ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 24-11-24 15:28:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lý tình chợ … chạy

Báo Cà Mau Gọi là “chợ chạy” vì mỗi khi có lực lượng chức năng đến thì những người bán hàng ở đây nháo nhào… chạy. Chợ thường được nhóm họp ven đường, trên các vỉa hè gây mất an ninh trật tự và cả mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn TP Cà Mau, những khu chợ như thế này tồn tại khá phổ biến. Ngành chức năng cứ làm nhiệm vụ đuổi, người bán cứ… chạy và "cuộc chiến" giữa cái lý và cái tình cứ mãi giằng co.

Gọi là “chợ chạy” vì mỗi khi có lực lượng chức năng đến thì những người bán hàng ở đây nháo nhào… chạy. Chợ thường được nhóm họp ven đường, trên các vỉa hè gây mất an ninh trật tự và cả mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn TP Cà Mau, những khu chợ như thế này tồn tại khá phổ biến. Ngành chức năng cứ làm nhiệm vụ đuổi, người bán cứ… chạy và "cuộc chiến" giữa cái lý và cái tình cứ mãi giằng co.

Ngày cuối tuần vừa qua, tôi có dịp ra trọn buổi chợ cùng các chị em mua gánh bán bưng tại chợ Phường 4 nối dài đến Phường 2, TP Cà Mau. Chợ họp từ lúc tờ mờ sáng. Hàng hoá chủ yếu là mặt hàng nông sản từ các nhà vườn trong tỉnh đổ ra. Chợ được người mua người bán đặt tên là “chợ đồ đồng” (vì các mặt hàng nông sản ở đây đa số là hàng hoá từ chính tay người nông dân bán tận ngọn chứ không qua thương lái). Cách mua bán tận gốc, tận ngọn này làm người mua người bán đều thấy vừa ý, hài lòng.

Với quan niệm “buôn có bạn, bán có phường”, "chợ" ban đầu chỉ là một vài người ngồi dưới chân cầu Phan Ngọc Hiển (đoạn giáp ranh chợ Phường 4 và Phường 2) nay đã kéo dài gần 300 m dọc bờ kè Phường 2.

Cận cảnh chợ... chạy Phường 2, TP Cà Mau.                    Ảnh: TÂM NHƯ

Ở cái “chợ” này, có lẽ người bán hàng không sợ cảnh đội nắng, đội mưa, mà họ sợ nhất là những ngày cơ quan chức năng lập lại trật tự đường phố, bởi việc lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán vốn không hợp pháp này. Ðể duy trì công việc này, nhiều người bán hàng rong tìm mọi cách để “đối phó”. Họ luôn trong tư thế sẵn sàng chạy khi đội trật tự "ghé thăm". Và có lẽ cái tên "chợ chạy" được nhiều người bán hàng nói vui cũng xuất phát từ đó.

Có gần 3 năm kinh nghiệm ở "chợ chạy", chị Trần Thị Mỹ Tiên, quê ở U Minh, cho hay: “Ngày nào có lực lượng của lực lượng quản lý đô thị “đuổi” thì chúng tôi khốn khổ. Người nhanh chân hơn thì lùi vào những nhà dân gần đó, hoặc bưng đồ đi nơi khác, còn chậm chân đành năn nỉ”.

Hôm tôi đi thực tế tại chợ cũng đúng vào dịp cao điểm kiểm tra của lực lượng chức năng. Thấy cảnh bà lão gần 80 tuổi giành thúng rau với các anh quản lý chợ mà ai cũng xót. Bà bảo: “Mấy ông ơi cho tôi bán hết mớ rau này đi, tôi khổ muốn chết rồi".

Bà lão đó là bà Trần Thị Hường ở Khóm 4, Phường 8, năm nay đã 78 tuổi rồi nhưng bà vẫn tham gia “chợ chạy”. Bà bảo: “Già rồi tôi có làm được nghề gì khác đâu. Hằng ngày ra đây kiếm mấy người trong ruộng ra mua lại đồ cho rẻ rồi ngồi đây bán cũng kiếm được vài chục ngàn đồng một buổi chợ để đong gạo ăn qua bữa. Chồng tôi bệnh nằm ở nhà, con cái tư riêng cũng nghèo nên có ai giúp đỡ gì tôi đâu”.

Khi được hỏi sao không thuê mặt bằng hay vào chợ để mua bán đàng hoàng mà chấp nhận bán hàng trong cảnh thấp thỏm thì có hàng trăm lý do để được nhiều người bán đưa ra. Nhưng lý do cơ bản nhất vẫn là hai chữ “đồng lời”. Người ở ngoài bán kiếm được khá hơn so với người vào chợ, vì mặt bằng giá thuê cao (bình quân khoảng từ 1-2 triệu đồng/ m2/tháng). Hơn nữa, không phải ngày nào trật tự cũng dẹp nên thỉnh thoảng vẫn tranh thủ bán, không thì sang lại cho lái.

Chị Tiên chia sẻ: “Biết là sai quy định, nhưng vì không có đủ điều kiện để vào chợ. Vào đó, chỉ vài ba con cá, mớ rau mà phải đóng đủ loại phí thì lấy gì để sống. Thế nên, bán thì cứ bán, còn đuổi lúc nào thì phải chạy thôi”.

Kinh nghiệm cũng được rút ra từ những buổi “chạy” là hàng hoá sắp xếp cho thật gọn gàng, dễ chạy; thuê người cảnh giới (thường là lực lượng xe ôm) để báo hiệu là có lực lượng đến và thế là xách đồ… chạy. Ðồ thường được treo trên những xe gần đó chứ không bày ra nhiều, lỡ chạy không kịp thì mất đồ. Thường những đồ ngon, đồ tốt được bán cho các sạp; đồ dạt, đồ kém giá trị thì bày ra bán để kiếm thêm chút đỉnh đồng lời.

Chị Nguyễn Thuý Vân ở chợ Rau Dừa, huyện Cái Nước, bộc bạch: “Nhà trồng rẫy dưa leo, lái vào tận ruộng chỉ mua khoảng 6.000-8.000 đồng/kg. nhưng đem ra đây cân được từ 10.000-12.000 đồng/kg, chừa lại vài chục ký bán lẻ cũng được 15.000 đồng/kg. Là nông dân, chúng tôi phải chắt chiu từng đồng".

Cái lý của ngành chức năng là chợ tập trung mua bán không theo quy hoạch ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố, đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của những hộ có thuê chỗ mua bán theo quy hoạch. Tuy nhiên, ngoài cái lý ấy thì là cái tình của người dân. Họ đa số là những người dân nghèo sống vùng ven thành phố, sản phẩm họ làm ra bị thương lái ép giá, thu nhập không cao nên họ tranh thủ “lấy công làm lời” ở những khu vực chợ không phải tốn tiền thuê này. Vậy là chợ… chạy cứ chạy hoài theo năm tháng.

Ông Phạm Văn Khanh, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Cà Mau, bộc bạch: “Chúng tôi đau đầu với các khu chợ tự phát này lắm, cứ ra quân dọn dẹp suốt nhưng lực lượng quản lý cũng mỏng, rượt đuổi hoài cũng không phải là cách tốt nhất. Hiện, chúng tôi đang quy hoạch lại chợ Phường 4 với diện tích trên 10.000 m2. Trong đó sẽ quy hoạch 1 tầng để mua bán hàng may mặc, tầng dưới mua bán hàng nông sản và trong đó sẽ có khu vực mua bán hàng tự sản tự tiêu (hàng quê ra). Dự kiến chợ mới sẽ có 800 quầy hàng mua bán và theo đó ưu tiên di dời chợ Phường 4 và Phường 2 vào nền nếp. Mặc dù quy hoạch đã có nhưng đến nay vẫn chưa có vốn để xây dựng".

Cuộc đời mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi lo riêng không ai giống ai. Những người phụ nữ chúng tôi gặp chỉ là những lát cắt mỏng trong số rất nhiều những người phụ nữ nghèo khó chọn nghề chợ… chạy ở chốn thị thành để mưu sinh. Mỗi phiên "chợ" ấy là cuộc sống của mỗi phận người là bao mơ ước, khát vọng được đổi đời.

Chú Lê Văn Thành, làm nghề chạy xe ôm ở chợ… chạy, bộc bạch: “Hằng ngày đậu đây chờ khách tôi chứng kiến nhiều cảnh đời bi thương. Có những phụ nữ mang thai giằng co gánh hàng với lực lượng làm nhiệm vụ rồi té ngã, rồi sẩy thai. Rồi những bà già chạy không kịp cũng té ngã đầy ngoài đường. Xót những cảnh đời, tranh thủ những lúc chưa rước được khách tôi kiêm luôn làm người cảnh giới cho chợ… chạy".

Bài toán đối với các ngành chức năng để có hướng giải quyết, vừa đảm bảo thực thi đúng quy định của pháp luật, vừa đảm bảo mưu sinh của những hộ dân cuộc sống còn khó khăn. Ðáp án bài toán chính là cần thiết phải xây dựng khu chợ tự sản tự tiêu mà ở đó mức phí đóng góp tính giá rẻ theo ngày.

Chị Mai Thu Phương, Phường 4, kiến nghị: “Nhà nuôi vài con cá, trồng luống rau. Bữa thu hoạch bữa không mà mướn sạp bán thì gom tiền 3 tháng mấy triệu bạc thì làm sao chúng tôi đóng nổi và làm sao có lời. Bờ kè này thay vì chỉ để đi bộ ban đêm thì mấy ổng cho mướn chỗ ngồi thôi, chúng tôi họp chợ từ 5 giờ sáng đến 11 giờ là xong. Bán mà phải chạy đôn chạy đáo, thấp thỏm như vầy chúng tôi cũng có muốn đâu. Thay vì phường cho mướn giá rẻ, vừa cải thiện ngân sách, chúng tôi lại được chỗ mua bán tiện lợi".

Theo quy định, việc bán hàng hoá lấn chiếm lòng lề đường là hành vi bị nghiêm cấm và xử phạt rất nặng. Thế nhưng, trong khi chính quyền mong sớm lặp lại trật tự, nếu không mạnh tay, không kiên quyết thì lại không hoàn thành nhiệm vụ, còn người dân chỉ đơn giản là kiếm khu chợ nào buôn bán được mà không phải trả phí để mưu sinh. Và khi cái lý, cái tình mãi đan xen đã khiến cho tình trạng này cứ mãi tiếp diễn không thể dẹp bỏ triệt để. Mà một thành phố văn minh thì không thể chấp nhận được cảnh mua bán bát nháo như thế này./.

Phóng sự của Tâm Như

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.