ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 16:52:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Làm báo Tết ngày ấy

Báo Cà Mau (CMO) Báo Tết - báo xuân ngay từ những năm đầu chống Mỹ (thời kỳ đấu tranh bí mật của cách mạng) đã được hình thành và nối tiếp nhau cho đến ngày nay. Báo Tết - báo xuân trở thành giai phẩm đặc biệt của cơ quan báo chí, của người làm báo, là món ăn tinh thần quan trọng của bạn đọc mà mỗi năm Tết đến, xuân về, cơ quan báo chí, người làm báo hăm hở, nắn nót, nâng niu, trân trọng. Ở toà soạn, từ đồng chí tổng biên tập đến biên tập viên, phóng viên, cán bộ, nhân viên đều có sự nỗ lực lớn để hoàn thành thật tốt giai phẩm này. Ai cũng có nhiều kỷ niệm buồn vui, sâu sắc về những ngày làm báo Tết - báo xuân.

Minh hoạ: KHỞI HUỲNH

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trường Tuyên huấn Trung ương III phụ trách công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tuyên huấn - báo chí - tuyên truyền từ Ðà Nẵng trở vào phía Nam. Năm 1978-1979, trường này mở lớp báo chí trung hạng. Tỉnh Minh Hải (Cà Mau  - Bạc Liêu) có số học viên đông nhất, hơn 20 người. Cùng thời điểm này, báo Minh Hải lần lượt đưa 7 nhà báo đi học Ðại học Báo chí ở Hà Nội. Cuối năm 1979, lớp bế giảng, chúng tôi về bổ sung cho báo và Ðài Phát thanh Minh Hải (hồi đó tỉnh chưa có truyền hình).

Lúc đó báo, đài địa phương gồm những người trưởng thành từ trong kháng chiến dạn dày kinh nghiệm, mặc dù hầu hết chưa được đào tạo chính quy, trình độ văn hoá ít ai học hết cấp 1. Còn lớp trẻ này hầu hết tốt nghiệp phổ thông, được trang bị kiến thức chính trị cơ bản: Chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiệp vụ báo chí được hấp thu từ các nhà báo lớn.

Cho đến bây giờ, ngẫm ngợi chúng tôi vẫn thấy cảm động và biết ơn Ðảng đã cho mình ăn học, bồi dưỡng, đào tạo cho có kiến thức để cống hiến tốt hơn trong lúc đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh nghèo khó tột cùng. Dù vậy, chúng tôi vẫn thấy mình thiếu thốn trầm trọng, nếu không nói là tay trắng về vốn sống, kinh nghiệm và kỹ năng tác nghiệp chuyên môn. Cũng cùng chứng kiến một sự kiện mà các anh thấy được điều để đưa tin, còn mình mù tịt; các anh ngồi vài phút là nộp tin cho toà soạn, còn mình vật lộn sáng đêm mà cái tin không ổn, bị biên tập cắt, gạch đỏ trang, có khi còn phải viết lại. Lo là vậy nhưng sức trẻ, lòng yêu nghề đã thúc giục chúng tôi hăm hở, bám sát bậc đàn anh trong tác nghiệp và xung phong đi thực tế bất chấp địa bàn xa xôi cách trở giao thông, thiếu thốn, đói khát.

Nhớ lần đi săn đề tài viết báo xuân, không có đò phải quá giang xuồng, cuốc bộ cả ngày trời. Ðói ghé nhà dân xin cơm... Có lần tôi với anh Lê Vũ Hoàng (nguyên Phó giám đốc Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau) quá giang xuồng về Cơi Năm - Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ðến hết xã Trần Hợi, chủ xuồng rẽ hướng khác. Hai đứa tôi phải lên bờ đi bộ. Trời nhá nhem tối, bờ đất lầy lội, lau sậy um tùm. Vùng này rắn hổ mang nhiều lắm. Thấy anh Hoàng lo lo, tôi đùa "anh yên chí lớn đi, tui đi trước cầm nhánh chà đập đập, rắn lánh mặt, mình ung dung. Ði chút thì tới hà". Nói cho anh bớt nản chớ tôi biết phải đi bộ hơn hai tiếng mới có chỗ nghỉ.

Chúng tôi đến Nông trường Bộ U Minh - nông trường toàn người tỉnh Hà Nam Ninh kết nghĩa vô khai thác xây dựng vùng kinh tế mới. Chủ nhà ân cần, niềm nở cho ăn cơm, cấp cho mùng mền ngủ. Thấy tôi được tặng gói thuốc lá Hoa Mai mừng húm, anh Vũ Hoàng tủm tỉm cười. Làm việc ở xã Khánh Bình Tây ba, bốn ngày, chúng tôi ra về. Ngặt nỗi ra vàm Cái Tàu thì không còn tiền đi tàu đò ra thị xã Cà Mau. Trong túi chỉ còn 10 xu, đủ mua 2 cái bánh ú lá tre cho hai đứa lót dạ. Tôi nói: "Không có tiền sao mình ra Cà Mau được. Tui với anh vô luôn Thới Bình. Tàu ghé ngay trạm xăng dầu, thằng bạn tui trưởng trạm sẽ trả tiền đò, rồi mình tá túc ở đó luôn, mơi tính tiếp. Ðêm nay hổng chừng còn có mồi bén, rượu đế nữa chớ chẳng chơi...".

Nói làm báo Tết thì không chỉ có viết bài và chụp ảnh. Nó là một chuỗi công đoạn: xây dựng đề cương theo chủ đề tư tưởng, chọn đề tài, phân bổ địa bàn cho phóng viên, giao nhiệm vụ phòng biên tập, phòng trị sự lo hậu cần, tiền nong, in ấn, phát hành.

Năm đầu đi viết báo Tết trong dạ nôn nao rạo rực, lo âu. Gió chướng rao ngọn, lúa chín vàng đồng mà mãi không nghĩ ra hình thù bài báo mình sắp viết, đêm nằm trằn trọc không sao ngủ đươc. Rồi ngày họp cơ quan cũng tới. Tôi làm phóng viên Phòng Kinh tế - Quốc phòng, được phân công viết về bộ đội xây dựng nông trường nuôi tôm trong rừng đước. Hồi đó phương tiện giao thông công cộng thiếu thốn, đi lại khó khăn, cuối cùng tôi cũng đến được nông trường bộ đội nuôi tôm. Phóng tầm mắt nhìn bao la rừng đước, triều lên sông nước mênh mang, đêm bộ đội thắp đèn măng-xông sáng rực doanh trại, thu hoạch cả chục tấn tôm một con nước. Mấy ngày ở với bộ đội ăn cua, cá phủ phê... Ðinh ninh tư liệu đủ vốn, tôi về toà soạn, viết. Viết ngày viết đêm. Cúp điện đốt đèn cầy viết. Viết rồi xoá, rồi xé. Qua mười mấy ngày, thấy cũng không xong nhưng đành viết sạch để thông qua. Không phải như bây giờ nộp bản thảo trên email đâu, báo Tết bài của ai người ấy đọc. Buổi thông qua báo Tết như ra hội đồng tốt nghiệp. Thành phần là Ban Biên tập, lãnh đạo các phòng chuyên môn và toàn bộ phóng viên.

Ðầu tiên Phi Thường (nguyên Giám đốc VTV Cần Thơ trước khi nghỉ hưu), lúc đó là phóng viên Phòng Văn xã đọc bút ký "Làng rừng", tôi nghe thật mượt mà, tình cảm, sâu sắc, lãnh đạo gật gù, thấy chiều suôn sẻ. Kế tiếp, Ung Ngọc Quân (sau này là phóng viên thường trú báo Nhân Dân) cũng phóng viên Phòng Văn xã, lấy bút danh Anh Ngọc, thông qua bài "Sức trẻ và những chiến công" viết về thanh niên xung phong đi khai thác, khôi phục rừng. Bài anh viết sôi nổi, trẻ trung, mọi người nghe phấn chấn. Tới lượt mình, tôi vừa đọc bài, vừa liếc nhìn chung quanh. Không khí sao như chùng xuống, với tôi đó là sự im lặng đáng sợ. Bài tôi viết 8 trang khổ A4 mà tôi tả cảnh đâu hơn 6 trang rồi. Lúc đọc đoạn mà mình cho là "ngon" nhất, tôi thấy Nhà báo Tạ Việt Hoa (chú Chín Tửng), Phó tổng biên tập, xoay ngang. Tôi đọc xong, phòng họp im lìm. Hồi lâu, Nhà báo Phạm Văn Tri (chú Bảy Minh), Phó tổng biên tập, xin ý kiến mọi người phát biểu. Phóng viên thì im re, chắc họ ngại nói vì thông cảm tôi. Chú Chín Tửng phán một câu xanh dờn: "Tác giả cũng chịu khó đầu tư tư liệu nhưng thể hiện sao lan man quá, chưa đi vào trọng tâm". Còn chú Bảy Minh thì cười xởi lởi: "Sao miêu tả nhiều quá hén!". Tôi hoang mang tột cùng.

Tối đó, Nhà báo Tô Ðoàn Hùng, Trưởng phòng Văn xã rủ tôi và mấy anh em phóng viên đi nhậu rượu đế với cóc ổi, gốc là để động viên tôi. Anh tâm sự: "Mới về toà soạn mà được tham gia báo Tết là ngon rồi. Tao hồi đó vô báo Chiến Ðấu của Sóc Trăng toàn nghe radio chép tin đọc chậm của Ðài Giải Phóng, Ðài Hà Nội, mấy năm mới được viết tin, rồi sau nữa mới cho viết bài. Bài bị dạt là chuyện cơm bữa, có gì mà lo. Mai về chỉnh lại rồi đưa tao coi, tao tiếp cho. Vô cốc đi".

Hồi đó tốp phóng viên tụi tôi đâu dám nhìn vô bàn ban biên tập khi mấy chú đang duyệt bài. Trong lòng cứ nơm nớp lo không biết bài mình có được đăng hay không. Vì vậy, mấy đứa tôi hay đến phòng đánh máy giả bộ đọc bản thảo tiếp cho hai cô đánh máy chữ đánh mau hơn. Hễ thấy bài mình được tới đó là mừng thầm trong bụng. Thấy tôi hay đứng ở phòng đánh máy có cô Huệ thư ký hiền hậu, trắng trẻo, dễ thương nên mấy người kia ghẹo "tương trợ giúp đỡ tận tình quá ha". Tôi phản hồi: "Một công hai việc mà".

Nhắc làm báo Tết có những chuyện cười ra nước mắt. Năm đó triển khai đề cương báo Tết với chủ đề giáo dục truyền thống cách mạng là phải chụp ảnh bìa cô giáo giảng bài truyền thống quê hương. Nhà báo Hồ Bình Ðại cùng vài phóng viên phụ trách chụp ảnh bìa. Hồ Bình Ðại sau khi tìm đến một trường học, liên hệ cô giáo và liên hệ địa phương huy động một số nhân công bứng một cây dừa tơ, khéo léo buộc vào mấy buồng dừa non như một cây dừa sai oằn trái, khuân đến trồng bên cạnh ngôi trường để cô giáo đứng bên ngôi trường dưới bóng cây dừa giảng bài truyền thống cho học sinh.

Cũng lần thông qua báo xuân năm ấy, phóng viên Hồ Bình Ðại được xuống địa bàn Ðất Mũi. Về Bình Ðại thông qua bài mang tựa đề “Xuân về giữa xóm Khai Long”. Trong buổi họp có người cất tiếng hỏi: “Xuân về giữa xóm, còn hai đầu xóm xuân có về không?”. Câu hỏi này làm cả cuộc họp đồng thanh cất tiếng cười. Rủi thay, bài “Xuân về giữa xóm Khai Long” Bình Ðại vừa để góc bàn chưa kịp sửa thì Nhà báo Trần Tấn Sỹ tưởng giấy vụn mang vào cầu xí…, buộc Hồ Bình Ðại phải viết lại toàn bộ bài báo “Xuân về trên xóm Khai Long” một cách thật khó nhọc.

Hồi đó làm báo còn nhiều non kém, ấu trĩ nhưng luôn thấm đậm niềm tin và khát vọng, chứa chan tình thương, tình đồng nghiệp không phai mờ qua bao năm tháng.

 Vậy rồi bản thảo tờ báo Tết cũng xong, vẽ ma-két (lên khuôn). Sau khi thông qua Thường trực Tỉnh uỷ ảnh bìa 1, mấy "thầy trò" khăn gói đùm túm bản thảo, bản vẽ lên TP Hồ Chí Minh in báo ở Nhà in báo Sài Gòn Giải Phóng. Chuyến đi in báo Tết này do chú Bảy Minh, Phó tổng biên tập thường trực phụ trách. Nhà khách Tỉnh uỷ 128 Sương Nguyệt Anh cho ở nhờ, đóng tiền cơm giá hỗ trợ. Năm 1980 còn bao cấp, lương ít ỏi, đâu có tiền ăn sáng, bữa nào có ly cà phê đen là khoái lắm. Ðêm vô nhà in đọc bài, sửa bản in tới khuya, đói bụng, buồn ngủ, mấy chú cháu, anh em vét tiền túi ra quán cóc vỉa hè mua chai rượu đế nhậu với xương súp. Xong lại vào xưởng máy coi bản in nháp. Mỏi mòn nằm trên đống giấy nghe tiếng máy chạy xục xạc đều đều, ngủ ngon lành.

Có chuyện nhớ mà cười ra nước mắt. Bữa đó rảnh việc, Doãn Binh, hoạ sĩ, hớn hở báo với tôi: Ông tài xế bắt được mối bốc vác 3 tấn giấy lên xe tải, tiền công 100.000 đồng - gấp đôi lương tháng tụi tôi thời đó. Vậy là tụi tôi ra làm bốc xếp bất đắc dĩ. Làm xong chuẩn bị nhận tiền thì mới hay mình chất giấy nhầm xe, phải làm lại từ đầu. Vậy mà vẫn mừng rơn.

Năm đó tờ báo Tết đẹp, đồng nghiệp các tỉnh cùng đi in khen ngợi, số lượng đặt hàng cũng nhiều nhất so với trước đó. Báo về tới toà soạn, cả cơ quan vui mừng khôn xiết. Ban Biên tập phân công phóng viên, nhân viên mang báo về tận vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ phát hành. Nhà báo Hồ Bình Ðại (Mười Ðại), Phó trưởng phòng Trị sự rủ tôi phát hành một số xã của huyện Cái Nước, Ðầm Dơi quê anh. Anh nói xứ tao mùa này mồi nhậu vun chùng. Còn tôi được về nơi chôn nhau cắt rún thì cũng nôn nao. Nhận số lượng báo, ứng tiền công tác phí vừa xong, Mười Ðại kéo tay hai ông cán bộ huyện mới lên tỉnh chờ sáng mai hội nghị, nháy tôi: "Nhớ hôn. Mối cũ Bàu Dừa, Quách Phẩm B không nè". Vậy là ra quán.

Hôm sau, hai tôi đi hết xe rồi đến tàu đò xuống thẳng xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi. Sắp đến nơi, tôi báo đã hết tiền. Mười Ðại: "Lo gì chuyện lẻ tẻ này. Ghé chợ Chà Là mình bán vài chục tờ là có tiền nữa rồi". Tàu cập bến, hai tôi chuyển báo lên bờ. Chợ nhóm sáng kẻ mua người bán, trên bến dưới thuyền tấp nập. Tôi đứng xớ rớ bên chồng báo. Có bà đi chợ hỏi tôi mua bán gì, tôi nói bán báo, dì có mua không, bà lắc đầu bỏ đi. Tôi ngán ngẩm. Chợt nghe tiếng kêu to: "Anh Mười hả? Lâu quá không gặp. Ði đâu, làm gì vậy trời". Chợt nhìn thấy mấy tờ báo tôi cầm trên tay, anh ta nói "à, nhà báo đi bán báo Tết chớ gì". Mười Ðại: "Làm  báo thì bán báo chớ bán gì bây giờ. Mà sao xứ này người ta không mua báo mậy?". Anh kia: "Ðâu mà không mua. Ðể tui". Ðoạn anh ta biểu tôi rinh chồng báo tới chỗ nhiều người túm tụm mua hàng, anh cất giọng: "Trời, báo Minh Hải Tết hả? Ðẹp quá ta. Hình cô gái lái máy cày tươi rói, qua Tết con gái tui đem treo cửa buồng hết sảy. Bao nhiêu một tờ dị, đưa tui chục tờ đi". Rồi anh ta trả tiền, cầm mấy tờ báo, mắt nháy Mười Ðại, bước đi.

Vậy rồi, mấy bà, mấy cô xúm lại mua báo ào ào, tôi bán cái vèo sạch trơn, chỉ chừa lại cho cơ quan xã mấy tờ. Tôi lần theo hướng Mười Ðại và anh kia một đoạn thì nghe hai người vừa kêu, vừa ngoắt tôi vô căn nhà lá nền đất có mái hiên mát mẻ. Chỗ đó trên bộ vạc cau, bốn năm người cười nói râm ran. Ở giữa, trên tàu lá chuối có con cá lóc to bằng bắp chân nướng rơm, kế bên là mớ rau cần nước và chai rượu đế trong như mắt mèo, nút bằng lá chuối khô. Rượu rót tràn ly vô "trăm phần trăm mấy vòng, Mười Ðại nhìn qua tôi: "Thằng này em bà con với tao, tên Trải, hồi trước đi Ðoàn Văn công Cà Mau, giờ vừa làm ruộng, hụ hợ thông tin văn hoá xã". Anh tên Trải tiếp lời: "Xứ mình hồi đó chiến tranh đâu ai bán báo, đâu như ngoài chợ báo báo đây là có ngươi mua ào ào. Phải Sơn Ðông mãi võ dị mới bán được. Thôi, vô cái nữa nghen".

Hai tôi say mèm ngủ luôn nhà anh Trải, sáng hôm sau anh gởi xuồng bà con đi chợ cho quá giang sang xã khác tiếp tục làm công việc phát hành tận vùng sâu, vùng xa. 

 Các nhóm khác cứ cầm giấy giới thiệu ghé xã uỷ giao báo, lấy biên nhận hẹn tháng sau thu tiền. Còn tôi với Mười Ðại hầu như đi đến đâu cũng bán hết, thu tiền gần đủ. Về cơ quan hai tui báo lại việc phát hành hết, thu tiền gần đủ, được khen. Nhưng đâu ai biết, có tiền trong túi, Mười Ðại gặp chí cốt cũ thời kháng chiến là lịnh tôi chi. Sau đó hai tôi bị trừ lương hàng tháng cho tới mùa làm báo Tết năm sau./.

 

Nguyễn Bé Ngân Phương

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).