ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 13:29:45
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lớp học “nhiều U”

Báo Cà Mau Trung uý Sơn Phi Điều hướng dẫn tận tình các học viên trong lớp.

Buổi chiều, trời mưa càng nặng hạt, gió thổi mạnh như ném từng luồng nước từ ngoài biển vào đất liền, càng làm cho khung cảnh vùng cửa biển Gò Công thêm ảm đạm. Tuy vậy, trên những con đường trơn trợt, lính biên phòng vẫn lặng lẽ đến từng nhà vận động các chị em đồng bào Khmer không biết chữ đến tham gia học chữ. Át tiếng mưa, tiếng gió nơi cửa biển xa xôi này là tiếng đánh vần học bài của các “học sinh” trong lớp học tình thương lảnh lót vang xa.

Lớp học đặc biệt, học sinh đặc biệt, giáo viên đặc biệt này được mở khoảng 3 tháng nay tại ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. “Ðặc biệt”, bởi “học sinh” nhỏ tuổi nhất tham gia lớp học cũng đã 38 tuổi, người lớn tuổi nhất đã là 63 tuổi và nhiều người còn mang cháu nội, cháu ngoại đến lớp để kết hợp vừa giữ cháu, vừa học chữ. Người dân địa phương thường gọi vui đây là lớp học “nhiều U”.

Trung uý Sơn Phi Điều hướng dẫn tận tình các học viên trong lớp.        Ảnh: LÊ KHOA

Trong cơn mưa chiều kèm gió biển mang lại cái lạnh giá đối với bà Thạch Thị Thương khi phải lội trong rừng, mé biển để tìm bắt ốc len mang về bán kiếm tiền mua gạo đắp đổi qua ngày cho bà và 2 đứa cháu nội, nhưng không vì cái nghèo, cái giá lạnh mà bà Thương không cần cái chữ. Ðôi bàn tay lạnh cóng, nhăn nhó, trắng bệch do ngâm nước quá lâu khiến bà Thương cầm viết mà cứ run bần bật. Vốn dĩ tập viết chữ đối với người già đã khó, giờ lại càng khó hơn.

Nắn nót mãi mới viết xong một chữ, bà Thương lại bỏ viết xuống bàn đưa 2 bàn tay kê gần miệng thổi hơi và xoa xoa 2 bàn tay lại với nhau để sưởi ấm, sau đó lại viết tiếp. Bên ngoài cửa sổ, 2 đứa cháu nội dõi mắt nhìn bà viết chữ và đánh vần, chữ nào khó đọc quá, đánh vần chưa đúng phải làm đi làm lại nhiều lần, các cháu bà lại kêu to: “Bà ơi cố lên!”. Cùng lúc đó, cả lớp học và mọi người bên ngoài đều cười ồ và cũng hô “cố lên, cố lên...”.

Bà Thạch Thị Thương năm nay gần 60 tuổi, chồng bà chết sớm, các con bà đều nghèo khổ phải đi làm ăn xa. Bà Thương cho biết, bà cũng được cấp 1 căn nhà trong khu tái định cư, nhưng chồng bị bệnh nên phải bán lấy 70 triệu đồng chữa trị nhưng chồng bà vẫn không qua khỏi bệnh tật và đã chết cách đây vài năm. Hiện người mua nhà thấy hoàn cảnh bà quá nghèo khó nên vẫn cho bà ở nhờ trong căn nhà đó. Hằng ngày bà Thương đi bắt ốc len, bắt con lịch ngoài bãi biển, mé sông. Khi thời tiết khắc nghiệt, hoặc nước ngập thì đi làm thuê các công việc nhà cho dân trong vùng và đi nhặt ve chai bán. Nói chung, công việc gì làm có tiền là bà Thương làm để lo cho 3 bà cháu. Tuy cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng từ ngày có lớp học xoá mù chữ này, bà Thương chưa vắng một buổi nào.

Cũng là học sinh tích cực trong lớp, bà Lâm Xà Oanh, 63 tuổi, chia sẻ: “Không biết chữ thiệt thòi lắm, đi ra huyện, ra thành phố hỏi địa chỉ đến bệnh viện hoặc đến chỗ nào đó, người ta chỉ cho mình, nhưng mình không biết chữ cũng không tìm được. Ra xã làm giấy tờ gì cũng không biết viết tên mình, làm gì cũng khó khăn. Nên khi nghe chú Sơn Phi Ðiều, cán bộ đồn biên phòng và cán bộ phụ nữ xã đến vận động đi học là tôi đăng ký ngay. Mấy bữa đầu đi học phải trốn ông xã, vì ổng nói lớn tuổi rồi học làm gì, rồi bỏ bê việc nhà. Nhưng tôi cứ đi, có hôm ổng tới tận lớp, đứng ngoài cửa kêu về, nhưng được chú Ðiều phân tích, vận động nên bây giờ ổng không cấm nữa. Biết đọc, biết viết chữ rồi mừng lắm, ở nhà khi rảnh là lấy sách vở ra học và viết cho quen”.

Bà Oanh kể, có lần đau răng chịu hết nổi nên ông xã chở ra tận Cà Mau để nhổ, nhưng cả hai vợ chồng không biết chữ nên đi hoài mà không biết chỗ nào để vào nhổ răng. Ông xã ra sáng kiến và dặn vợ: “Tôi chạy xe, bà để ý hai bên đường chỗ nào có treo bảng hình cái răng thì kêu tôi ghé vô”. Chạy suốt mấy tiếng đồng hồ không thấy hình cái răng, hỏi thăm người ta thì người ta chỉ số nhà và tên đường, nhưng không biết chữ làm sao tìm được, đành chịu đau quay về huyện đến chỗ quen nhổ răng.

Nghe bà Oanh kể chuyện cứ như đùa, nhưng đó là sự thật. Không chỉ bà Oanh mà đa số các chị em không biết chữ trong vùng đều gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười trong cuộc sống hằng ngày.

Lịch học của lớp là 3 buổi 1 tuần, thời gian học từ 18 giờ đến 19 giờ 30. Lớp do Trung uý Sơn Phi Ðiều, cán bộ Ðồn Biên phòng Cái Ðôi Vàm và chị Lê Việt Tiên, hội viên Hội Phụ nữ xã thay phiên nhau phụ trách. Ban đầu, lớp chỉ có 2 thành viên nhưng đến nay đã có 12 thành viên.

Ðể có được lớp này, Hội Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái và các tổ, đội công tác của Ðồn Biên phòng Cái Ðôi Vàm kiên trì đến nhà vận động trong suốt thời gian dài để các chị, các cô biết được giá trị của cái chữ và quyền lợi khi tham gia các tổ hội giúp đỡ cùng nhau làm ăn phát triển kinh tế gia đình. 

Chị Lê Việt Tiên tâm tình: “Xuất phát từ việc không biết chữ nhưng thường xuyên đi làm mướn đây đó nên rất khó khăn trong vấn đề giao tiếp, tìm đường nên các cô, các chị quyết tâm học cho biết chữ. Các cô, các chị gặp rất nhiều khó khăn khi đọc và viết chữ. Nhưng đến nay hầu hết các thành viên tham gia lớp học đã biết đọc, biết viết tên mình và những chữ cơ bản. Nhìn các chị, các cô tập đồ từng đường nét, đánh vần từng con chữ mà chúng tôi quên đi những khó khăn trước đó”.

Lực lượng bộ đội biên phòng và hội phụ nữ hướng dẫn bà Thương học tại nhà.                Ảnh: L.K

Các chị em đều có hoàn cảnh khác nhau, phải lo toan cuộc sống hằng ngày và đảm đang việc gia đình, vì vậy, khi học viên bận công việc gia đình không đến lớp được, thì anh Ðiều và chị Tiên đến tận nhà để trực tiếp hướng dẫn cho các cô, các chị học bài.

Hiện tại, lớp học không có sách hướng dẫn xoá mù chữ theo bài bản, thiếu tập, thiếu viết để cấp phát cho học viên, nhưng lớp học được duy trì bằng tất cả tấm lòng của những con người có trách nhiệm. Một lớp học mà học viên không cần đóng học phí, người giảng dạy không lương và học sinh có tuổi trung bình ngoài 50 vẫn đang miệt mài tìm kiếm những con chữ cho chính mình.

Ðáp lại tình cảm, trách nhiệm của 2 người phụ trách dạy chữ cho mình, các “học sinh” thân thương gọi chị Tiên là “Cô Tiên”, còn Trung uý Sơn Phi Ðiều là “Thầy Ðiều”.

Cơn mưa chiều vẫn chưa ngớt, nhưng chúng tôi phải tạm chia tay lớp học để trở về đơn vị, trên đường đi vẫn như còn nghe tiếng đánh vần Ê - A của các chị, các cô hoà chung với tiếng sóng nơi cửa biển Gò Công./.

Phóng sự của Lê Khoa

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.