(CMO) Những năm qua, đồng bào dân tộc Khmer xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nhiều hộ Khmer nghèo được hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nguồn vốn, tạo việc làm… Từ đó, bộ mặt vùng đồng bào Khmer đã có sự đổi thay rõ nét. Kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng hoàn thiện.
Ông Hữu Thảo, Bí thư Chi bộ ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, nói: "Cũng giống như các vùng đồng bào dân tộc Khmer khác trong tỉnh, ấp Đường Đào nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành".
Hiện ấp có 515 hộ dân, trong đó có đến 305 hộ là người dân tộc Khmer. Những năm qua, từ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, sự cố gắng vươn lên trong lao động sản xuất nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con nơi đây ngày càng thay đổi tích cực. Tỷ lệ hộ Khmer nghèo từ gần 40 hộ, nay giảm xuống còn 21 hộ; tỷ lệ hộ khá giàu tăng lên đáng kể. Sự đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc anh em ngày thêm thắt chặt.
Cựu chiến binh Trần Văn Lượng, Ấp 1, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình chia sẽ kinh nghiệm nuôi rắn hổ hèo. Ảnh: PHƯƠNG LÀI. |
Để cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc Khmer, ông Hữu Phên, người dân ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, kiến nghị, Trung ương và tỉnh cần tăng cường hơn nữa các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, tỉnh tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề phi nông nghiệp. Trong đó, chú trọng dạy nghề cho đồng bào dân tộc Khmer. Nhất là hỗ trợ, tạo điều kiện cho những hộ dân không có đất sản xuất được học nghề, tư vấn tìm việc làm, thu nhập ổn định tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm ổn định đời sống.
Ông Hữu Văn Kel, người dân ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, cho rằng, thực tế đã qua, đồng bào dân tộc Khmer có nhiều bà con chưa được quan tâm dạy chữ viết của dân tộc mình. Trước tình hình này, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá, ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer.
"Hiện tại chữ Khmer được đưa vào dạy tại một số điểm trường có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Từ đó, số người biết đọc, viết tiếng dân tộc tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, chế độ chính sách ưu đãi cho người dạy chữ Khmer còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với công sức của người dạy học. Vì thế, tôi mong muốn thời gian tới ngành giáo dục tỉnh cần quan tâm hơn đến đối tượng này", ông Hữu Văn Kel bày tỏ.
Ông Hữu Thành Dự, ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, người vừa được bầu là người uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chương trình, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn một số vướng mắc về cơ chế.
Cụ thể, Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT/BNV của Bộ Nội vụ quy định và hướng dẫn chi tiết về thi hành một số chính sách về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội chưa được địa phương thực hiện nghiêm.
"Trên 100 con em người dân tộc thiểu số trong ấp được cử tuyển đi học ở các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh. Sau khi ra trường cầm bằng cử nhân, cao đẳng trong tay nhưng không tìm được việc làm, phải đi làm thuê kiếm sống đủ nghề. Đây là vấn đề cử tri chúng tôi kiến nghị đến các cấp HĐND và cơ quan chức năng trong tỉnh", ông Dự trăn trở.
Trung Đỉnh