ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 7-5-25 12:39:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ký ức đường bộ Cà Mau

Báo Cà Mau (CMO) Cà Mau thời xa xưa, ngoài trục lộ Ðông Dương, tức Quốc lộ 4 cũ, nay là Quốc lộ 1, còn có một số tuyến lộ Cà Mau - Tân Lộc, Thới Bình - Huyện Sử, Tân Duyệt - Tân Ðức, Cái Nước - Ông Phụng - Chà Là… Hầu hết các tuyến đường bộ ở Cà Mau đều bị chiến tranh tàn phá…

Một thời xuồng chèo, xuồng gắn máy xuôi ngược trên các đoạn kênh xáng lộ xe, nhìn lên lộ vô số lau sậy bịt bùng, vào mùa bông sậy, bông đế, bông bồn bồn trắng như mây uốn lượn dọc dài khi cơn gió chướng bay qua… Ðoạn Cống Ðá - Tân Hưng Ðông vào mùa mưa nước nổi, chim cò, trích ré, trích cồ đậu khắp cánh đồng, đất trảng, vỗ cánh gọi bầy “ré ré” như cảnh vườn chim… Kỷ niệm một thời xuồng chèo trên sông nước, bàng quan nhìn lộ sậy - bởi có lộ mà không dễ gì đi được và cũng chẳng ai thấy ức lòng!

Sau ngày toàn thắng 30/4/1975, khắp vùng nông thôn rộng lớn ở Cà Mau, cây cối xanh rờn, điều kiện bồi đắp từng khúc đứt, san lấp từng hố pháo, hố bom, tạo cho xóm liền xóm, nhiều đường làng rợp bóng mát trên những dòng kênh quen thuộc - những nơi từng in dấu chân biết bao cán bộ, bộ đội hành quân đi qua thời chiến… Ðó là những con đường đất, những con đường mòn kỷ niệm khó quên trên nhiều vùng quê xa xôi, hẻo lánh, gợi nhớ thời sau giải phóng ở đâu cũng tập trung vào việc lo hàn gắn vết thương chiến tranh… Và, cũng không thể lâu hơn nữa, nhưng phải đến hơn 30 năm sau, từ hầm đất đỏ trải đường, đến làm lộ bê-tông giao thông nông thôn mới được phát triển đều khắp trên đất Cà Mau, trải dài ra hàng trăm, hàng ngàn cây số…

Dấu ấn của nhiệm kỳ đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, người An Giang, làm Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau. Thật đáng nhớ! Với sự đồng thuận cao, tỉnh Cà Mau đã tạo ra bước đột phá mới, thực hiện Ðề án 1.588 cầu giao thông nông thôn năm 2009-2010. Với 1.588 cầu, cùng với cả trăm chiếc cầu được các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nước tặng, là con số biết nói, đã xoá chừng ấy cầu khỉ chênh vênh, lắt lẻo, làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn Cà Mau từ Chương trình “Nhịp cầu mơ ước” giai đoạn cuối năm 2010…

Cuối năm 1996, tôi trở lại Cà Mau trên chuyến tàu đò Bến Tre - Cà Mau - Sông Ðốc. Tôi có đem theo chiếc xe đạp làm chân, khi về tới thị xã Cà Mau gởi tại nhà anh Hà Phương Dũng trong “Khu Hoàng Gia”. Thời điểm này, đoạn Quốc lộ 1 Cà Mau - Cái Rắn đang được khôi phục, xây một số cống, bắc xong cầu Lương Thế Trân (cũ)…

Ðầu năm 1997, tôi ghé Sở Giao thông vận tải tỉnh Minh Hải - phía trong chân cầu Gành Hào, đường vô Bến tàu B, thăm anh bạn Nguyễn Ðức Thượng - chung Tiểu ban Thông tấn Báo chí Cà Mau thời chiến… Năm ấy, anh Nguyễn Ðức Thượng phụ trách Tờ tin ngành Giao thông vận tải Minh Hải. Chúng tôi cùng ngồi quán giải khát cặp lộ dưới chân cầu, nhìn ra, thấy xế chiều, Ðức Thượng nhắc gọi:

-  Mầy đi được rồi đó!

Nếu xuống bến tàu kịp, thì đưa xe đạp xuống đò máy về Cái Nước, còn nếu trễ thì ráng đạp xe đi… Thế là, từ bên nhà anh Hà Phương Dũng, tôi dắt chiếc xe đạp ra sân và đạp chạy qua tới đây. Giờ từ đây đạp xuống bến tàu dưới chân cầu Lương Thế Trân. Tôi bắt đầu lên xe xuất phát, đạp xe thoải mái. Nhưng xuống tới bến tàu, thì chuyến đò máy chót cũng vừa rời bến. Tôi phải ráng đạp xe đi trên con lộ đất bằng phẳng mà phía dưới nền đã giằn xong lớp đá, đuổi theo tàu đò, cầu may chứ không gặp. Cầu Tân Ðức lúc này đang xây chưa xong. Tôi dắt xe đạp xuống phà qua sông và tiếp tục đạp xe chạy đi… Mặt trời chiều đã tắt. Xuống tới Cái Rắn, tôi tạt theo lộ bên trái ra góc vàm, lên chiếc cầu sắt Cái Rắn xuống dốc cầu là ngay đầu lộ xe cũ từ thời Pháp, cặp kinh xáng, đi thẳng Rau Dừa. Trời tối sẩm. Tôi vẫn cố gắng đạp xe đi, không một chút nản lòng. Sự khoan khoái, hấp dẫn luôn động viên, thôi thúc tôi về đến nơi… Qua chiếc cầu sắt Rau Dừa cũ ở đầu vàm, tôi rẽ xuống hẻm bên phải, ghé vào quày tạp hoá của anh chị Mười Quang ở chợ Rau Dừa lúc tối… Vài ba tiếng chuyện, chị Mười khen tôi:

- Chú đi xe đạp từ Cà Mau về tới đây hay quá chớ!

Sáng lại, tôi đưa chiếc xe đạp xuống chiếc đò khách từ Rau Dừa về Cái Nước, đó là phương tiện làm chân tốt nhất của tôi.

***

Các công trình giao thông ở Cà Mau luôn được khởi động từ sau Tết Nguyên đán hàng năm và khí thế ra quân như các chiến dịch tấn công thời chiến… Quốc lộ 1, đường xương sống, xuôi Cà Mau Nam… Quốc lộ 63 vắt lên Cà Mau Bắc… Với nhiều tuyến đường mới mở ra, cho người và xe ngược xuôi nhộn nhịp. Hồi thời chiến, là bờ Nam sông Cái Tàu, bờ Bắc Sông Ðốc, dải rừng U Minh Hạ tràm sậy điệp trùng, nay thành những tỉnh lộ đi Biện Nhị, Khánh Hội; đi Rạch Ráng, thị trấn Sông Ðốc; đi Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Cơi Năm, ra Hòn Ðá Bạc và tuyến lộ đê biển Tây…

Xưa kia, không ai nghĩ rằng sẽ có Tỉnh lộ phía Ðông Cà Mau, từ cầu Huỳnh Thúc Kháng, Phường 7, qua kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, qua Ao Kho, cầu Hoà Trung bắc qua sông Gành Hào về thị trấn Ðầm Dơi được thông xe bon bon với niềm vui khó tả của bà con vùng căn cứ kháng chiến bên bờ biển Ðông này.

Ngoài Quốc lộ 63, còn có con đường Xuyên Á từ cầu Cái Tàu đi Thới Bình, qua Vĩnh Thuận, về vùng Miệt Thứ, Kiên Giang… Ngoài Quốc lộ 1, tuyến Quản lộ Phụng Hiệp được xây mới, sau hơn chục năm hoạt động, chờ lún, đã được nâng cấp và hoàn thành láng nhựa dịp kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4/2021.

Xuôi Quốc lộ 1 Cà Mau - Năm Căn, nhiều tuyến đường đấu nối thông thoáng như tuyến từ chân cầu Lương Thế Trân đi Ðầm Dơi - phà Hoà Trung, Kinh Cùng đi huyện Trần Văn Thời, Cống Ðá đi Xẽo Ðước, Cái Nước đi Ðầm Dơi, đầu lộ Phú Mỹ đi Vàm Ðình - Cái Ðôi Vàm… Nhiều tuyến đường đấu nối ra quốc lộ thành những nẻo đường vui…

Sau Tết Mậu Tý 2008, Ðài Truyền hình Cà Mau đưa tin vui vào buổi thời sự tối: Tỉnh Cà Mau làm lễ khởi công xây dựng một số tuyến đường ô-tô về trung tâm xã… Tôi nghe mừng quá đỗi!

Ai một lần xem phim tài liệu nhiều tập “Mê Kông ký sự” của TFS, nghe lời thuyết minh phần trên lãnh thổ Trung Quốc, chắc còn nhớ câu này: “Người Trung Hoa có câu nói chí lý: Muốn dân giàu, thì phải lo làm đường…”. Tôi mừng cho tỉnh Bến Tre đã đi đúng hướng cái chí lý ấy. Nay, tôi lại mừng cho đất Cà Mau, khi nghe tin vui này: Công bố chương trình xây dựng trên 200 km đường bộ…

Chưa bao giờ việc phát triển giao thông cầu, lộ có sức hấp dẫn như thế! Thực tiễn cuộc sống cho con người biết vận dụng sáng tạo thành ngôn ngữ đưa vào hệ thống lý luận… Một báo cáo viên cấp huyện được phân công triển khai nội dung nghị quyết cho các đảng bộ cơ sở, thường liên hệ bằng thực tế: Những công trình thuộc ý Ðảng, lòng dân… Và, bà con ta được hưởng lợi từ những con đường mới mở qua ngang nhà mình…

***

Khi đoạn Quốc lộ 1 Cà Mau - Năm Căn hoàn thành - dù còn phải qua phà Ðồng Cùng, cũng đủ làm hấp dẫn anh Nguyễn Duy Vinh với những chuyến thử sức mình đi xe đạp đua đường trường từ Cà Mau xuống tới Năm Căn, chỉ để ngồi quán uống cốc cà-phê rồi lên xe đạp chạy trở về. Sự vận động rèn luyện sức khoẻ, gân cốt cũng là thú vui cần thiết! Năm 2006, anh Nguyễn Duy Vinh đi xe đạp xuống thị trấn Cái Nước, vui tại nhà Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Hảnh, lại hay tin thân mẫu của anh Nhạc sĩ Thanh Trúc qua đời từ TP Hồ Chí Minh chuyển về quê nhà… Chiều tối đó, tôi với anh Nguyễn Duy Vinh mỗi người một chiếc xe đạp, từ Cái Nước qua thị trấn Ðầm Dơi, viếng bà má, gặp lại anh bạn Lâm Quang Phong và Lâm Quang Tèo, đi và về ngay trong đêm. Nếu không có con lộ Cái Nước - Ðầm Dơi 20 km, thì khó mà thực hiện được chuyến đi như vậy! Nhớ thời chiến, chúng tôi đi xuồng chèo qua Ðông Thới, qua kênh Hoạ Ðồ ra vàm kênh Năm Long, qua sông Bảy Háp - đoạn dưới đồn Bà Lái, vào vàm Cây Mắm vô Bàu Dừa… 33 năm sau, chúng tôi đi xe đạp và qua sông Bảy Háp bằng phà - đoạn trên đồn Bà Lái hồi xưa cũng vào đêm khuya vắng…

Rồi một hôm, nghe tin vui từ Dự án cầu Ðồng Cùng, tôi mừng kể lại với người anh kháng chiến - từng là Chủ tịch UBND huyện Cái Nước… Ngỡ ảnh cũng mừng, không ngờ ảnh ngon trớn, “lên lớp” tôi một tràng:

- Mầy đừng lạc quan tếu. Ðất nước còn nghèo. Ði phà được rồi. Tiền đâu bắc cầu. Ðời cha ăn mặn, đời con khát nước. Con trả hổng nổi, nợ chồng chất lút đầu!

-  Thật mà anh Ba!

Chắc anh nghĩ anh nói vậy rồi không ai dám làm quá! Tưởng sao, cầu Ðồng Cùng đã nối nhịp đôi bờ Bảy Háp, thông xe dịp Tết Nhâm Thìn 2012. Và đang triển khai Dự án Ðường Hồ Chí Minh chặng cuối cùng, với những công trình đồ sộ, chuẩn bị khởi công bắc cầu Năm Căn và nhiều cầu, lộ được thi công trên vùng đất phù sa, xuyên rừng đước về chót Mũi Cà Mau đấy nhé, anh Ba!

Dịp Tết Kỷ Sửu 2009, một đoàn xe buýt Giáp Diệp mới toanh tuyến Láng Trâm - Ðồng Cùng được đưa vào hoạt động. Trước đó đã khai trương tuyến xe buýt Cà Mau - Thới Bình. Tiếp theo các tuyến xe buýt Cà Mau - Khánh Hội - U Minh, Cà Mau - Tắc Thủ -  Sông Ðốc… Từ Tết Nhâm Thìn 2012, cầu Ðồng Cùng khánh thành, xe buýt Giáp Diệp hoạt động suốt tuyến Láng Trâm - Năm Căn. Tiếp sau, xe buýt Cái Nước - Cái Ðôi Vàm  được mở tuyến… Xe buýt, phương tiện giá rẻ luôn được hành khách ưa chuộng, qua từng chặng, cho ta thường gặp lại những bạn bè cũ khắp quê hương…

Có lần tham quan cầu Năm Căn, nhìn tận mắt, tôi thấy mê tuyến đường bộ bên bờ Nam sông Cửa Lớn về tới Viên An… Thời chiến tranh ác liệt, từng giang đoàn tàu sắt, tiểu pháo hạm Mỹ từ căn cứ hải quân Năm Căn luôn khuấy đục dòng sông, chúng tuần tiễu ầm ào, bắn trọng liên như vãi trấu hai bên bờ, đạn trúng thân cây đước rôm rốp… Nhưng cũng đã biết bao lượt Tam Giang dậy sóng, nhận chìm hàng chục tàu sắt và hạm Mỹ, ghi đậm chiến công trên dòng sông này. Và, xưa có nằm mơ cũng không ai dám nghĩ, sau mấy chục năm toàn thắng, ta làm được tuyến đường bộ trên bờ sông Cửa Lớn như ngày nay…

Ðường về Năm Căn.     Ảnh: MINH TẤN

Năm 2020, tuyến lộ mới mở với hơn chục cây cầu bên bờ Nam phía Xẽo Quao, thị trấn Sông Ðốc, qua xã Phong Ðiền, Phong Lạc và Hưng Mỹ, đấu nối ra Quốc lộ 1 ở Rau Dừa, đã thông suốt. Mỗi lần ngồi xe buýt qua ngang, nhìn ngã ba này mà háo hức, trông có dịp tham quan toàn tuyến từ đây xuống tới vàm…

Ngày nay, dù ở vùng sâu, vùng xa, nhưng hễ có những dãy nhà tường kiên cố mọc lên, có lộ nhựa qua ngang, có bến xe nhộn nhịp, thì nhìn nơi đó chẳng khác đô thị, không chỉ ở Trí Phải, Khánh Bình Tây, Ðất Mũi, mà nhiều trung tâm xã dần hình thành diện mạo như thị trấn… Cũng ngày nay, cho dù nhiều vùng quê xa tít miệt rừng tràm, rừng đước hay khắp chân trời góc biển, cuộc sống của con người có sung sướng nào hơn, chưa bao giờ sự đi lại thoải mái như bây giờ!

Tháng 6/2021

 

Nguyễn Minh

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.