cuộc sống lại càng thiếu thốn trăm bề. Cả năm không đọc được một tờ báo hay tạp chí nào. Tôi mang theo cái radio và mở tối ngày, hết pin là lấy nước muối chạy tiếp. Cứ thế, những tin tức trong huyện, tỉnh, của cả nước hay thế giới được chúng tôi cập nhật qua đài. Đường sá đi lại rất khó vào mùa mưa, một bước là phải xuồng, ghe. Đêm đến, những thầy giáo trẻ chúng tôi, ngoài trang giáo án, chồng bài kiểm tra của học trò thì chỉ biết ngồi ôm đàn hát và đọc thơ cho nhau nghe…
Tôi khâm phục những anh chị đồng nghiệp đã đem hết tuổi trẻ của mình cho em thơ vùng sâu này. Nhiều lúc nghĩ và ước mình sẽ làm được như họ. Khó khăn là vậy, song, với những tình cảm của bao con người miền quê; với sự ham học của học trò quê tóc cháy nắng, chân đất tới trường đã giúp những thầy giáo trẻ chúng tôi vững bước vượt qua mọi gian nan, thôi thúc chúng tôi mang hết sức lực tuổi thanh xuân ươm mầm xanh cho đất nước. Tôi còn nhớ rất rõ những ngày thầy trò vất vả đào đất đắp nền để có lớp cho học sinh và thầy cô năm sau. Nắng như thiêu như đốt mà vẫn vang tiếng cười của thầy trò giữa bãi đất. Thầy trò vui khi thầy có được chỗ ở rộng rãi, tươm tất…
Mới đó mà đã 25 năm tròn. Đồng nghiệp tôi nay mỗi người mỗi ngả, chẳng còn ai ở lại với Tân Đức dấu yêu. Lứa học trò của tôi ngày ấy với những cái tên nghe thân thương quá đỗi: Mai, Phi, Út Nhỏ, Vinh, Hiền, Thuỳ, Xuyến, Thuý… nhiều em đã là đồng nghiệp, nhiều em thành đạt trên đường đời. Thầy trò dù đi đâu, xa cách vời vợi, nhưng lòng vẫn nặng sâu với bao ân tình của một thời nghèo khó trên đất Đầm Dơi./.
Đào Hồng Khởi