(CMO) Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2020, huyện Năm Căn có 4 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, gồm bánh phồng tôm của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vĩnh Hoà Phát (xã Hàng Vịnh), cua biển của Hợp tác xã (HTX) Tân Hiệp Phát (xã Lâm Hải), tôm khô sinh thái và thịt cua sinh thái của HTX Tài Thịnh Phát Farm (xã Tam Giang).
Bánh phồng tôm của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Kiên Cường (xã Hàng Vịnh) là 1 trong 5 sản phẩm mới tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021. |
Đạt được kết quả trên, các cấp, các ngành huyện, nhất là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phát huy vai trò là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp tích cực với cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tham gia chương trình và đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Có 3 năm trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm chế biến từ tôm, cua, cá ở vùng ngập mặn Năm Căn, Phó giám đốc HTX Tài Thịnh Phát Farm Lê Hữu Nhiệm cho rằng, để tạo thương hiệu cho sản phẩm là quá trình phấn đấu gian nan, nhưng để đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn OCOP lại là điều không đơn giản. “Ngoài sự nỗ lực, tìm tòi học hỏi của chủ thể, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan là điều vô cùng cần thiết”, anh Nhiệm ghi nhận.
Hai sản phẩm, tôm khô sinh thái và thịt cua sinh thái của HTX Tài Thịnh Phát Farm đã đạt chuẩn 3 sao, trong năm nay sẽ tham gia nâng hạng lên 4 sao. Bên cạnh đó, HTX có thêm 2 sản phẩm, là chả tôm sinh thái và chà bông tôm, tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP vào đợt 1 năm nay. “Thời gian qua, để tham gia chương trình OCOP, chúng tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ rất nhiều về thủ tục, đặc biệt sự là hướng dẫn tận tình của cơ quan chức năng cấp huyện”, anh Nhiệm cho biết.
Theo hướng dẫn quy định trình tự, thủ tục đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Cà Mau, có tới 46 nội dung các chủ thể phải hoàn thiện thành phần hồ sơ, bao gồm hồ sơ bắt buộc và hồ sơ minh chứng. Ngoài ra, thứ tự hồ sơ sản phẩm OCOP đề nghị đánh giá phải đảm bảo yêu cầu, đóng cuốn theo quy định. Với trình tự, thủ tục khá phức tạp, bên cạnh đó còn tâm lý trông chờ vào người quản lý chương trình các cấp làm thay, nên một số chủ thể chưa thật sự tích cực tham gia, nếu không có sự vận động và hỗ trợ tích cực của cơ quan chuyên môn.
Theo kế hoạch, năm nay huyện Năm Căn có 4 chủ thể với 9 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng và nâng hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 5 sản phẩm mới. Hiện tại, tổ tư vấn, giúp việc cho hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đã hoàn thành việc vận động và hướng dẫn chủ thể hoàn thành hồ sơ. Dự kiến sẽ tổ chức đánh giá phân hạng đối với 5 sản phẩm mới trong đợt 1, với những sản phẩm nâng hạng sẽ xét vào đợt 2.
Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Năm Căn Trương Minh Thuận thông tin: “Chúng tôi đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các chủ thể để hỗ trợ, nhất là về hồ sơ, thủ tục đã thực hiện đến đâu. Nếu họ có khó khăn, vướng mắc thì hướng dẫn tháo gỡ kịp thời. Ðến thời điểm này, qua rà soát, các chủ thể cơ bản hoàn thiện hồ sơ các sản phẩm mới, đảm bảo thời gian để tham gia đánh giá phân hạng đợt 1 trong tháng 6 này”
Sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn sẽ tạo lực đẩy cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Năm Căn tiếp tục tham gia hưởng ứng, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Ðây là cơ hội để những sản phẩm đặc trưng của địa phương ngày càng khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người dân phát triển kinh tế./.
Văn Tưởng