Lạt dừa dùng để lợp nhà, vừa chặt, vừa chắc và bền bỉ. |
Thằng con trai đọc sách, gặp câu tục ngữ lạ, nó chạy lại hỏi mẹ:
- Lạt mềm buộc chặt nghĩa là gì vậy mẹ?
Mẹ nó cười, nụ cười thật tươi rồi bảo:
- Hỏi ba con kìa!
Thằng nhỏ chạy sang bên này, mẹ nó nhìn theo, mắt hấp háy đầy ngụ ý.
Tôi lấy “sở học” của mình, cố giảng giải cho thằng con nghĩa của câu tục ngữ giàu hình tượng ấy một cách dễ hiểu và trực quan nhất theo khả năng nhận thức của nó. Sẵn nhớ lại chuyện cũ, tôi kể cho con nghe về thời thơ ấu của mình, với những kỷ niệm gắn liền với cọng dây lạt, thứ xa lạ với đám con nít và không ít người trẻ bây giờ.
Hồi còn tiểu học, nghỉ hè, thỉnh thoảng ba má lại cho tôi theo về thăm ngoại. Hình ảnh đầu tiên tôi thấy khi xuồng cập bến nhà ngoại, mười lần như một là ông ngoại đang ngồi chẻ lạt dừa bên hè. Ngoại tóc bạc phơ, búi củ hành, tay cầm cây mác cán dài chẻ lạt. Bên cạnh ông là đống bập bè to và mớ lạt dừa chẻ dở. Trong gian bếp nhà ngoại, có nhiều bó lạt dừa lớn, để dành lợp nhà, lợp chuồng trâu, chuồng heo… hàng xóm có ai mua thì ngoại cũng bán.
Ðược ở chơi vài ngày, tôi hay lân la theo ngoại đi xắn bập bè về, ngồi coi ngoại chẻ lạt. Mớ nào xong thì giúp ông ôm ra sân phơi, chiều lại gom vô bó lại, trông như những bó nhang khổng lồ.
Nhà tôi ngày ấy còn nhiều dừa nước trong các con mương vườn và dọc bờ sông. Ba má và các anh chị tôi cũng hay chẻ lạt dừa, lớp xài, lớp để dành.
Nhà xa chợ, dây chạc vừa hiếm, vừa khó mua thì những bó dây lạt rất hữu dụng với nhà nông. Nhà nào cũng chẻ ít nhiều dùng để buộc đồ, lợp nhà, bó mạ… Chất liệu để làm lạt rất phong phú như cà bắp, bập bè của cây dừa nước; dây lác, lớp vỏ mỏng trên sóng lá dừa tươi, hay dây choại (mà bà con quen gọi là “dây chại”). Hồi nhỏ, ở nông thôn hay thấy các xuồng bán dây choại khô làm lạt, tôi đoán họ là dân cư từ vùng rừng ra. Dây choại già được phơi khô rồi cột thành từng bó, xoắn chặt vào nhau như những bím tóc đỏ au, to bằng bắp chân người lớn. Ba tôi hay mua dây choại, để dành bện những tấm đăng bằng sậy để đặt đó bắt tôm, cá dưới sông hay trong các mương vườn. Dây choại cũng có thể đan lọp, đan bống đuổi chuột và nhiều vật dụng hữu ích trong nhà. Tuy dây lạt có nhiều loại, nhưng phần lớn đều cứng và khá giòn, thứ duy nhất được dùng để lợp nhà là lạt dừa, bởi thứ lạt này mềm, khi buộc vừa chặt, vừa chắc và bền bỉ.
Bà con ở nông thôn xưa phần lớn lợp nhà bằng lá dừa nước. Nhà lá ở thì mát mẻ, nhưng chỉ vài ba năm là hư, phải thay lá mới. Khi lớp lá trên mái nhà bắt đầu mục, bong ra từng mảng trôi theo nước mưa, làm nước chứa trong lu, mái chuyển màu sầm sậm là cả nhà rục rịch chuẩn bị lá lợp mới và công việc không thể bỏ qua là chuẩn bị mớ lạt dừa để lợp nhà.
Sau khi đốn lá dừa nước đem phơi, những chiếc bập bè lớn, đẹp và ít bị lỗi được xắn, gom về.
Bập bè khoác một lớp “áo” màu nâu sẫm bên ngoài, tuy mỏng nhưng rất cứng cáp, kế đó là lớp thịt mềm, trắng nõn bên trong. Vỏ dừa nước được róc ra sao cho vừa có phần “áo”, vừa có phần thịt với tỷ lệ cân đối, sau đó dùng dao nhọn (thường là mác vót) chẻ thành những sợi mỏng cỡ phân nửa ngón tay út rồi đem phơi.
Lạt dừa phơi nắng vài ngày thì lớp thịt héo lại, cọng lạt teo còn chừng phân nửa kích cỡ ban đầu, tức bằng chiếc đũa ăn là có thể sử dụng được. Chiều dài cọng lạt tuỳ theo kích thước cái bập bè, nhưng thường từ 5-7 tấc.
Ðể lợp một căn nhà cần rất nhiều dây lạt dừa, có khi đến vài bó lớn. Lạt dừa mềm mại, có thể dễ dàng quấn được nhiều vòng. Ðuôi lạt cứng, đâm nhẹ là xuyên qua lớp lá. Ngoài ra, bề mặt lạt nhám, kết hợp với mặt tiếp xúc sần sùi của lá dừa và đòn tay sẽ tạo thành những mối buộc rất chắc chắn. Ngoài lợp mái nhà, lạt dừa còn dùng để dừng vách, buộc nối các đầu cây gỗ với nhau. Lạt dừa càng mềm, dẻo thì mối buộc càng chặt, không làm tốc mái nhà hay bung vách mỗi khi mưa to gió lớn. Nếu lạt dừa phơi quá khô, chỉ cần phun vào bó lạt ngụm nước là được.
Nhờ đặc tính mềm, dẻo mà lạt dừa được nhà nông ưa chuộng. Thu hoạch xong vụ mùa, lúa hột vô bao hay gạo đi chà về thì cột miệng bao chắc chắn phải dùng lạt dừa.
Gần Tết, nhà nào làm heo chia thịt, khách ra về ai cũng cầm lủng lẳng mớ thịt, được xiên bằng cọng lạt dừa quen thuộc.
Tuổi thơ tôi gắn bó với những ngày theo người lớn đi đốn bập bè, rồi bè chúng dưới ao, đưa về nhà. Khi người lớn làm việc, tụi con nít tranh thủ tìm hớt cá lia thia, hoặc đốn những quày dừa nước vừa ăn, chẻ ra thưởng thức tại chỗ.
Bập bè đem về, sau khi đã róc vỏ lấy nguyên liệu làm lạt, phần thân bỏ đi, đám trẻ chúng tôi tận dụng cắt ra tạo hình thành súng ngắn, súng dài, lựu đạn… rồi chơi trò đánh trận giả, đuổi bắn nhau. Hôm nào rảnh rỗi, cả đám ngồi tỉ mẩn cắt cắt, ghép ghép bập bè vụn thành những mô hình ngộ nghĩnh như rô-bốt, thuyền buồm, tàu chiến, máy bay… mà phổ biến nhất là những chiếc ca nô, rồi buộc dây, dùng cây kéo trên mặt nước đánh nhau loạn xạ. Những cái bập bè còn nguyên dư ra, chúng tôi dùng cây đóng xiên vào nhau làm bè để bơi trên sông.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, chúng tôi không biết lợp nhà thì giúp người lớn kéo lá, đưa lạt. Chính những ngày lao động ấy đã giúp hình thành vốn sống quý báu sau này, mà câu chuyện “lạt mềm buộc chặt” cũng từ đó mà ra, không cần ai giải thích. Tất nhiên, với độ tuổi của những đứa trẻ con, chúng tôi chỉ hiểu câu tục ngữ ấy theo nghĩa đen, chính kinh nghiệm sống sau này, rồi khi đã lập gia đình, có con… khiến ý nghĩa sâu xa của câu “lạt mềm buộc chặt” dần ngấm vào người lúc nào không rõ.
Nhà lá ít đi, đồng nghĩa với người ta ít sử dụng dây lạt hơn, lạt dừa cũng không được mấy ai nhắc tới. Nhiều gia đình nông thôn cất nhà lá, dùng các loại dây công nghiệp để lợp, có vẻ tiện dụng hơn mà lại khỏi mất công đi chẻ lạt dừa. Hôm rồi, tình cờ tạt qua chợ Cơi Năm, tôi thấy vài tiệm tạp hoá còn bán lác đác mấy bó lạt dừa cũ mốc, có lẽ chúng đã nằm đó chờ khách lâu rồi. Tuy không còn phổ biến như xưa, nhưng những bó lạt dừa vẫn còn ít nhiều hữu dụng, tôi tin thế.
Những ngày giãn cách xã hội, áp lực việc làm, những lo toan cơm áo gạo tiền khiến tâm lý con người dễ dàng bị tác động tiêu cực. Cáu bẳn, cãi vã… thỉnh thoảng lại xảy ra, khi đó rất cần trong nhà có một cái đầu bình tĩnh để giải quyết ổn thoả. Xử lý việc nhà theo tinh thần “lạt mềm buộc chặt” trong trường hợp này là vô cùng cần thiết. Tôi vốn nóng tính, việc bà xã “đá quả bóng” giải thích câu tục ngữ cho con sang phần sân của tôi cũng có cái lý, rất tinh tế và thâm thuý của cô ấy.
Ngẫm lại, trong thời điểm khó khăn, có gần gũi bên nhau, cùng nếm trải và vượt qua, người ta mới thấy giá trị của tình thân, của gia đình, rồi quê hương to lớn thế nào. Những thứ ấy, trong cuộc sống ồn ào, vội vã, có thể lúc nào đó chúng ta xem nhẹ, hoặc lãng quên đi, nhưng khi có dịp nhìn lại mới thấy đó là những điều thiêng liêng nhất, cần chung tay gìn giữ.
Gia đình, người thân, quê hương là những sợi lạt mềm, nhưng lại buộc ta rất chặt.
Và ta sung sướng với “sự ràng buộc” đó!
Cà Mau, ngày 1/9/2021
Tuấn Ngọc