(CMO) Ðó là nhận định của anh Ngô Văn Cuôi, chủ băng chuyền lúa tại cống Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời. Ðến thời điểm này, các thương lái thu mua lúa của anh đang thoả thuận, thu hoạch và vận chuyển lúa ra ghe để chuyển về công ty đầu mối tại Cần Thơ.
Anh Cuôi cho biết: “Nơi đây, hàng năm tập trung rất nhiều ghe thu mua lúa từ các công ty ở các tỉnh: Ðồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, riêng tất cả các ghe thu mua lúa của Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Thiện Phát, tại huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ, trên 100 ghe, mỗi ghe chở được 150 tấn lúa, đã sẵn sàng các điều kiện: giấy đi đường thông chốt, giấy xét nghiệm PCR để đến cống thu mua lúa của nông dân”.
Tăng năng suất và lợi nhuận
Vụ mùa năm 2020-2021, nông dân xã Khánh Bình cũng như trong tỉnh sử dụng chủ yếu giống lúa có đặc điểm cứng cây, chất lượng gạo ngon như: OM18 hay Ðài Thơm 8. Ðến nay, nông dân đã bắt đầu thu hoạch và đang dần vào những ngày cao điểm. Mặc dù bị ảnh hưởng nhiều yếu tố về thời tiết nhưng nhìn chung vụ lúa hè thu này nông dân đang thu hoạch có nhiều thuận lợi.
Trên cánh đồng khoảng 210 ha, với sự hiện diện của 6 máy cắt lúa đang hoạt động khẩn trương, từng bao lúa tươi được vận chuyển vào nhà, chờ thương lái đến cân. Những nông dân đang thu hoạch lúa đều nhận định với giống lúa OM18, hay Ðài Thơm 8 vụ này cho năng suất cao hơn so với năm trước.
Nông dân đang thu hoạch lúa tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời. |
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chi hội Nông dân Ấp 1/5, cho biết: “Những ngày trước, lái đặt cọc giá 5.500 đồng/kg, nhưng nay cắt lúa còn 5.200 đồng/kg. Mặc dù giá có giảm so với cọc, chi phí phân bón, thuốc có tăng, nhưng nông dân vẫn phấn khởi do giá vẫn cao hơn mọi năm. Năng suất cũng tăng cao hơn, nên lợi nhuận ở thời điểm này, 1 ha trên 10 triệu đồng. Nói chung nông dân vẫn sống được”.
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Dương Minh Sang cho biết: “Nhìn chung năng suất lúa thu hoạch trên địa bàn xã dao động trên dưới 5,2 tấn/ha, cao hơn mọi năm. Do thời tiết đầu vụ có mưa kéo dài nên bà con gieo sạ lúa không tập trung giữa các cánh đồng nên việc thu hoạch lúa sẽ kéo dài, không đồng loạt, cũng thuận lợi cho máy cắt cũng như thương lái thu mua lúa”.
Ðảm bảo việc thu mua
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khâu vận chuyển hàng hoá thiết yếu gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thu mua, vận chuyển lúa của nông dân từ các công ty tỉnh trên. Từ đó xuất hiện tâm lý lo lắng về giá sẽ giảm hay lúa thu hoạch bán không được, nhất là vào thời điểm thu hoạch đồng loạt trong những ngày tới.
Tuy nhiên, ông Ngô Văn Cuôi cho biết: “Hiện nay, trên 10 thương lái tại địa phương của tôi đã đi khắp các cánh đồng trong dân để đặt cọc, thu mua. Theo kế hoạch, thu mua lúa của công ty tại Cà Mau năm nay cũng như mọi năm, không thay đổi. Các khâu chuẩn bị từ phương tiện, con người đều đã sẵn sàng cho các hoạt động thu mua lúa”.
Theo anh Cuôi, do tình hình dịch bệnh phức tạp, người của công ty không thể xuống thăm đồng, đặt cọc, nên anh được công ty uỷ thác trách nhiệm thu mua lúa tại Cà Mau. Ðể chủ động cho việc thu mua lúa như thường năm, công ty đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 từ tháng trước, nhất là các thủ tục như giấy đi đường, giấy xét nghiệm PCR theo quy định.
Còn tại điểm thu mua (cống băng chuyền), đã làm việc với UBND xã về việc đăng ký số lượng ghe xuống thu mua hơn một tuần trước, cam kết mỗi ghe chỉ được xuống 2 người, không được rời khỏi ghe trong thời gian chờ đợi, đến khi đầy lúa, di chuyển về công ty.
Về phía UBND xã Khánh Bình, Phó chủ tịch UBND xã Dương Minh Sang cho biết: “Ðể hỗ trợ cho việc thu mua lúa của các công ty đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, UBND xã đã làm việc với 2 chủ băng chuyền, các thương lái thu mua lúa, các công nhân bốc vác trên địa bàn phải thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch. Ðặc biệt, cử một tổ thanh niên tình nguyện hỗ trợ mua nhu yếu phẩm cho các ghe vận chuyển lúa trong thời gian cách ly tại ghe chờ vận chuyển lúa”.
Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở NN&PTNT Nguyễn Kiên Nhẫn cho biết: “Sở đã phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải cập nhật các quy định trong việc lưu thông vận chuyển hàng hoá ra vào tỉnh Cà Mau cả đường bộ và đường thuỷ. Liệt kê các quy định cần thiết cho các công ty, doanh nghiệp thu mua lúa gạo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ lúa hè thu của nông dân”.
Phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đưa thông tin HTX, doanh nghiệp trên địa bàn cung ứng lúa hè thu lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, của Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT để tăng cường công tác kết nối cung cầu, liên kết sản xuất tiêu thụ lúa cho nông dân.
“Bố trí 5-7 ghe luân phiên trong một tuần cập bến băng chuyền tại cống Kinh Hội trong suốt vụ mùa. Với chất lượng gạo tại Cà Mau có lợi thế không bị bạc bụng, không đen đầu, lại đặng gạo, bà con an tâm, khi công ty đã đặt cọc là sẽ thu mua đúng như cam kết”, anh Ngô Văn Cuôi khẳng định.
Vụ hè thu 2021, toàn tỉnh xuống giống 35.307 ha, tính đến thời điểm hiện nay, lúa ở giai đoạn đòng đòng là 8.319 ha, giai đoạn trổ 21.103 ha, giai đoạn chín 5.185 ha; đang thu hoạch khoảng 700 ha, dứt điểm ước đạt 165.000 tấn. Dự kiến, thời gian thu hoạch dứt điểm là tháng 9. |
Diệu Lữ