Thời gian qua, bên cạnh những tác động tích cực do phát triển kinh tế lĩnh vực công nghiệp của tỉnh mang lại còn có áp lực ngày càng lớn đối với môi trường; đặc biệt, hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trong khu dân cư, đô thị đã và đang ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ người dân (do nước thải, khí thải, mùi hôi, bụi, tiếng ồn, rác thải sản xuất, chất thải nguy hại...).
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có 5.568 công ty, doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh cá thể (gọi tắt là cơ sở) hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trong đó, phần lớn các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị và chưa có hệ thống xử lý nước thải đúng quy định.
Ông Huỳnh Văn Minh, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Thực hiện Ðề án Di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2022-2030, Sở Công thương đã phối hợp các huyện, TP Cà Mau tiến hành rà soát lại các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị trên địa bàn. Qua đó, đánh giá nhu cầu và định hướng di dời cho các cơ sở; xác định thời gian, địa điểm di dời, nhu cầu sử dụng đất phục vụ việc di dời của các cơ sở, doanh nghiệp”.
Hiện nay, phần lớn các công ty, doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh cá thể lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nằm xen kẽ trong khu dân cư, đô thị. (Ảnh minh hoạ chụp tại thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân).
Qua kết quả rà soát từ các địa phương cho thấy, hiện tại toàn tỉnh có 127 cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện di dời vào khu, cụm công nghiệp. Trong đó, TP Cà Mau có 53 cơ sở, huyện Ðầm Dơi 20 cơ sở, huyện Cái Nước 13 cơ sở, huyện Năm Căn 19 cơ sở, huyện Ngọc Hiển 4 cơ sở, huyện Phú Tân 19 cơ sở, huyện Trần Văn Thời 3 cơ sở, huyện U Minh và Thới Bình báo cáo không có cơ sở.
“Việc tồn tại các cơ sở sản xuất trong các khu dân cư thời gian qua đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hoạt động của chính các doanh nghiệp. Mặc dù UBND các huyện, TP Cà Mau có sự quan tâm phối hợp với Sở Công thương trong công tác triển khai thực hiện đề án di dời, nhưng hiện tại hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ, gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện đề án di dời theo lộ trình được duyệt”, ông Huỳnh Văn Minh đánh giá.
Ngoài ra, ông Minh cho biết, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường qua rà soát của UBND các huyện, TP Cà Mau còn khá khiêm tốn so với thực trạng thống kê theo đề án di dời được duyệt. "UBND các huyện, TP Cà Mau tiếp tục rà soát các đối tượng cần phải di dời theo các tiêu chí đánh giá quy định tại đề án di dời và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành", ông Minh lưu ý.
Cùng với đề án di dời, tỉnh đang thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 9/2023. Trong đó, định hướng có 19 cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 1.025 ha.
Qua kết quả rà soát cho thấy, các cụm công nghiệp trên, mặc dù được quan tâm, xúc tiến mời gọi, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu nghiên cứu, nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư đăng ký đầu tư hạ tầng. Mặt khác, các cụm công nghiệp được tích hợp vào quy hoạch tỉnh hiện nay chưa đủ điều kiện lập hồ sơ thành lập cụm công nghiệp.
Theo đánh giá, hiện tại hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ. (Ảnh minh hoạ: Khu Công nghiệp Khánh An, huyện U Minh).
Ông Huỳnh Văn Minh phân tích: “Nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp khá lớn, khó thu hồi vốn, đó cũng là vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư hạ tầng. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng - xã hội còn kém, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút đầu tư ”.
Ðể gỡ khó vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau căn cứ các tiêu chí, tiến độ thực hiện kế hoạch triển khai đề án được duyệt, tiếp tục rà soát, xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Ðồng thời, tăng cường thu hút, mời gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp sau khi đủ điều kiện theo quy định, nhằm kịp thời di dời các cơ sở gây ô nhiễm vào các cụm công nghiệp theo lộ trình đề án được duyệt.
“Sở Công thương phối hợp với đơn vị liên quan đánh giá toàn diện thực trạng, tình hình phát triển các cơ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện đề án di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh; những nguyên nhân, khó khăn, hạn chế trong thu hút, mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, dẫn đến khó khăn trong mời gọi đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp ngoài cụm công nghiệp. Qua đó, kiến nghị Bộ Công thương hướng dẫn, định hướng giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ tỉnh Cà Mau thu hút, mời gọi đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo./.
Hồng Nhung