(CMO) Mùa mưa đang đến, sự hoang mang thể hiện rõ trên nét mặt vợ chồng ông Hai Hùng (Diệp Thanh Hùng). Căn nhà lá đơn sơ của vợ chồng già nằm trơ trọi cạnh mé sông Cái Lớn (cửa Bắc Bồ Đề) như thách thức từng đợt sóng dập vào bờ. Mấy hôm nay, vợ chồng ông đứng ngồi không yên bởi bờ sông càng ngày càng tiến sát tới nhà. Trong nhà có bộ âm ly là giá trị nhất nên tính đem gởi nhà bà con, bởi nhỡ lúc nửa đêm căn nhà sụp xuống nước còn... cứu được tài sản.
Khu tái định cư ở ấp Bỏ Hủ, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn giờ như một ốc đảo nằm choi loi giữa sóng nước, muốn đặt chân lên đây không cách nào khác phải đi xuồng qua.
Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông Nguyễn Văn Nhiên không khỏi lo lắng cho đời sống người dân nơi đây khi tình hình sạt lở ngày một nghiêm trọng: “Chúng tôi đã lên phương án di dời hết bà con vào bờ, sống ở đây ngày càng nguy hiểm, sạt lở không biết lúc nào. Khu tái định cư mới đang xây dựng giai đoạn 2, xã đã lập danh sách 142 hộ được bố trí vào ở đợt này, trong đó có 80 hộ dân của khu tái định cư ấp Bỏ Hủ”.
Như thế, trong thời gian ngắn nữa khu tái định cư này sẽ bị xoá sổ hoàn toàn, điều chẳng ai muốn nhưng đó lại là giải pháp tốt nhất lúc này.
Ban đầu, qua những lần họp mặt với mấy ông bạn, nghe họ kể về nghề biển ở cửa Bồ Đề, ông Hai Hùng thấy rất thú vị mà cũng đang lúc mình chưa biết việc gì làm nên quyết định về đây làm biển thử cho biết. Ấy thế mà hơn 30 năm trôi qua, mảnh đất này đã se duyên ông với người vợ hiền từ, tạo dựng gia đình hạnh phúc cùng 2 đứa con. Cũng từ ấy đến nay chưa bao giờ ông nghĩ sẽ phải rời đi dù những người bạn cũ đã tứ tán gần hết. Sạt lở đe doạ cuộc sống của họ mà nghề đánh bắt ven bờ không hiệu quả nữa. Nếu trước đây chỉ cần ra xa bờ một chút, chiều về là đầy tôm, cá..., giờ có khi lỗ chi phí.
Khi đánh bắt khó khăn, người ta nghĩ ra đủ cách để khai thác, kể cả sử dụng điện theo kiểu tận diệt nên nguồn lợi ngày một cạn kiệt. Ông Hùng tâm sự: “Giờ chỉ có vươn khơi thì làm biển mới phát triển được, nhưng người ta có tàu lớn mới có thể vượt sóng, mình xuồng máy lạch tạch sao đi được xa cửa Bồ Đề. Trên bờ không đất sản xuất, chỗ ở thì nơm nớp lo bị nước cuốn trôi mỗi đợt triều cường hay mưa đến”.
Tại khu tái định cư ấp Bỏ Hủ, trước đây, người dân sống đông đúc và tất cả làm nghề biển. Họ là dân địa phương, người tứ xứ không đất sản xuất được bố trí về đây ổn định cuộc sống.
Chỉ tay ra hướng cửa biển, ông Hai Hùng lắc đầu, trước bờ đê cách nhà gần cây số, rừng phòng hộ vẫn còn che chắn, giờ nước biển đã tiến sát nhà, mùa sạt lở tối không thể ngủ yên.
Từng là nơi nhộn nhịp, nhưng giờ khu tái định cư đìu hiu, cư dân bỏ đi không chỉ vì cuộc sống khó khăn mà còn là để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. “Chỉ khi an cư mới lạc nghiệp được. Sạt lở ngày một nghiêm trọng thế này có ai mà an tâm tiếp tục sống ở đây. Nuôi trồng cũng không dám, vì sau mỗi đợt triều cường, sạt lở, cái gì cũng trôi ra biển, mất bao công sức, tiền của. Nhiều lần như thế rồi, ai mà không sợ”, ông Hùng ngao ngán.
Con lộ tại ấp Mai Vinh có nguy cơ bị cắt đứt từng đoạn, ảnh hưởng sản xuất của người dân phía trong. |
Khu tái định cư ấp Bỏ Hủ sau thời gian dần trở thành ốc đảo nay đang đối diện với nguy cơ bị nước biển nuốt chửng. Cùng đi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhiên giọng buồn rười rượi: “Với tình hình này, chỉ vài năm nữa, khu vực này sẽ sạt lở hết. Rừng phòng hộ bên ngoài hàng năm cứ biến mất dần. Không có cây che chắn, khu này biến mất chỉ là sớm muộn”.
Cũng vì nguy cơ ấy mà khu tái định cư mới đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể đưa người dân vào ở, trước mắt là cho họ có chỗ ở, chứ phát triển kinh tế là vấn đề khác. Khu tái định cư mới nằm sâu trong đất liền coi như an tâm về nguy cơ sạt lở, thế nhưng, vào đó thì ra biển lại khó khăn hơn trong khi họ đều làm nghề biển. Không đi biển biết làm nghề gì khác để sinh sống?
Tam Giang Đông đang đối diện với tình hình sạt lở ngày một nghiêm trọng, ấp Bỏ Hủ chỉ là một trong những nơi sạt lở nặng nề nhất. Ấp Mai Vinh trước giờ chỉ ảnh hưởng bởi triều cường, nhưng hiện hàng trăm mét lộ nông thôn bị sụp, nước biển đang lăm le tràn qua lộ, đe doạ vuông tôm của người dân.
Nhìn từng gốc mắm bị sóng đánh xô vào bờ, lắm lúc tràn lên lộ bê-tông, ông Trần Văn Đỏ, ấp Mai Vinh, than thở: “Con lộ này như đê ngăn nước biển, bảo vệ vuông tôm bên trong nhưng đang có nguy cơ bị vỡ từng đoạn. Nếu điều đó xảy ra, hàng chục hộ dân chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không thể sản xuất được”.
Canh tác 21 ha, chủ yếu là nuôi tôm, cua..., vuông của ông Đỏ nằm phía ngoài, ngay cạnh con lộ, bên trong là các hộ nuôi khác liền kề cho nên nếu lộ này bị vỡ, không chỉ hộ của ông bị ảnh hưởng mà 16 hộ còn lại cũng chung số phận.
Ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết: “Từ đầu năm tới giờ tình hình sạt lở trên địa bàn xã rất nghiêm trọng, địa phương đã tiến hành khắc phục, gia cố lại những nơi bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở nhưng cũng chỉ là tạm thời, để đầu tư cơ bản, cần ngành chức năng vào cuộc”.
Là xã ven biển, người dân chủ yếu làm nghề khai thác, đánh bắt và nuôi thuỷ hải sản. Khi muốn chuyển đổi nghành nghề cho người dân, nhất là nghề biển, không hề dễ. Dù có nhiều dự án chuyển đổi ngành nghề, nhưng thực tế mức độ, hiệu quả của những dự án này vẫn là một dấu hỏi lớn.
Ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết: “Nhiều mô hình kinh tế hỗ trợ người dân được triển khai khá hiệu quả, như nuôi tôm 2 giai đoạn, chăn nuôi..., nhưng không phải ai cũng tiếp cận được. Hình thức hỗ trợ cũng có nhiều điều cần suy nghĩ, thường là hỗ trợ chia làm nhiều đợt như thế họ khó có thể tập trung đầu tư cho mô hình của mình phát triển đồng bộ, nên đành làm lắt nhắt do thiếu vốn”.
Trước mắt, Tam Giang Đông đẩy nhanh tiến độ an cư cho người dân bị ảnh hưởng do sạt lở nghiêm trọng, bởi số hộ cần di dời khỏi khu vực nguy hiểm cũng như hộ nghèo không đất sản xuất của xã rất lớn. Ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết: “Ngoài khu tái định cư Hố Gùi đã tạm ổn định, khu tái định cư mới dự kiến giai đoạn đầu sẽ bố trí cho hơn 200 hộ dân vào sinh sống, trong đó toàn bộ hộ dân ở khu tái định cư ấp Bỏ Hủ. Dự kiến đến năm 2025 sẽ bố trí tái định cư cho 718 hộ theo kế hoạch của xã”./.
Đặng Duẩn - Hoàng Vũ