(CMO) Nếu có dịp về thăm vùng đất ngập mặn huyện Ngọc Hiển trong những ngày cận Tết, sẽ cảm nhận không khí nhộn nhịp của những hộ dân làm nghề muối ba khía trên địa bàn. Và càng thích thú hơn khi ta được trải nghiệm nghề bắt ba khía cùng với người dân bản địa và thưởng thức những món ngon từ ba khía.
Bắt ba khía được xem là nghề truyền thống, gắn bó với người dân Ngọc Hiển bao đời nay. Công việc bắt ba khía khá đặc trưng, chỉ làm về khuya. Trên chiếc vỏ lãi, mỗi người thẳng tiến về những vạt rừng đước nơi trú ngụ của ba khía. Những dụng cụ khá đơn giản như đèn pin, thùng và bao tay được người dân trang bị đầy đủ để bắt ba khía.
Trong không gian tĩnh lặng của màn đêm, thỉnh thoảng vang lên âm thanh của tiếng côn trùng, người bắt ba khía luồn lách qua những nhánh rừng đước ngập mình trong nước để tìm bắt ba khía.
Ông Bông Văn Muội, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Cứ đến trời tối gia đình tôi lại vào rừng lặn lội bắt ba khía. Do làm ban đêm nên rất cực, vừa phải thức khuya vừa bị muỗi cắn. Nhưng bù lại, mỗi chuyến có thể bắt được cả chục ký ba khía tươi, bán từ 55.000-60.000 đồng/kg.
Mỗi đêm, với nghề bắt ba khía đã mang lại nguồn thu nhập cho mỗi lao động từ 200.000-300.000 đồng/ngày. |
Chị Nguyễn Kiều Duyên, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, cho biết: “Nhờ có nghề bắt ba khía mà gia đình tôi có thêm thu nhập, mỗi đêm kiếm được vài trăm ngàn lo cho con cái ăn học và trang trải cuộc sống gia đình”.
Sau khi bắt đem về, ba khía được bán cho các vựa thu mua, phần lớn làm ba khía muối. Kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Thua, Khóm 1, thị trấn Rạch Gốc: “Ba khía muối chất lượng là phụ thuộc vào độ mặn khi muối. Nước muối nhạt quá, con ba khía sẽ bị hư, có mùi, còn quá mặn thì ba khía bị đen da, không ngon”.
Chị Nguyễn Hồng Ðạm, chủ cơ sở ba khía muối Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Nghề muối ba khía nhìn thì đơn giản nhưng để ba khía ngon cần sự khéo léo, chăm chút của người thợ trong từng công đoạn. Phải lựa chọn những con ba khía to, thịt chắc đem vào muối thì ba khía mới đậm đà hương vị”.
Ba khía muối thường để từ 7-10 ngày là có thể dùng được. Thường người ta rửa sơ con ba khía muối bằng nước ấm rồi tách thành miếng nhỏ trộn với chanh, đường, ớt… Khi đã một lần thưởng thức thì khó có thể quên được hương vị đậm đà của món ăn đặc sản này.
Ba khía muối sau khi tách ngoe, càng và cho nước cốt chanh cùng các gia vị ăn kèm với rau sống làm nức lòng thực khách phương xa khi một lần thưởng thức qua món ba khía muối Rạch Gốc. |
Vào dịp Tết Nguyên đán, ba khía muối rất hút hàng, với giá bán từ 80.000-110.000 đồng/kg, người dân sinh sống từ nghề ba khía muối có thêm nguồn thu nhập khá.
Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Ngọc Hiển Lê Chí Thắng thông tin: “Nghề muối ba khía như một nét đặc trưng của người dân cuối trời Tổ quốc, bởi thương hiệu ba khía Rạch Gốc đã đi sâu vào lòng người với những hương vị thân quen, dân dã. Càng vinh dự và tự hào khi nghề muối ba khía được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Ðây cũng là động lực để những người làm nghề có thêm điều kiện giữ gìn nghề truyền thống của quê hương và phát triển vươn xa ra thế giới”.
Hiện trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có khoảng 100 hộ chuyên sản xuất, kinh doanh ba khía muối, mỗi tháng cung cấp ra thị trường từ 10-15 tấn hàng. Ba khía muối Rạch Gốc được tiêu thụ mạnh hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước và xuất sang Thái Lan, Campuchia. Nghề này đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng/người./.
Chí Hiểu - Hồng My