Mỗi vùng miền đều sở hữu những loại bánh mang trong mình dấu ấn riêng biệt, phản ánh rõ nét bản sắc văn hoá, lịch sử và phong tục tập quán của từng địa phương. Không đơn thuần chỉ là món ăn, bánh dân gian chính là tinh hoa của trời đất, làm say lòng thực khách bốn phương và cũng là nơi mà những giá trị cội nguồn được vươn xa.
Có thể nói, bánh dân gian ra đời từ khi con người biết trồng trọt, ứng xử với môi trường tự nhiên một cách hoà hợp để tồn tại và phát triển. Sự ra đời của các loại bánh đáp ứng nhu cầu ăn no, ăn dặm, ăn lót lòng trong lúc dãi nắng dầm mưa trên ruộng đồng, trong những chuyến hành trình xa xôi hay trong từng bữa ăn ấm cúng cùng gia đình.
Suốt chiều dài của đất nước, bánh, trái đã trở thành sản phẩm thân thuộc gắn bó mật thiết với đời sống của người Việt. Nguồn nguyên liệu dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng những đặc trưng giữa các vùng miền, những loại bánh dân gian ra đời mang trong mình những câu chuyện văn hoá sâu sắc, phản ánh rõ nét bản sắc, tính cách và trí sáng tạo của con người Việt Nam.
Tồn tại suốt 200 năm, những nghệ nhân của làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) vẫn miệt mài gìn giữ nghề truyền thống để lò bánh luôn đỏ lửa.
Nếu như ở miền Bắc nổi bật với những chiếc bánh mang hương vị thanh tao, nhẹ nhàng, thì miền Trung lại gây ấn tượng với những chiếc bánh đậm đà, cay nồng; còn miền Nam, bánh dân gian thường có vị ngọt và thơm từ cây trái.
Bánh hòn, đặc sản nổi tiếng của vùng đất nắng gió Ninh Thuận.
Bánh xu xê (miền Bắc), một trong những loại bánh thân quen được dùng làm vật phẩm dạm ngõ trong các dịp cưới hỏi.
Bánh ú nước tro, với phần nếp xốp dẻo, một trong những loại bánh dân gian trứ danh của miền Tây Nam Bộ.
Bánh chưng gù, loại bánh đặc trưng của người dân tộc Tày (Hà Giang).
Là đất nước thuần nông, nguyên liệu bánh truyền thống chủ yếu được lấy từ nông sản sẵn có như gạo, bột, đậu, lúa mì, lá dứa, củ sắn, hay nếp... cộng hưởng thêm sự sáng tạo của người dân trong việc tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có đã cấu thành nên những món ăn quen thuộc trong đời sống hằng ngày, mang ý nghĩa sự gắn bó giữa con người và đất đai.
Từ cách chế biến phong phú, hương vị đặc sắc cho đến sự tinh tế trong cách trình bày, mỗi chiếc bánh không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đầy tâm huyết, mà còn là cầu nối thiêng liêng giữa quá khứ và hiện tại, giữa những thế hệ người Việt trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá ẩm thực truyền thống./.
Hữu Nghĩa thực hiện