ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 19-1-25 09:27:49
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lần đầu tôi đi coi hát

Báo Cà Mau Xóm tôi cách thị trấn Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, chừng hơn 5 cây số. Hồi đó, Rau Dừa là thị trấn sung túc, sầm uất chẳng kém gì thị trấn Cái Nước. Hằng năm, mỗi khi mùa khô đến, gánh hát các nơi thường hay về đây lưu diễn, nhiều lần nhất là gánh hát Hương Tràm.

Không hiểu lúc ấy người ta chỉ gọi là gánh hát mặc cho bảng hiệu họ đề chữ đoàn cải lương rành rành. Mỗi khi gánh hát về Rau Dừa là xóm tôi vui như hội, mọi sinh hoạt hằng ngày bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Ði đâu cũng nghe bà con bàn tán về tuồng tích, về nghệ sĩ. Vậy là ai cũng tự xếp lịch cho riêng mình, tranh thủ đi coi hát vài đêm kẻo lỡ dịp thì chỉ có cách chờ đến mùa khô năm sau gánh hát mới lại quay về.

Ba má tôi là nông dân chính hiệu, nhưng đối với việc đi thưởng thức cải lương hay bất cứ hình thức giải trí nào khác thì ông bà vô cùng thoáng, không hề cấm đoán con cái như nhiều gia đình khác. Tuy nhiên, ông bà cũng rất rạch ròi về tiền mua vé, đứa nào kiếm được tiền thì cứ đi. Nói chung là các khoản chi phí cho một đêm coi hát thì phải tự lo. Ðược như vậy là anh em tôi đã mừng lắm rồi, mấy đứa hàng xóm phải năn nỉ có khi cả ngày mới được tiếng ừ trong bực tức của ba má nó. Quê tôi vào mùa khô hạn có thể xem là mùa hái ra tiền của lũ trẻ như tôi. Ði khiêng đất, cuốc đám mạ mướn, bắt cá cạn, cá hôi... đều có thể xoay xở được tiền mua vé hằng đêm. Ăn cơm sáng xong, mấy đứa rủ nhau quẩy giỏ, xách thùng ra đồng tát mương bắt cá cạn đến xế bóng, đem cá về bán cho vựa làm mắm, là đủ tiền mua vé, có khi còn dư để ăn đá bào, kẹo chanh, đậu phộng rang...

Ðã mấy chục năm qua rồi, cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc của mình khi lần đầu tiên được đi coi hát. Mỗi khi nhớ lại tôi thường tự mỉm cười rồi miên man chìm sâu vào miền ký ức.

MH: Minh Tấn

MH: Minh Tấn

Năm đó tôi đang học lớp 6, chưa đủ khôn và chưa có lần nào tự đi xa một mình, hay đi cùng đám bạn. Má tôi giao cho anh Năm có nhiệm vụ dẫn tôi đi. Anh Năm tôi thì lại không muốn, bởi một lý do gì đó mà không thể nói ra, cho đến sau này tôi mới biết đó chính là chuyện hẹn hò của đám trai gái xóm này, xóm khác. Bởi mỗi khi gánh hát về, ngoài việc coi hát còn là dịp thanh niên nam nữ hẹn hò, tìm hiểu với nhau. Thấy tôi khóc dữ quá, lại còn được má bảo vệ, anh Năm tôi đành miễn cưỡng chấp nhận. Vậy là suốt ngày hôm đó tôi giống như người ở trên mây, đứng ngồi không yên, chốc chốc lại chạy ra sân nhìn ông mặt trời, chỉ cần ông mặt trời ngả bóng về đằng Tây là tôi được cùng anh tôi qua Rau Dừa coi hát. Nghe nói lần này gánh hát về có đủ cả “4 Minh”, tức là 4 nghệ sĩ: Minh Ðương, Minh Hoàng, Minh Sang và Minh Chiến. Ðang đứng ngoài mái hiên nhà, tôi thấy anh Năm tôi cầm dao ra vườn chặt mấy tàu lá dừa khô, bó lại thành nhiều ngọn đuốc, chừng nào đi anh em sẽ ôm theo để đến lúc về đốt đuốc cho thấy đường.

Khi mặt trời non sào nữa lặn, nắng đã nhẹ nhiều, anh em tôi cùng với mấy người trong xóm bắt đầu lên đường. Ai nấy đều ăn mặc bảnh bao, mặt mày hớn hở. Ði một đoạn anh Năm tôi giấu một bó đuốc để bận về đem ra sử dụng khỏi phải ôm theo lùm đùm. Chúng tôi men theo con đường mòn, hết qua xóm này rồi băng đồng sang xóm khác, đến lúc mặt trời chen lặn thì vừa đến Rau Dừa. Còn vài trăm mét nữa trước khi đến bãi đất trống, nơi gánh hát Hương Tràm dựng sân khấu để biểu diễn, tôi có cảm giác như mình không còn bước được nữa. Tiếng trống thúc dồn. Tiếng loa phóng thanh oang... oang... Tiếng máy phát điện nổ xình xịch xen lẫn với tiếng cười nói ồn ào, tiếng gọi nhau í ới của những người quen lâu ngày mới gặp... làm chân tôi như muốn túm lại, mặt mày ngơ ngác, một cảm giác hồi hộp, phấn chấn đến lạ lùng mà tôi chưa từng trải qua bao giờ. Anh Năm dẫn tôi đến gốc một cây còng thật lớn, nơi gần địa điểm bán vé, đưa tôi mấy cục kẹo chanh rồi dặn: "Ðứng ở đây chút nữa anh quay lại rồi mua vé vô cổng, còn lâu lắm gánh hát mới mở màn". Tôi thừa biết lão ta đi đâu, thôi kệ, tôi đứng đây nhìn mấy tấm ảnh nghệ sĩ treo trước rạp là đủ sướng rồi.

Ðêm hôm đó gánh hát diễn tuồng Phạm Công - Cúc Hoa. Tôi không thể nhớ mình đã có bao nhiêu lần cười, bao nhiêu lần khóc, cảm xúc cứ dâng trào theo từng lần mở màn, đóng màn của vở diễn. Tôi ghét cay, ghét đắng bà mụ dì ghẻ. Tôi thương, rồi khóc thút thít cùng với Nghi Xuân, Tấn Lực... rồi lại cười hết cỡ với từng lời thoại, từng động tác và cái kiểu ăn mặc, trang điểm không giống ai của anh hề.

23 giờ đêm, vở tuồng kết thúc. Dòng người chen chúc nhau ra cổng. Mỗi tốp đi theo mỗi hướng khác nhau, ai về nhà nấy, văng vẳng phía sau là tiếng loa của gánh hát quảng cáo cho vở tuồng ngày mai. Tốp tôi đi có đuốc nên không ít người tháp tùng thành một đoàn chừng vài chục người. Bận về sinh khí còn náo nhiệt hơn cả lần đi. Ai cũng bàn tán rôm rả về nội dung vở tuồng, bàn tán về từng nghệ sĩ, tập trung nhiều nhất vẫn là kép chính và đào chính. Tôi còn nhỏ dĩ nhiên là không được tham gia mà chỉ cố gắng nhanh chân cho mọi người.

Anh em tôi về đến nhà đã hơn nửa đêm. Chui vào mùng mắt tôi đã cay xè, từng chi tiết của vở tuồng cứ chập chờn ẩn hiện. Trong bữa cơm sáng hôm sau, đợi khi mọi người bàn tán đến chuyện đi coi hát, tôi tranh thủ chen vào, mạnh dạn tuyên bố: "Con biết hết rồi, chiều nay con tự đi cùng với đám bạn, không cần đi với người lớn nữa đâu". Dĩ nhiên là mấy anh, chị tôi đều ủng hộ.

Má tôi nhìn ba rồi nói nhỏ: "Thôi kệ nó! Không sao đâu, mùa này cũng chẳng còn đi được mấy bận nữa, trời cũng sắp mưa rồi"./.

 

Nguyễn Minh Sang

 

Tự hào Thành phố Hồ Chí Minh

Trước thềm năm mới 2025, các tay máy nữ thuộc Chi hội Nhiếp ảnh Hải Âu TP Hồ Chí Minh kết thúc năm 2024 thật trọn vẹn bằng niềm vui lớn của cả tập thể, với thành tích đáng tự hào.

Cội nguồn xứ “Khánh” xưa...

Tìm hiểu về điều thú vị này, tôi gặp ông Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn) - người đã dành hơn 20 năm qua để viết sách về lịch sử các vùng đất trên địa bàn tỉnh, hiện ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử thuộc Bảo tàng tỉnh, cũng như đang tham gia biên soạn Lịch sử Ðảng bộ huyện U Minh. Tôi được ông cung cấp nhiều tư liệu, thông tin vô cùng quý giá về vùng đất U Minh, Trần Văn Thời xưa.

Tranh bút sắt - Những gam màu mới lạ

Tranh bút sắt là thể loại nghệ thuật đặc biệt trong hội hoạ, đặc trưng bởi việc sử dụng bút sắt (trong khi đó thường là bút chì, bút mực hoặc các dụng cụ bút màu để tạo ra những đường nét sắc sảo và chi tiết). Những tác phẩm tranh bút sắt thường tập trung vào các yếu tố như trắng, đen và đệm màu, tạo ra chiều sâu và tính chân thực đặc biệt.

Thầy giáo Mỹ thuật mê... ảnh

NSNA Lê Hữu Dụng sinh năm 1971, quê tỉnh Thái Bình, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình, Phó chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Chi hội Nhiếp ảnh Thái Bình, Hội phó Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Thái Bình.

"Chào năm mới 2025"

Tối 31/12, trong không khí phấn khởi chào đón năm mới 2025, mang theo những hy vọng, niềm vui về những khởi đầu mới, Trung tâm Văn hóa tỉnh kết hợp Vincom Plaza Cà Mau tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc "Chào năm mới 2025". Đây cũng là hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), mốc son lịch sử quan trọng của dân tộc.

NSNA Nguyễn Khắc Hào - Hái “quả ngọt” cùng nhiếp ảnh

Là nhà thơ, tuy đến với nhiếp ảnh khá muộn, tham gia sáng tác từ năm 2019 đến nay, nhưng Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Khắc Hào đã tạo được dấu ấn đẹp cùng nhiếp ảnh.

Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung mong có một ngày…

Thuở thiếu thời, Nguyễn Ngọc Cung đam mê bộ môn đờn ca tài tử, cải lương và mong muốn bộ môn này ngày càng được phát triển rộng rãi phục vụ đông đảo người dân. Điều mong muốn đó đã trở thành hiện thực khi ông đến với văn hoá, văn nghệ cách mạng. Nhưng còn một mong muốn rằng, ngày nào đó bộ phim nhựa “Biển động” được trình chiếu cho Nhân dân Cà Mau xem, thì đã trải qua hơn 60 năm vẫn chưa thực hiện được.

Thú chơi kỳ công

Trong giới chơi sinh vật cảnh hệ ngập nước, thuỷ sinh nước mặn được xem là cấp độ cao mà người chơi nào cũng muốn chinh phục. Ðể có được một góc đại dương thu nhỏ trong không gian sống, ngoài chi phí đầu tư đắt đỏ ban đầu còn cần sự đam mê, tỉ mẩn, nghiêm túc tìm hiểu.

Cà Mau có Câu lạc bộ Đá cảnh nghệ thuật

Sáng 22/12, Câu lạc bộ (CLB) Đá cảnh nghệ thuật tỉnh Cà Mau (trực thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh Cà Mau) tiến hành đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2029. Đây là CLB Đá cảnh đầu tiên ở tỉnh Cà Mau. Ông Tạ Hoàng Nguyên, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Cà Mau, dự và chỉ đạo đại hội.

Nhà vườn sáng tác của Hoạ sĩ Dư Minh Chiến

Với niềm đam mê nghệ thuật mạnh mẽ, Hoạ sĩ Dư Minh Chiến đã thực hiện được ước mơ bấy lâu, đó là tạo nên một nhà vườn sáng tác mini tại vùng quê thanh bình ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời. Ðây không chỉ là nơi anh thoả sức sáng tác, mà còn là chốn để những người yêu mỹ thuật tìm về, cùng sáng tác, thư giãn, hoà mình vào không gian bình yên và giao lưu, gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau.