(CMO) Với mục đích khơi dậy, đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hỗ trợ tài năng sáng tạo trong lao động, học tập; đẩy mạnh việc ứng dụng các giải pháp vào sản xuất, đời sống. Trong những năm qua, Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau đã trở thành nơi phát hiện những tài năng sáng tạo, kịp thời tôn vinh, khen thưởng những nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và các hoạt động chuyên môn, chuyên ngành rộng khắp trong tỉnh.
Đa ngành nghề và lĩnh vực sáng tạo
Có thể nói, hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà sản xuất, giáo viên, học sinh, nông dân tỉnh nhà đã được Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Cà Mau duy trì và nâng chất. Trong đó, có những đề tài rất hữu ích, ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn đời sống, sản xuất.
Một trong số đó phải kể đến đề tài “Khảo nghiệm tính hiệu quả trong phòng trừ sâu hại trên rau màu từ dịch chiết của cây sậy” của nhóm tác giả trường THPT Trần Văn Thời, do thầy giáo Trang Thành Giá, cùng 2 cộng sự là em Nguyễn Diễm Quỳnh và em Nguyễn Thị Minh Tâm đã dày công nghiên cứu.
Nhóm tác giả đề tài “Khảo nghiệm tính hiệu quả trong phòng trừ sâu hại trên rau màu từ dịch chiết của cây sậy” đang thực hiện công đoạn tách chiết dịch cây sậy tại nhà (ảnh tư liệu)
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất ngọt hóa, diện tích trồng rau màu nhiều nhất tỉnh Cà Mau. Hằng ngày các thành viên của đề tài vẫn luôn chứng kiến cảnh người nông dân bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh phá hoại bằng cách sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, cũng như đối với người tiêu dùng. Từ thực tế trên, cộng thêm sự quan sát thực tế về đời sống của cây sậy, nhóm tác giả đã cho ra đời ý tưởng phòng trừ sâu gây hại trên rau màu từ dịch chiết của cây sậy.
Thầy Trang Thành Giá, chủ trì nhóm tác giả đề tài chia sẻ: Nhóm đã tìm hiểu trên thị trường, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng thì nhận thấy có nhiều loại thuốc trừ sâu liên quan đến thảo dược như: ngâm ớt, tỏi trong rượu trong giấm để phun, thậm chí có nhiều người lấy hột trái bình bát giã nhuyễn để phun. Tuy nhiên, nhóm cũng nhận thấy các đối tượng này không thật sự hiệu quả, do trong hột bình bát cũng có độc tố; tỏi, ớt thì lại giá thành cao. Vì vậy, chúng tôi mới đi tìm hiểu trong tự nhiên xem có loài nào vừa an toàn đối với con người, vừa kháng sâu bệnh cao và chúng thôi thấy rằng cây sậy đáp ứng được tất cả các yêu cầu này. “Bởi trong tự nhiên, cây sậy rất phổ biến, thêm vào đó là trong suốt quá trình sinh trưởng cây sậy không bị côn trùng, sâu bệnh tấn công, cho nên nhóm mới có ý tưởng là chiết suất dịch của cây sậy để khảo nghiệm xem có tác động gì đối với côn trùng hay không. Dựa trên cơ sở tách chiết hữu cơ, trong Đông y gọi là tách chiết phân đoạn để tách chiết dịch từ cây sậy phục vụ cho việc khảo nghiệm”. Thầy Giá giải thích thêm.
Sau gần 1 năm mày mò, nghiên cứu, nhóm tác giả thực hiện đề tài trên 4 giống rau màu phổ biến ở địa phương là: cải xanh, cải ngọt, rau muống và mướp đắng. Kết quả, dịch chiết từ cây sậy khi phun lên rau màu khả năng trừ sâu, xua đuổi côn trùng gây hại rất tốt và làm trứng sâu hại không nở, sau khi phun rau màu sẽ không bị ăn nữa và sau khi phun 2 đợt cách nhau 4-5 ngày thì sâu bọ sẽ không còn xuất hiện trên rau màu.
Thầy Trang Thành Giá hồ hởi chia sẻ: “Đến giờ phút này thì đề tài cũng đã khảo nghiệm xong, các phương pháp tách chiết, bảo quản cũng đã được hình thành. Vì vậy trong tương lai nhóm cũng có ý định kết hợp đề tài này với 1 trường Đại học để có sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này, nhằm đưa đề tài có tính học thuật hơn và hoàn thiện đề tài tốt hơn”. Với hiệu quả thực tiễn đem lại, giải pháp “Khảo nghiệm tính hiệu quả trong phòng trừ sâu hại trên rau màu từ dịch chiết của cây sậy” đã xuất sắc đạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau lần thứ VII. Hội thi năm nay không có giải nhất.
Thực hiện nẹp bột động giúp bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật nối gân duỗi cẳng bàn tay cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đầm Dơi
Không riêng lĩnh vực nông nghiệp, có nhiều đề tài, sáng kiến gắn liền với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời cũng mang nhiều hiệu quả áp dụng thực tiễn cao. Đơn cử như các đề tài liên quan đến lĩnh vực y tế, luôn được các đội ngũ hoạt động trong ngành y của tỉnh nhà hưởng ứng tích cực. Điển hình như đề tài “Nẹp bột động giúp bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật nối gân duỗi cẳng bàn tay” của nhóm tác giả gồm: Bác sĩ CKII Dương Quốc Thống, Bác sĩ CKII Hồ Thanh Phong và Bác sĩ CKI Võ Xuân Lan thuộc Bệnh viện Đa khoa Đầm Dơi. Sản phẩm đã đạt giải ba của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau lần thứ VII. Đến nay sản phẩm sử dụng trong việc chữa trị tại Khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện đa khoa Đầm Dơi đạt kết quả 100%. Đây là giải pháp dễ thực hiện, giảm gánh nặng điều trị cho gia đình bệnh nhân.
Bác sĩ CKII Hồ Thanh Phong, Bệnh viện Đa khoa Đầm Dơi bộc bạch: “Về nguyên tắc điều trị để phục hồi sau phẫu thuật nối gân duỗi cẳng bàn tay. Từ trước đến nay chỉ có một phương pháp duy nhất là bất động bằng nẹp bột cố định. Phương pháp điều trị này có nhiều nhược điểm như: Chèn ép bột do sưng nề sau phẫu thuật, thời gian nẹp bột cố định kéo dài, thường để lại di chứng là bị co rút ngón chi bị đứt gân hoặc cứng khớp do viêm dính trong quá trình phẫu thuật. Việc sử dụng “Nẹp bột động giúp bệnh nhân tập phục hồi sau phẫu thuật nối gân duỗi cẳng bàn tay” người bệnh chỉ trả tiền khoản 50.000 đồng cho bộ dụng cụ tự chế này, còn nếu mua nẹp giá thành rất đắt khoảng trên 1 triệu đồng và cũng chỉ được sử dụng một lần, người bệnh phải tự bỏ tiền túi vì BHYT chưa thanh toán”.
Tính phát hiện mới trong mỗi lần tổ chức Hội thi
Qua 7 lần phát động (từ năm 2010-2020), Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau đã nhận được 631 hồ sơ của hơn 900 tác giả, nhóm tác giả là nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nông dân, công nhân, giáo viên, học sinh tham gia. Ban tổ chức đã trao hơn 150 giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả xuất sắc.
Tiến sĩ Dương Thu Thủy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Cà Mau cho biết: “Chất lượng, các giải pháp tham gia hội thi, cuộc thi đều có tính mới, sáng tạo, đã áp dụng thành công, mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, đời sống. Phần lớn hồ sơ đều có các bản mô tả và toàn văn giải pháp, có mô hình hoặc hình ảnh minh họa rõ ràng. Các giải pháp sáng tạo đều xuất phát từ thực tiễn đối với công việc thường ngày của tác giả, nhóm tác giả. Các tác giả, nhóm tác giả luôn thể hiện tinh thần đam mê với công việc, học tập, suy nghĩ, trăn trở tìm ý tưởng mới, giải pháp mới nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế, để nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần giải quyết thiết thực các vấn đề khoa học, công nghệ trong thực tiễn sản xuất, đời sống, chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường…”.
So với lần tổ chức đầu tiên, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Cà Mau qua từng năm đã có những chuyển biến tích cực: 9/9 huyện, thành phố có hồ sơ, giải pháp tham gia dự thi; tác giả tham gia dự thi đa dạng về tuổi tác, ngành nghề, thể hiện tính tập thể, tính xã hội và sự đam mê sáng tạo kỹ thuật. Thực tế cho thấy, những hoạt động hỗ trợ sáng tạo KH&CN trên địa bàn tỉnh đang là nguồn động viên, khích lệ, thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo về khoa học kỹ thuật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh không ngừng phát triển.
“Kết quả của sự hỗ trợ trong thời gian qua là việc ra đời các ý tưởng sáng tạo cho sự phát triển, làm cơ sở cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các nhà khoa học, tổ chức, cá nhân có thêm nhiều đóng góp cho sự nghiệp KH&CN tỉnh Cà Mau trong tương lai”. Tiến sĩ Dương Thu Thủy tâm đắc./.
Bài và ảnh Lê Chí