(CMO) Ngay sau khi thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm, nông dân trên địa bàn huyện U Minh nhanh chóng cải tạo ao đầm thả vụ tôm nuôi mới. Năm nay, tình hình hạn, mặn được dự báo sẽ diễn ra gay gắt, chính vì vậy, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con cần bám sát lịch thời vụ để có vụ mùa đạt hiệu quả.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Ông Nguyễn Tấn An, ở Khóm 3, thị trấn U Minh, có hơn 1,5 ha đất xen canh lúa - tôm. Những năm qua, nhờ tập huấn về khoa học - kỹ thuật và có nhiều năm kinh nghiệm nên vụ tôm nuôi nào cũng hiệu quả. Những năm gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, nhưng nhờ chuẩn bị tốt về nguồn nước, con giống nên việc nuôi tôm của ông An đạt khá.
Ông Nguyễn Tấn An chia sẻ: “Thu hoạch lúa xong thì rút nước, phơi đầm cho khô nứt đất. Sau đó đi vôi, rải phân đều lên, đợi cho rong chết, gốc rạ sập xuống thì lấy nước cho ngập. Sau đó thử độ pH, độ kiềm, độ mặn đạt yêu cầu thì đem tôm về thả thử. Nếu thả mà thấy tôm chịu nước thì tôi mới đi bắt con giống về thả, có như vậy tôm mới đạt hiệu quả”.
Những năm gần đây, khi việc nuôi tôm phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên không còn dễ làm như trước, ngoài yếu tố kỹ thuật, nhiều nông dân bắt đầu lưu ý hơn đến lựa chọn con giống. Thay vì chọn con giống giá rẻ, thả với số lượng nhiều, người dân đã biết chọn con giống uy tín, chất lượng. Mặc dù giá có cao hơn nhưng với những con giống tốt, nông dân chỉ cần thả với số lượng ít. Nếu tính ra, số tiền thả giống vẫn ngang nhau. Nhưng khi thả con giống tốt, tôm đạt đầu con, mau lớn lại hạn chế dịch bệnh nên thu hoạch cao hơn so với thả tôm giống trôi nổi.
Ông Đinh Văn Phương, Ấp 1, xã Khánh Thuận, chia sẻ: “Nhà tôi có gần 10 công đất vuông, lúc trước thả một lần từ 70-80 ngàn con giống. Nhưng do tôm không có nguồn gốc rõ ràng, nghe người bán nói tốt thì nhắm mắt bắt đại nên thường thả không đạt đầu con. Lần này rút kinh nghiệm, tôi chỉ bắt 10 ngàn, vừa với diện tích vuông nhà. Con giống có nguồn gốc, chất lượng rõ ràng, có vậy thả nuôi mới đạt hiệu quả”.
Để tôm nuôi đạt hiệu quả, cần kiểm tra chất lượng nước trước khi thả giống. |
Ứng phó hạn, mặn
Theo nhận định của ngành chuyên môn, mùa khô năm nay hạn hán, xâm mặn sẽ diễn ra gay gắt vào khoảng từ tháng 4/2020. Rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn năm 2016, khi mùa khô vào đỉnh điểm, độ mặn trong vuông tôm có lúc lên đến 40%o, khiến tôm nuôi không phát triển, thậm chí chết hàng loạt, năm nay ngành chuyên môn của huyện đã đề ra kế hoạch ứng phó với hạn mặn.
Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh Trần Hồng Ửng cho biết: “Theo dự báo, mùa khô năm 2020 sẽ kéo dài và nắng hạn khắc nghiệt hơn năm 2019. Từ đầu năm, Phòng NN&PTNT huyện xây dựng lịch thời vụ, cũng như kế hoạch tập huấn về nuôi thuỷ sản để giúp bà con nông dân các biện pháp chăm sóc, quản lý, cải tạo, ươm dèo tôm giống để sản xuất đạt hiệu quả. Nhất là xây dựng khung lịch thời vụ để áp dụng phù hợp với tình hình thời tiết”.
Những lão nông qua nhiều năm đã rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm từ thực tế sản xuất. Ông Nguyễn Tấn An khẳng định: “Cấy lúa trên đất nuôi tôm 100% đạt hiệu quả. Ví dụ như cấy lúa có thể không trúng nhưng gốc rạ rất tốt cho tôm. Mùa nắng này, gốc rạ nằm xuống giữ được độ mát cho tôm, mục làm thức ăn cho tôm luôn. Theo tôi làm nhiều năm thì để đất trống không hiệu quả. Ai cấy lúa là trúng tôm”.
Ông Đinh Văn Phương bộc bạch: “Mấy năm nay nuôi tôm kém hiệu quả. Vụ mùa này tôi thử thả con giống mới chất lượng, 2 giai đoạn, hy vọng sẽ được mùa, cho thu hoạch sớm hơn. Mong thời tiết thuận lợi để dễ làm ăn hơn”.
Thạc sĩ Trần Hồng Ửng khuyến cáo: “Để ứng phó với hạn, mặn, bà con nên bám sát lịch thời vụ để thả giống. Đồng thời, để rút ngắn thời gian thu hoạch, người dân nên thực hiện mô hình quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Mô hình nuôi này đã khẳng định được tính hiệu quả, tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi trên cùng đơn vị diện tích”./.
Trần Chương