(CMO) Từ khi cầu Hoà Trung và cầu Năm Căn nối liền huyết mạch giao thông đường bộ về huyện Đầm Dơi và Ngọc Hiển, tôi hầu như không có dịp trải nghiệm lại cảm giác bồng bềnh xuyên qua những nhánh sông trên các chuyến tàu đò hay cao tốc. Thấy mừng vì quê hương mình đã đổi thay, phát triển mau lẹ, đường lộ tới đâu thì đời sống khởi sắc tới đó.
Song, cũng thấy tiếc nhớ về một miền ký ức chưa xa, nơi có những chuyến tàu đò, cao tốc dập dìu trên sông nước, mà suốt một thời, dù có muốn hay không thì đó vẫn là phương tiện giao thông chuyên chở chủ lực của miền sông nước Cà Mau.
Quê tôi ở kinh Dân Quân, Xóm Ruộng, địa danh bây giờ thuộc xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi. Tuổi thơ của tôi gắn liền với con kênh cong cong biết bao doi vàm, lòng kênh hẹp một đầu nối dài về phía sông Nhị Nguyệt, đổ ra Bờ Đập hoà nước vào kinh xáng Đội Cường. Đầu còn lại là con đập ngã ba, nơi có ngôi trường làng, những quán tiệm liêu xiêu của một xứ thuần nông nghèo.
Cà Mau là vùng sông nước, tàu đò, cao tốc từng là phương tiện vận tải hàng hoá và hành khách chủ lực của địa phương. |
Ngày đó tôi vẫn còn đang học trường làng. Ngoài giờ trên lớp, còn lại, tôi cùng các bạn bày đủ trò ở ngoài đồng bưng. Mùa mưa thì đặt lờ, giăng lưới, cắm câu; mùa hạn thì dặm chuột đồng, mò cá mương phèn, nhắp cá, thả diều, đá banh trên các cánh đồng khô nẻ trơ rạ. Thế giới của tôi là cây mù u trổ bông ở đầu bến sông. Con đường làng mờ bóng trăng dẫn ra phía đập ngã ba. Uống một ly si rô bào, mê mẩn xem đoạn phim chưởng mà nhân vật chính tài trí vô song, chính nghĩa lẫy lừng, cứu nguy thiên hạ. Nhà tôi làm nghề hàng xáo, ba má mua được một cái máy đuôi tôm hiệu Robin màu vàng rất đẹp. Cái loại máy này rất kỳ lạ, chạy xuồng không thì ậm ì, nhưng càng chở nặng thì chạy càng vọt. Ba tôi cho tôi thử kì̀m lái máy, rồi từ từ cũng biết chạy vỏ lãi. Mỗi bận ba má bán hết hàng về sớm, tôi lại chạy vỏ dọc quanh con kênh xóm, cả lũ con nít nhìn tôi vô cùng ngưỡng mộ.
Rồi khi học hết trường làng, tôi ra chợ huyện học cấp 2. Thời điểm đó, tàu đò là phương tiện duy nhất, nếu không thì chịu khó lội bộ. Xe đạp ngày đó vẫn còn là cái gì đó cao sang và quá tầm với lũ con nít mới lớn, nhà nghèo như chúng tôi. Một tháng ba mươi ngày thì có 3 chủ tàu chia đều nhau đưa rước học sinh. Những chủ đò thuộc tên từng đứa, học lớp mấy, buổi nào, cứ tới giờ là lụi vô bến. Ban đầu, khi đập ngã ba chưa phá ra đưa nước mặn vào nội đồng, tụi tui phải lội bộ ra tới đập rồi mới xuống tàu. Sau khi đập bị phá, đò tới tận bến rước, khỏi tốn công lội bộ nữa. Với lũ học sinh chúng tôi, đó là điều vui mừng nhất. Ghé bến mà không gặp chúng tôi, chủ đò đứng dưới bến réo tên inh ỏi. Khổ nhất là học buổi sáng, tàu đò chỉ tầm 5 giờ là tới bến, có hôm ngủ quên, đành ôm quần áo, sách vở chạy luôn xuống đò rồi sau đó từ từ bận vô. Mùa mưa trơn trợt, có đứa nhảy lên mũi tàu, quá trớn ùm luôn xuống sông.
Tàu qua ngã ba Xóm Ruộng, men theo con sông nhỏ qua đập Cây Trâm, Cây Gừa, Rạch Sao rồi tới sông Đầm và ghé bến ở chợ Đầm Dơi. Từ bến đò, chúng tôi đi bộ cỡ cây số nữa mới tới trường học. Tàu đò bao giờ cũng đến sớm, trước giờ học đôi ba tiếng, vậy là cà kê vô tiệm uống nước xem phim chưởng. Những chuyến đò đi học cứ ngày ngày, mùa mùa tiếp nối. Cho đến một hôm, tôi ngỡ ngàng nhìn mấy đứa con gái trong xóm khép nép tà áo dài trắng tinh ngồi xuống băng ghế tàu đò trong mùa tựu trường rưng rưng tuổi mới lớn…
Khi tôi đi học đại học. Má tiễn ba, anh Sáu và tôi ra bến sông nhà nội ở Mương Điều để bắt tàu đò lên Cà Mau. Sau đó đi xe đò lên TP Hồ Chí Minh. Tới ga Sài Gòn, mua vé xe lửa đi Hà Nội. Những ngày đầu xa quê, chẳng hiểu sao tôi cứ nhớ dáng má ở bến sông ngóng theo. Đêm khuya, tiếng còi xe lửa vọng lại rền vang, lòng cứ nôn nao muốn về nhà ngay lập tức. Hà Nội toàn phố phường, xe cộ, có con sông Tô Lịch thì cạn queo, nước đen ngòm, ấm ứ không thèm chảy. Tôi đã từng kinh ngạc khi biết vua Lê Lợi từng ngự thuyền rồng dạo quanh Thăng Long, dân cư chài lưới, tắm gội trên con sông này. Chỉ khi qua cầu Long Biên, nhìn con sông Hồng mùa nước lên cao, tôi mới thấy sông thật là sông, biết ngầu đỏ phù sa, biết cuộn chảy tuôn trào, xuôi về phía nào có biển.
Về nhận công tác, khi đó phóng viên đã phổ cập xe máy. Đường sá cũng đã nối về hầu khắp địa bàn tỉnh. Chỉ khi nào về những xóm nhánh ở xa xôi, chưa có lộ thì mới bắt buộc đi vỏ lãi. Nhưng khi được phân công về địa bàn Ngọc Hiển thì tôi đi cao tốc suốt. Sáng sớm chạy xe qua bến cao tốc gửi, mua vé xuống cao tốc, ngồi ì ạch hơn 3 tiếng đồng hồ mới tới Rạch Gốc. Đi Đất Mũi thì xa hơn chút nữa. Thời gian rảnh, tôi tập đếm những doi vàm, những địa danh mà hành trình lướt qua. Từ Cà Mau đi qua cảng cá, tới Hoà Trung, cao tốc rẽ vào kinh xáng Đội Cường, rồi thì đi qua chợ Chà Là, chợ Cái Keo, chợ Cả Nẩy, chợ Năm Căn. Những nhánh sông uốn lượn, đột ngột mở ra tứ phía, nước ròng, nước lớn ngai ngái mùi phù sa.
Chợ Chà Là nổi tiếng nhất là món bánh bao. Lần nào tới bến này, cao tốc cũng ghé lại rước khách, nếu không thì để hành khách mua bánh ăn lót dạ hoặc đem về cho người thân. Chợ Cái Keo mỗi lần đi qua đều có vài xác nhà vừa bị “hà bá” nuốt, trơ sàn, chỏng gọng. Chợ Năm Căn thì ghé 2 bến, bến mới có các chị, các cô bán kẹo, bánh mì, nước uống, trứng cút luộc, bánh bò, bánh tiêu nhao nhao xuống cao tốc chào hàng, tới bến cũ thì chủ tàu ghé lại để các chị lên bờ. Đi riết, tôi quen mặt, các chị gặp cũng chào, nhưng lần nào cũng nhằn nhữ: “Chào hoài mà hổng mua tiếp gì hết trơn”.
Về Ngọc Hiển, mấy bận tôi bị trễ chuyến cao tốc cuối cùng về Cà Mau. “Tài cuối” tầm khoảng 4 giờ chiều, nếu không đón được thì phải ở lại một đêm. Tôi hay ghé chơi ở chỗ Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển ngồi đợi cao tốc, riết rồi thân thuộc với các anh chị. Có hôm lỡ chuyến, anh Hoàng Ngọc Hùng, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT Ngọc Hiển phải bao vỏ lãi cho tôi về Năm Căn. Quãng thời gian phụ trách địa bàn Ngọc Hiển, tôi cùng với sông Tam Giang về Chợ Thủ; xuôi sông Cửa Lớn qua Nhưng Miên, Ông Trang để tới Đất Mũi. Về Ngọc Hiển, ngoài cây đước, cây mắm, những dòng sông đã trở thành một hình ảnh không thể trôi xoá trong tiềm thức mỗi người.
Khi tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử hình thành vùng đất Cà Mau, tôi ngỡ ngàng khi hiểu ra, sông chính là nguồn cội, là tiêu chí cao nhất để những lưu dân mở đất quyết định lập xóm, lập làng. Chẳng phải tên Cà Mau được phiên ra từ tên gọi của màu nước, những chợ Năm Căn, Cái Nước, Đầm Dơi, TP Cà Mau, U Minh, Thới Bình, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời đều gắn với những dòng sông đó sao? Dân Cà Mau đã bao thuở, bao đời trồng lúa, nuôi tôm, vươn khơi, làm cách mạng từ những dòng sông. Nói như lời cố Nhà văn Nguyễn Thanh, từ những dòng sông bùn của Cà Mau, biết bao điều kỳ diệu đã được sản sinh và vươn ra biển lớn.
Bây giờ người ta ít đi lại trên sông. Tàu đò, cao tốc có lẽ đã hết thời. Nhưng sông vẫn đó. Sông có những nỗi niềm riêng. Như hôm rồi, trong một chuyến công tác, xuống bến cảng cá lên cao tốc, mùi nước không còn ngây ngấy nồng vị phù sa mà sộc lên một mùi ô nhiễm. Màu nước sông ở đoạn qua khu công nghiệp Hoà Trung không còn ngầu đục, mà nhói lên một màu cháy đen chết chóc. Cũng chính nguồn nước sông ấy, người nuôi tôm vẫn cắn răng để đưa vào đầm nuôi, bởi đâu còn lựa chọn nào khác.
Tàu đò, cao tốc bớt chạy, tình trạng sạt lở hai bên bờ sông giảm hẳn. Những cánh rừng chồi mắm, đước đã bắt đầu xanh hai bên. Không còn cảnh những căn nhà cheo leo đợi sụp. Chẳng biết người khác nghĩ thế nào, nhưng về Cà Mau, nếu không xuyên qua những dòng sông trên những chiếc cao tốc, tàu đò thì thật là một thiếu sót không gì bù đắp được. Lẽ bình thường, cái gì tiện lợi thì người ta lựa chọn. Nhưng nếu ai đó muốn hiểu, muốn cảm và lẫy ra những dư vị đặc trưng nhất của Cà Mau thì nhất định phải đến với những dòng sông. Những dòng sông Cà Mau đầy sản vật, có những con người hồn hậu, bình dị nhưng đằm thắm chân tình. Tới sông để thấy đất nước mình lớn lên từ những hạt phù sa nhỏ bé. Thấy cây đước, cây mắm đâm rễ, giữ đất, tạo bãi bồi trong một hành trình nhẫn nại và diệu kỳ. Như tứ thơ của Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu/ Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát…”. Ở quê tôi, đi đâu cũng thấy sông và nếu không đi trên những dòng sông, cũng sẽ thấy Cà Mau chẳng còn gì đặc sắc./.
Phạm Quốc Rin