ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 3-5-25 14:36:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Làm theo Bác góp sức xây dựng quê hương. Bài 2: Mô hình thiết thực

Báo Cà Mau (CMO) Việc học tập và làm theo gương Bác của các cấp hội phụ nữ tỉnh Cà Mau mang tính ứng dụng thực tiễn cao, bằng nhiều phong trào hành động sôi nổi, tạo được sức lan toả mạnh mẽ. Từ đó đã tạo nguồn động lực cho cán bộ Hội LHPN các cấp trong thực hiện các chỉ tiêu đại hội đại biểu phụ nữ các cấp đề ra, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Sự nhạy bén và liên tục có những mô hình mới, hiệu quả, tính thực tiễn dễ áp dụng đã tạo được sự tin tưởng, an tâm khi tham gia của hội viên, phụ nữ; nhiều chị em được tham gia, được phát triển và thoát nghèo từ việc học tập tư tưởng, đạo đức và làm theo phong cách của Bác".

Giảm nghèo - Gia đình hạnh phúc

Tìm về Ấp 5, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, chị Lâm Tuyết Măng tâm tình: “Cách đây chưa lâu, rủ chị em tham gia hội thấy nhiều người còn ái ngại lắm. Chị em nói vô đó mắc công tốn tiền hội phí, mà lợi ích thì chưa thấy đâu”. Bản thân chị Măng, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 5 cũng từng có tâm lý ấy. “Tôi trước đây cũng không mặn mà tham gia hội đâu! Bởi nhà nghèo, thiếu trước hụt sau, chạy gạo ăn từng bữa!”, chị Măng kể.

Vậy rồi, bằng sự quan tâm, giúp đỡ của tổ chức hội, chị Măng tiếp cận được nguồn vốn khởi nghiệp làm chả cá phi, cuộc sống dần ổn định. Chị Măng trải lòng: “Tới lúc đó, tôi mới nhận ra lợi ích thiết thực và ý nghĩa lớn lao của tổ chức Hội LHPN, mình là phụ nữ mà không đồng cảm, không thấu hiểu, không giúp nhau thì ai giúp? Thế là tự nguyện nộp đơn tham gia hội”. Cũng từ đó, chị Măng xông xáo tham gia công tác, mở rộng 3 tổ hợp tác làm chả cá phi cho chị em của Ấp 5, xã Khánh Tiến. Hiện nay, 3 tổ hợp tác chả cá phi xuất bán khoảng 200 kg/ngày, thu lợi về cho mỗi tổ viên hơn 200.000 đồng/ngày.

Chị Lâm Tuyết Măng (bìa phải), Ấp 5, xã Khánh Tiến, huyện U Minh tiên phong mở rộng 3 tổ hợp tác làm chả cá phi, xuất bán khoảng 200 kg/ngày, thu lợi về cho mỗi tổ viên hơn 200.000 đồng/ngày.

Chị Phan Thị Thuý, hội viên Chi hội Phụ nữ Ấp 5, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, bộc bạch: “Nói đâu xa, bây giờ phụ nữ nông thôn như chúng tôi không còn mặc cảm, suy nghĩ hời hợt nữa, mà thay vào đó là tự tin, tự trọng, nỗ lực vươn lên để đảm việc nhà, góp sức vào việc chung. Đó là điều mừng lắm, quý lắm”. Với chị Thuý, học và làm theo Bác đơn giản là siêng năng lao động, thực hành tiết kiệm, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con mình chu đáo. Cũng từ việc học và làm theo Bác, chị Thuý đã tìm thấy cho mình niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống thường nhật, đó là tinh thần đoàn kết, san sẻ, cùng tiến bộ với chị em trong xóm ấp.

Cũng ở Khánh Tiến, chị Nguyễn Hồng Nhung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 6, tâm đắc: “Hồi trước, xứ này khổ lắm, nhà nghèo, vợ chồng hục hặc, đánh nhau hoài. Phụ nữ trong nhà hầu như không có tiếng nói, khổ cũng không biết kêu ai, nhờ ai giúp hết”. Vậy rồi Chi hội Phụ nữ ấp tổ chức câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, tìm đến tận nhà chị em để nắm bắt tâm tư, tình cảm. Cũng từ đó, tình trạng bạo lực gia đình trong ấp chấm dứt triệt để. Chị em Ấp 6, xã Khánh Tiến, không ai kêu ai đều tự nguyện viết đơn tham gia hội.

Tương tự, tại Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, chị Phan Thị Nhiên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 1, Chủ nhiệm CLB Gia đình hạnh phúc Khóm 1, từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Sau đó chị tham gia công tác hội, tham gia các buổi tập huấn kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, dần sắp xếp được cuộc sống ổn định, chồng chị tôn trọng thời gian và chia sẻ công việc cùng chị. Hiện nay, chị Nhiên đã cùng chị em thành lập được CLB Gia đình hạnh phúc Khóm 1, với trên 20 thành viên, đa phần mỗi chị đều có hoàn cảnh khác nhau, cũng từ đây nhiều gia đình hội viên bên bờ đổ vỡ đã được hàn gắn, hạnh phúc trở lại.

Chị Mai Kim Thuỷ, Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Trước đây vợ chồng tôi bằng mặt nhưng không bằng lòng, thu nhập bấp bênh nên vợ chồng hay bất đồng, cự cãi, có nguy cơ đổ vỡ. Khi tham gia hội, được tham gia các buổi tập huấn, mình có suy nghĩ thoáng hơn, khi chồng giận thì vợ bớt lời, nhất là khi chồng có rượu, đợi khi chồng bình tĩnh thì vợ chồng cùng nhau chia sẻ, khuyên răn; phân biệt đúng sai, từ đó dần hoá giải những mâu thuẫn trong cuộc sống, cuộc sống ổn định, hạnh phúc hơn".

Biến rác thành... nghĩa tình

Các cấp Hội LHPN Cà Mau đều thấm nhuần làm theo lời dạy của Bác “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; từ đó việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác, sâu sát với thực tiễn phong trào phụ nữ và công tác hội. Đặc biệt chú trọng đề cao trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu của cán bộ chủ chốt nên mỗi nội dung, mỗi hoạt động đều đạt hiệu quả cao, nhất là thông qua các mô hình tiết kiệm.

Tại huyện Đầm Dơi, bà Nguyễn Kim Kết, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện, thông tin: “Hơn 5 năm qua, mô hình tiết kiệm rác thải vô cơ để làm vốn khởi nghiệp, mua bảo hiểm y tế của chị em đã được hình thành, nhân rộng, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn thể hiện nghĩa tình, sự quan tâm, san sẻ thiết thực với hội viên”.

Cùng với chị em phụ nữ xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi tham gia đợt sinh hoạt thông lệ, mới thấy hết giá trị của công việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Trung, chia sẻ: “Nhận thấy vấn đề rác thải, nhất là rác thải nhựa ở xã nhà ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường và sức khoẻ, chị em đề đạt thành lập các tổ thu gom, tiết kiệm rác thải vô cơ để có nguồn quỹ hoạt động. Công việc này tuy nhỏ nhưng rất thiết thực, thể hiện ý thức chủ động, sáng tạo của chị em trong việc học và làm theo Bác”.

Mô hình tiết kiệm từ rác thải của Chi hội Phụ nữ ấp Thành Vọng, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, hàng quý giúp 35 chị em có hoàn cảnh khó khăn ở ấp mua bảo hiểm y tế.

Bà Hồ Thị Kiếm, ngoài 70 tuổi, vẫn hăng hái trên cương vị Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Thành Vọng, xã Tân Trung, luôn là nhân tố hăng hái nhất của phụ nữ ấp trong tổ tiết kiệm rác thải vô cơ. Bà Kiếm tâm sự: “Phụ nữ nông thôn mà, tiền bạc kiếm khó, nhiều chị em đời sống còn vất vả lắm. Tiết kiệm rác thải vô cơ thì có gì đâu khó, tích tiểu thành đại, bán ve chai, tiền thu về thì mua bảo hiểm y tế cho chị em, lợi nhiều bề”. Không chỉ tiết kiệm, chị em phụ nữ ấp Thành Vọng còn ra quân thu gom, dọn dẹp, chỉnh trang môi trường, tích luỹ rác thải vô cơ, vừa làm đẹp cho làng xóm, vừa tạo nguồn thu từ việc tiết kiệm được nhiều hơn. Cứ đều đặn như thế, 35 chị em có hoàn cảnh khó khăn ở ấp Thành Vọng đã được mua bảo hiểm y tế, góp phần vào việc chăm sóc sức khoẻ, gia tăng chất lượng sống cho phụ nữ.

Cũng từ các mô hình tiết kiệm từ rác thải, chai nhựa, Hội LHPN huyện Trần Văn Thời đã triển khai mô hình tiết kiệm từ rác thải xây dựng Quỹ học bổng 20/10, có 25.684/35.877 hội viên thực hiện, tiết kiệm được trên 300 triệu đồng, tặng 622 suất học bổng cho con em hội viên nghèo học giỏi, mỗi suất 500.000 đồng. Thực hiện mô hình “Biến rác thải thành vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, có 20.081/33.744 hội viên tham gia, kết quả vận động được với số tiền 120 triệu đồng, luân phiên giúp hàng trăm phụ nữ nghèo, khó khăn thêm vốn khởi nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Hường, ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, đặt rượu nuôi heo hơn 10 năm qua. Nhận thấy chị Hường chí thú làm ăn, nuôi 3 con học đại học, đầu năm 2022, Hội LHPN xã Khánh Lộc xét chọn hỗ trợ số tiền 15 triệu đồng để chị có thêm vốn mua heo giống tái đàn. Với mô hình này, hàng năm chị Hường có thêm thu nhập khoảng 50 triệu đồng, cùng 1,7 ha đất ruộng, tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

“Nghĩa tình, sự quan tâm, giúp đỡ của tổ chức hội luôn là điều mà phụ nữ chúng tôi rất cảm kích. Càng quý hơn, sự giúp đỡ ấy đến từ những phong trào xuất phát từ việc học tập và làm theo gương Bác. Không cần lớn lao, cao siêu, chỉ từ việc đơn giản là tiết kiệm rác thải vô cơ, bán ve chai, rồi mang những đồng tiền nghĩa tình ấy mua bảo hiểm y tế, phụ nữ nông thôn như chúng tôi đã có thêm chỗ dựa, nghị lực để phấn đấu vươn lên”, chị Nguyễn Thị Hường tâm tình./.

 

HẢI NGUYÊN - LOAN PHƯƠNG

BÀI 3: LAN TOẢ NHỮNG CÂU CHUYỆN NHÂN VĂN

 

Ngày giải phóng Cà Mau

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.