ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 27-1-25 11:22:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lao động Cà Mau với cơ hội “đổi đời”

Báo Cà Mau (CMO) Với tỉnh còn nhiều khó khăn như Cà Mau, việc tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm mở ra những cơ hội mới cho người lao động là đòi hỏi cấp thiết. Kết quả đạt được không ít, song vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, đặc biệt lao động nông thôn, là một trong những vấn đề luôn mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Tại Cà Mau, theo thống kê có hơn 700.000 người đang trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 62% dân số. 

Thiếu sức hút

Theo báo cáo mới nhất của Sở LĐ-TB&XH, đến giữa tháng 8/2018, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 30.400 lao động, đạt trên 80% kế hoạch năm. Bà Quách Thanh Thoảng, Phó trưởng Phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH), thông tin, trong số lao động được giải quyết việc làm, có hơn 10.000 lao động có việc làm trong tỉnh, gần 20.000 lao động có việc làm ngoài tỉnh, chỉ có 27 người xuất khẩu lao động. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của địa phương có nhiều tác động tích cực, song vẫn còn rất nhiều hạn chế. Hạn chế phải kể đến là sức hút của các lớp đào tạo, chương trình đào tạo.

Lao động Cà Mau phần lớn xuất thân và gắn bó với nghề nông. Trong bối cảnh hiện nay, một bộ phận lựa chọn gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng của mình để lập nghiệp, một số khác lại chọn con đường ly hương, ly nông, ngược xuôi ra ngoài tỉnh để mưu sinh. Thực trạng lao động di cư khỏi địa bàn tỉnh là điều ai cũng thấy, song không dễ dàng giải quyết. Thử hỏi nhu cầu lao động tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp ở Cà Mau là bao nhiêu so với con số trên 700.000 người trong độ tuổi lao động? Cùng với đó, xu thế diện tích đất canh tác thu hẹp do áp lực dân số, sản xuất theo cung cách truyền thống hiệu quả thấp, người lao động buộc phải lựa chọn ra đi để đảm bảo cuộc sống của mình.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trương Linh Phượng cho biết: “Lực lượng lao động Cà Mau phải nói là rất dồi dào, tuy nhiên, chất lượng chưa cao, một bộ phận chưa được đào tạo, nhìn chung sức cạnh tranh thấp”. Cái Nước, một trong những địa phương được đánh giá là điểm sáng về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, ngoài những kết quả tích cực vẫn còn nhiều nỗi lo.

Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Cái Nước, các lớp dạy may thu hút một lượng nhất định người theo học, tuy nhiên vẫn chưa thật sự đáp ứng được đòi hỏi “đổi đời” của lao động nông thôn.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Cái Nước Hồ Thanh Liêm cho biết: “Cái Nước đã làm khá tốt vấn đề đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Tuy nhiên, trình độ và chất lượng của các chương trình đào tạo chỉ dừng lại ở mức sơ cấp, truyền nghề. Người học thường tự liên kết với nhau hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm khác để tăng thu nhập”.

Khó khăn của huyện Cái Nước là khó khăn chung của hầu hết các địa phương, khi thời gian đào tạo nghề chỉ dừng ở bậc sơ cấp. Trong 8 tháng đầu năm, dù mở được 70 lớp với gần 4.300 học viên, song chủ yếu là gắn với nghề nông nghiệp, có tính chất truyền nghề, tập huấn. Chưa kể, tình trạng lạc hậu về cơ sở vật chất, đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; một số trang thiết bị được đầu tư giờ chỉ nằm trong kho mà chưa biết khi nào được mang ra sử dụng.

Chúng tôi về ấp An Hưng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước khi lớp dạy nghề nuôi tôm quảng canh cải tiến do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp mở đã đi hết 1/3 chặng đường. Toàn ấp có hơn 274 hộ nhưng lớp chỉ có 35 học viên. Tìm mỏi mắt chỉ thấy lác đác vài người ở độ tuổi thanh niên, còn lại là những lão nông, những người phụ nữ đứng tuổi theo học.

Trưởng ấp An Hưng Trương Văn Lễ cho biết: “Số thanh niên trong tuổi lao động của ấp đi lao động ở tỉnh ngoài phải lên tới vài trăm. Thành ra những lớp như thế này chỉ có người trung niên, lớn tuổi theo học”. Anh Lưu Trường Đệ, người hiếm hoi thuộc lứa tuổi thanh niên tham gia lớp học, chia sẻ: “Hồi trước tôi cũng đi làm ở Bình Dương mấy năm, cực quá rồi về nhà lấy vợ”. Cũng từ những chia sẻ của anh Đệ, mới thấy sức hút của các lớp đào tạo nghề không như kỳ vọng. Nhiều người nói rằng, học chỉ mắc công, lên công ty, xí nghiệp người ta cũng đào tạo lại.

Lớp dạy nghề nuôi tôm quảng canh cải tiến tại ấp An Hưng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước chỉ lác đác người lao động trong độ tuổi thanh niên theo học, còn lại là người trung niên, cao tuổi…

Xuất khẩu lao động và cơ hội mới

Nhận thấy tiềm năng của lực lượng lao động Cà Mau, đặc biệt là với lực lượng lao động trẻ đang ngày càng có chất lượng, Đề án đưa 1.000 lao động trong tỉnh sang các thị trường lao động nước ngoài giai đoạn 2018-2020 của tỉnh Cà Mau thực sự là một cú hích lớn, một lựa chọn hứa hẹn sẽ giúp người lao động có cơ hội đổi đời.

Bà Trương Linh Phượng khẳng định: “Xuất khẩu lao động, đặc biệt là ở các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản là lựa chọn của nhiều lao động Việt Nam, tuy nhiên vẫn mới mẻ đối với Cà Mau. Đây là môi trường vừa rèn luyện được tác phong, kỹ năng công việc, trình độ ngoại ngữ, hơn nữa thu nhập lại ở mức khá và ổn định”.

Thới Bình là địa phương được lựa chọn làm huyện điểm về việc giới thiệu lao động sang thị trường nước ngoài. Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Bé nhận định: “Đề án là chủ trương của tỉnh nên người lao động khi tham gia hết sức yên tâm. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng đã trực tiếp sang thị trường lao động nước bạn để khảo sát, đánh giá nên độ tin cậy càng cao”. Thực tế khi triển khai, đề án đã nhận được sự quan tâm rất lớn của người lao động.

Tìm đến gia đình chị Nguyễn Diễm Kiều tại thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, một trong những ứng viên đã trúng tuyển trong kỳ sát hạch tại thị trường lao động Nhật Bản, niềm vui xen lẫn bao nỗi lo toan. Bà Huỳnh Thị Màu, mẹ chị Kiều, tâm sự: “Nó đi học hổm rày, mới chiều qua có tạt ngang nhà một chút rồi lên TP Hồ Chí Minh liền để tranh thủ học tiếng Nhật”. Cha chị Kiều, ông Nguyễn Thành Oai, bộc bạch: “Tội cho con, hạnh phúc gia đình đổ vỡ, nó gởi lại con nhỏ cho nhà ngoại rồi quyết chí đi làm”.

Khi được hỏi, chị Kiều đi như vậy gia đình có lo không, cả vợ chồng ông Oai đều khẳng định: “Lo gì, mình đi Nhà nước hỗ trợ quá trời, nghe con Kiều nói mức lương khởi điểm đâu gần 40 triệu đồng”.

Cũng tại huyện Thới Bình, chúng tôi được lắng nghe câu chuyện của anh Huỳnh Phi Long (ngụ Khóm 7, thị trấn Thới Bình), ứng viên đã hoàn tất các thủ tục để chờ xuất cảnh vào cuối năm 2018. Anh Long là một trong những ứng viên đầu tiên của tỉnh với hy vọng đổi đời nhờ Đề án đưa lao động sang nước ngoài của tỉnh Cà Mau. Anh Long từng học đại học 2 năm tại Cần Thơ, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên bỏ giữa chừng. Thương cha mẹ, anh Long tình nguyện thực hiện trách nhiệm của người công dân, lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Xuất ngũ, anh bàn với gia đình cho mình đăng ký đi xuất khẩu lao động với ước mơ sau này về có tiền, có nghề nghiệp để phụng dưỡng mẹ cha. Cả ông Huỳnh Tấn Liệt và bà Nguyễn Thị Huệ, cha mẹ của anh Long đồng ý cho con đi vì tin rằng: “Qua bên đó về chắc chắn nó chững chạc hơn, nghề nghiệp cũng giỏi hơn, có chút vốn, sau này cha mẹ già đỡ lo”.

Qua 3 đợt đưa lao động đi khám sức khoẻ ban đầu, huyện Thới Bình có 44 ứng viên đáp ứng điều kiện, trong đó có 7 ứng viên đã trúng tuyển phỏng vấn của các công ty phía Nhật Bản. Theo ông Bé, tín hiệu ban đầu như vậy hết sức tích cực. Địa phương đang nỗ lực giúp đỡ những lao động có ý chí, quyết tâm đổi đời.

Song song đó, huyện Thới Bình nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung đang siết chặt việc quản lý, giám sát và giải quyết nhu cầu người đi lao động ngoài tỉnh. Bởi hiện tượng một số đối tượng lợi dụng chính sách để lừa đảo, dụ dỗ người dân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết hoàn toàn có thể xảy ra. Ông Bé khuyến cáo: “Người lao động nên đến trực tiếp Phòng LĐ-TB&XH hoặc Sở LĐ-TB&XH để được hướng dẫn cụ thể”./.

Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018-2020 được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 8/5/2018 và UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 22/5/2018. Qua 3 tháng triển khai, số lượng người đăng ký là 408 người, trong đó 68 người đang theo học ngoại ngữ; phỏng vấn đạt 8 lao động và chờ xuất cảnh 8 lao động. Bà Trương Linh Phượng cho biết, giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh phấn đấu đưa khoảng 1.300 người đi lao động nước ngoài, trong đó tập trung vào một số đối tượng như người có trình độ chưa tìm được việc làm, sinh viên của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học chuẩn bị ra trường…

Quốc Rin

Doanh nhân trẻ - Thách thức và cơ hội

Trong thời đại toàn cầu hoá và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nhân trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tạo dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp. Tại tỉnh Cà Mau, đội ngũ doanh nhân trẻ không chỉ là lực lượng chủ chốt trong phát triển kinh tế địa phương mà còn là những người tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý.

Mùa vui cải tùa xại

Trong mâm cơm ngày Tết của người phương Nam, bên cạnh nồi thịt kho trứng, sắc dưa hấu đỏ thì vị dưa cải tùa xại là món ăn không thể thiếu vắng. Hương vị độc đáo, dễ biến tấu thành nhiều món, giải ngán cho những ngày ê hề thịt cá, nhiều lợi ích cho sức khoẻ, dưa cải tùa xại còn mang cả hồn cốt, phong vị Tết đặc trưng của vùng đất, con người miền đất mới.

Nông dân huyện Ngọc Hiển trúng vụ dưa hấu Tết

Những ngày này, nông dân vùng đất mặn huyện Ngọc Hiển đang tất bật chăm sóc vụ dưa hấu để cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Vụ dưa hấu Tết năm nay bà con rất phấn khởi.

Sôi động thị trường thương mại điện tử

Dịp Tết là thời điểm người dân đổ xô mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh chợ truyền thống thì thị trường Online cũng sôi động không kém, thậm chí sức mua có thể chiếm cao hơn. Nắm bắt xu thế đó, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh tăng cường hình thức kinh doanh với nhiều khuyến mãi, đa dạng hoá mặt hàng cho người tiêu dùng lựa chọn.

Mở hướng liên kết, nâng cao thu nhập

Thời điểm này, các chủ vườn, thành viên Hợp tác xã (HTX) Trái cây sạch Khánh Hưng, ấp Kinh Ðứng, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, chuẩn bị thu hoạch vụ bưởi Tết, hứa hẹn mang đến niềm vui cho xã viên.

Ðồng hành cùng người dân vượt khó

Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Trần Văn Thời vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sôi động thị trường bánh, mứt

Tết đang cận kề, các lò bánh, mứt, cơ sở sản xuất thực phẩm, các siêu thị... tăng công suất hoạt động để kịp cung ứng nguồn hàng phục vụ thị trường Tết.

Bánh phồng tôm Năm Căn vào mùa Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang cận kề. Những ngày qua, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng của vùng ngập mặn Năm Căn tăng năng suất để kịp đáp ứng đơn hàng cho đối tác phục vụ thị trường Tết, trong đó có sản phẩm bánh phồng tôm.

Hợp tác xã nỗ lực ứng dụng công nghệ

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 299 hợp tác xã (HTX), trong đó có 179 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX đều đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất, canh tác cũng như quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Gắn mã QR cho dưa hấu Lý Văn Lâm

Dưa hấu Lý Văn Lâm từ lâu đã khẳng định được thương hiệu bởi chất lượng sản phẩm, cũng chính vì vậy mà một số người kinh doanh đã lợi dụng điều này để quảng bá giả mạo dưa hấu Lý Văn Lâm, ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu dưa hấu của địa phương. Ðể bảo vệ thương hiệu, năm nay, Ðảng uỷ, UBND xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) chỉ đạo Hội Nông dân xã phối hợp với Viettel Cà Mau thí điểm vận động người dân đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc điện tử bằng mã QR.