(CMO) Chế Tư gọi điện bảo: “Quê mình đang vào mùa cải thiệu, Út tranh thủ về chơi, để cải quá ngày, xuống củ thì chẳng ăn được”. Mỗi loại cải đều có một hương vị riêng, nhưng đối với tôi, có lẽ vị cay nồng của cải thiệu quê nhà đã ăn sâu vào tiềm thức.
Vào mùa cải, tôi lẽo đẽo theo mẹ gieo vào lòng đất những hột củ cải trắng bé tí, rồi mỗi sáng, mỗi chiều những hột cải ấy được uống những giọt nước mát từ đôi bàn tay của mẹ, những chiếc lá mầm hình tim, e ấp nhú lên khỏi mặt đất, đám cải lớn nhanh. Mẹ bảo, khi cải bắt đầu ra lá thứ 4 thì tỉa bỏ các cây cải xấu, những cây cải tốt được giữ lại tiếp tục chăm sóc, rễ tích trữ chất dinh dưỡng và phình to thành những củ cải trắng muốt. Những cây cải được tỉa bỏ người dân quê tôi gọi là cải thiệu.
Cải thiệu có thể ăn sống hay nấu canh đều ngon. |
Cải thiệu dễ ăn, ăn sống cũng được mà nấu canh cũng ngon. Thời ấy, quê tôi cá đồng nhiều, chỉ cần vài con trùn hay một ít tép rong, vác cần câu ra đồng một lúc là có rổ cá ngon. Hôm nào có cá rô to mẹ làm sạch nấu với cải thiệu thì ngon tuyệt. Cá rô mẹ nấu chín vớt ra dĩa, để nguội, gỡ thịt thật khéo cho không dính xương. Cải thiệu để nguyên rễ, rửa sạch, vớt ra rổ để ráo nước. Nấu lại nước luộc, bỏ thịt cá vào, nêm nếm gia vị vừa ăn, cho cải thiệu vào, sơ đều, nhắc xuống. Cải thiệu vừa chín tới còn giữ được độ giòn, có chút đắng, cộng thêm vị ngọt đậm đà của cá, khiến tôi không thể nào quên.
Ngày xưa cá đồng nhiều, nhưng thịt heo thì hiếm lắm. Mẹ biết chị em tôi mê món cải thiệu chấm với thịt kho ớt nên vào mùa cải thiệu, mẹ nhổ và chèo xuồng ra chợ huyện cách nhà hơn chục cây số để bán kiếm tiền mua ít thịt về kho cho chị em tôi.
Khi trời chưa hửng sáng, mẹ đã chong đèn ra vườn tỉa cải, xếp vào xịa rồi chất xuống xuồng, chèo nhanh cho kịp buổi chợ sớm. Mẹ phải bán hết sịa cải to mới đủ tiền mua thịt. Nhìn dáng mẹ nhỏ nhắn với chiếc áo bạc màu vừa ghé xuồng dưới bến, chị em tôi ùa xuống. Đứa nào cũng mừng húm khi trong xịa của mẹ là miếng thịt ba rọi, biết thế nào mẹ cũng làm món thịt kho.
Thịt ba rọi mẹ rửa sạch, cắt thành từng miếng vuông, dùng chanh chà vào lớp da để khi kho da sẽ trong và mềm hơn. Ớt luộc chín, bỏ hột, đâm nhuyễn cùng với tỏi, đường, bột ngọt, ít nước mắm mẹ ướp vào thịt để cho thấm đều. Mẹ chặt trái dừa đổ vào nồi và nắm lá dừa khô bắt đầu nhóm lửa. Chờ nồi nước dừa sôi, mẹ cẩn thận gắp từng miếng thịt cho vào. Mẹ bảo chế Tư chặt tàu lá chuối đậy lên nồi thịt để khi thịt sôi, bọt sẽ dính vào tàu lá chuối, không cần vớt bọt, nước thịt kho không bị đục.
Cha đi đồng về lấy được tổ chim, quả trứng bằng ngón tay cái, tôi và chế Tư có nhiệm vụ luộc trứng. Mẹ nói, muốn trứng dễ lột, lúc luộc thêm ít muối vào nồi, khi dùng đũa gắp được quả trứng là trứng đã chín. Khi trứng chín, chị em tôi bỏ vào thau nước lạnh để làm nguội rồi bắt đầu lột vỏ. Nhưng khi lột xong thì số trứng đã... vơi đi phân nửa.
Nấu thịt vừa chín, mẹ cho trứng vào nồi và kho tiếp với lửa riu riu. Thịt đã rệu, mẹ nêm nếm lại lần nữa cho vừa ăn rồi nhắc xuống. Đặc trưng của món thịt kho ớt của mẹ là miếng thịt mềm, thấm gia vị và nước luôn trong veo, có màu cánh gián rất đẹp, có thể hâm đi hâm lại dùng dần. Nước thịt càng sánh, hương vị càng đậm đà, ăn cùng cải thiệu rất ngon. Cải thiệu giòn, cộng thêm vị ngọt, mặn, béo của mỡ quyện vào nhau, chị em tôi cứ mãi xuýt xoa.
Năm tháng dần trôi, tôi đi học xa nhà rồi lập nghiệp nơi phố thị. Với vòng quay cuộc sống, vườn cải sau nhà vẫn như xưa nhưng bao mùa cải thiệu tươi non, lá xanh rì uống từng giọt nước mát từ bàn tay mẹ tôi đều lỗi hẹn, chẳng có dịp về ăn./.
Bảo Hân