ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 17-6-25 01:46:09
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lại chuyện ở bãi nghêu

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày này, một đoạn bãi biển tại ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển nhộn nhịp hẳn. Mùa nghêu giống bắt đầu, người dân “tranh thủ” ra cào về dèo lại hoặc bán trực tiếp. Đây là bãi nghêu giống tự nhiên xuất hiện hàng năm, việc cào nghêu là trái phép nhưng vì cuộc sống mà người dân vẫn đổ xô về đây, có lúc lên đến hàng ngàn người. Chính quyền địa phương ra sức tuyên truyền, quản lý an ninh trật tự, nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng này xem ra không mấy hiệu quả.

Chứng kiến cảnh tượng này hàng năm, anh Đinh Hoàng Hôn, sống ở ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, chỉ cười khi nói chuyện về bãi nghêu: “Chỉ vài ngày mà có người kiếm được vài chục triệu đồng từ việc cào nghêu giống. Tôi không cào vì không có nhân lực, với lại cũng đang làm nghề đặt lú”.

Tuy nhiên, anh Hoàng Hôn cũng thật thà thông tin là nghề đặt lú của anh cũng... trái phép luôn, lắm lúc bị phạt hành chính đến hơn chục triệu đồng vì đặt “nhầm” trong địa phận Vườn Quốc gia. Thế nhưng, bị phạt thì chịu phạt còn đặt lú anh cứ đặt. Vì mưu sinh buộc anh phải thế.

Đa phần dân địa phương trong khu vực anh sống, ngoài đặt lú, đi biển mò cua bắt ốc, đến mùa nghêu giống lại ra cào thì chẳng còn việc gì khác để làm kiếm thêm thu nhập. Mùa nghêu giống chỉ có vài tháng, nhưng mang lại lợi ích kinh tế lớn nên họ tranh thủ.

Đang cào nghêu tại bãi bồi, ông Nguyễn Văn Dương cho biết: “Tôi cào nghêu hơn 3 năm rồi, tới mùa thì ra đây kiếm sống. Những mùa khác thì đi làm biển thôi. Chính quyền không cho cào, họ vận động, tuyên truyền dữ lắm, nhưng ở đây nhiều người đều cào nghêu khi đến mùa nên mình cũng làm”.

Ông Nguyễn Văn Dương cho biết, ông cào nghêu ở đây đã 3 mùa rồi, dù chính quyền địa phương không cho phép nhưng vì mưu sinh nên phải làm để kiếm sống.

Đồ nghề của những người đang miệt mài trên bãi nghêu này khá đơn giản, chỉ cần vỏ máy và tấm lưới kéo là đủ. 2 người thành “1 đội”, người chạy máy, người còn lại sử dụng bầu hút tự chế để khai thác nghêu giống. Cứ thế họ lang thang khắp bãi nghêu giống (từ Hang Mai đến Vàm Xoáy) từ sáng sớm khi nước ròng, đến lúc nước lớn, gió nhiều thì vào.

Mỗi ngày như thế họ có thể kiếm được vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu đồng hoặc nhiều hơn tuỳ thời điểm. Những năm trước, bãi nghêu thường xảy ra tranh chấp, chủ yếu là với Hợp tác xã (HTX) nghêu giống Đất Mũi, thậm chí đánh nhau vì xung đột quyền lợi. Nhưng năm nay tình hình có vẻ ổn. Anh Bùi Khánh Linh nói: “Hiện bãi nghêu này toàn dân địa phương cào, chúng tôi xem đây như là của chung, ai cào được nhiêu thì cào, không có tranh chấp hay cự cãi gì”.

Vuờn Quốc gia Mũi Cà Mau phối hợp cùng Công an huyện Ngọc Hiển tổ chức tuần tra, kiểm soát bãi nghêu giống, tuyên truyền người dân không được khai thác nghêu giống, cá kèo giống trong địa bàn của vườn. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cũng đã mời một số hộ dân trên địa phận tuyên truyền về việc bảo vệ tài nguyên rừng, biển kết hợp với giữ an ninh trật tự tại khu vực bãi nghêu, tránh trường hợp tranh chấp khai thác nghêu giống gây mất an ninh trật tự. Và theo báo cáo của Phó giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Tiêu Minh Luân, tình hình đến nay “ổn định, không xảy ra tranh chấp”.

Người dân khai thác nghêu giống ở ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Thực tế những người cào nghêu khi tiếp xúc với chúng tôi rất thân thiện và cởi mở. Anh Đinh Hoàng Hôn cho biết: “Cuộc sống ở đây khó khăn nên đến mùa họ cào nghêu giống bán thôi". Người dân ấp Rạch Thọ đa phần là người tứ xứ về đầy sinh sống bằng nghề biển, nhưng đánh bắt ven bờ, cào nghêu giống không được khuyến khích, thậm chí là vi phạm pháp luật, tuy nhiên, vì cuộc sống họ không còn cách nào khác. Nuôi trồng thì giờ không mấy hiệu quả nữa. Anh Đinh Hoàng Hôn từ Bạc Liêu về đây sinh sống, lấy vợ, sinh con tại mảnh đất này từ khi xóm rẫy còn sung túc nên đã chứng kiến biết bao chuyện vui, buồn của bà con.

Chỉ tay về mấy gốc thanh long cằn cỗi, chưa thể cho trái, anh Hoàng Hôn cho biết: “Giờ không thể làm rẫy được, từ lúc bờ đê bị lở mất thì xóm rẫy ở đây cũng mất theo. Muốn làm mô hình kinh tế nào khác ngoài đi biển, đánh bắt ven bờ, xem ra không thể nữa”. Có thể đây là lý giải cho việc cứ đến mùa nghêu giống hàng năm, khu vực bãi bồi này lại nóng đến vậy, hàng ngàn người ùn ùn kéo về cào nghêu bất chấp nỗ lực tuyên truyền của ngành chức năng. Việc ngăn cấm họ khai thác gần như là không thể, chính quyền, ngành chức năng giờ chỉ còn cách tuyên truyền và giữ gìn an ninh trật tự.

Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng không có giải pháp nào bền vững, đáp ứng được nguyện vọng của các bên liên quan. Thành lập HTX, quy hoạch lại bãi nghêu tưởng là hiệu quả nhưng đây lại là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất. Người nghèo khó vào được HTX bởi họ không tiền đầu tư, mà khi không vào được thì họ cứ khai thác, bởi đây được họ xem là “ngư trường truyền thống” của mình từ lâu.

Không ai chấp nhận được nguồn lợi tự nhiên nhưng người được khai thác, người không. Sẽ không là muộn nếu ngành chức năng thực sự quan tâm, quy hoạch hợp lý để nguồn lợi tự nhiên này thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo. Một HTX mà ở đó tất cả người địa phương có bãi nghêu đi qua đều được hưởng lợi chứ không phải là một nhóm nhỏ người “có điều kiện” mới vào được. Khi nào xoá bỏ được tình trạng kẻ ăn không hết, người lần không ra thì việc quản lý bãi nghêu giống mới thực sự ổn định. Và khi đó bãi nghêu sẽ mang lại lợi ích thực sự chứ không phải mạnh ai nấy khai thác như hiện nay.

Chỉ là chuyện bãi nghêu giống tự nhiên nhưng năm nào cũng nóng lên trên khắp mặt báo, lý do là ngành chức năng không quản lý được. Chúng ta nên nhìn nhận lại vấn đề chứ không thể năm nào cũng đổ cho một lý do là người dân thiếu ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, trong khi thực tế chưa có giải pháp nào hiệu quả được đưa ra để giải quyết dứt điểm vấn đề này./.

Đặng Duẩn - Nhật Minh

Hỗ trợ chị em làm kinh tế

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ðầm Dơi luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua và công tác hội, giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế thông qua nhiều mô hình sản xuất.

Đề xuất các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm, cua

Sáng 10/6, Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp phòng, trị bệnh trên tôm nước lợ và cua biển tại đồng bằng sông Cửu Long”.

Mạnh dạn chuyển đổi mô hình

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi tôm, thời gian qua, một số hộ dân ở huyện Trần Văn Thời thành công với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, bước đầu mang lại hiệu quả, cho năng suất cao.

Giữ nghề làm nước mắm

Nước mắm là loại gia vị được xem như “quốc hồn quốc tuý” của ẩm thực Việt Nam. Bằng tâm huyết, những người làm nước mắm truyền thống trong tỉnh vẫn luôn âm thầm, bền bỉ gìn giữ nghề của cha ông để lại.

Hướng đi mới cho nông nghiệp Cà Mau

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thị trường thực phẩm Halal đang nổi lên như xu hướng toàn cầu với quy mô hàng ngàn tỷ USD mỗi năm, đặc biệt tại các quốc gia có cộng đồng Hồi giáo đông đảo. Với tiềm năng lớn về nông, thuỷ sản, tỉnh Cà Mau được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều cơ hội để khai thác và tiếp cận thị trường giàu tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức này.

Hợp tác xã An Hoà trên đà phát triển

Hợp tác xã (HTX) An Hoà, xã Khánh An thành lập cuối năm 2022, qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, HTX đang ăn nên làm ra với các lĩnh vực: nuôi trồng và sản xuất nông nghiệp, các ngành hàng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ mua bán sản phẩm nông nghiệp, đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ vậy mà số thành viên tham gia không ngừng được nâng lên, HTX ngày càng lớn mạnh, tạo tiền đề cho sự phát triển ngày càng bền vững hơn.

Vụ mùa nhiều hy vọng

Tranh thủ những cơn mưa đầu mùa đến sớm, nông dân huyện Thới Bình tích cực cải tạo đất và gieo sạ lúa hè thu với hy vọng vụ mùa thắng lợi.

Hướng đi hiệu quả cho người nuôi tôm

Tại huyện Thới Bình, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn bước đầu cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, giúp người dân tiết kiệm chi phí, từ khâu cải tạo ao nuôi, chọn thả giống đến khâu chăm sóc và thu hoạch; không những mang lại năng suất và chất lượng cao mà còn bảo vệ được môi trường cho cộng đồng.

Giải pháp tăng năng suất tôm quảng canh cải tiến

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tại Cà Mau, đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới và nâng cao hiệu quả canh tác. Từ thực tiễn sản xuất và kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học, có thể áp dụng tổng hợp một số nhóm giải pháp nhằm tăng năng suất, cải thiện thu nhập và hướng tới phát triển bền vững.

Cái Nước kích hoạt nhiều giải pháp phát triển

Ðể phấn đấu đưa chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2025 tối thiểu ở mức 8%, Ban Thường vụ Huyện uỷ Cái Nước đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.