ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 23-4-25 05:12:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Một ngày ở rừng

Báo Cà Mau Con đường nhỏ dẫn vào điểm du lịch rừng U Minh Hạ rợp bóng mát bởi những hàng cây ăn trái… được trồng thẳng tắp hai bên đường, mà theo lời anh hướng dẫn, mỗi độ trái chín là thơm nức mũi. Phía trái là con kinh nhỏ với dòng nước đỏ quạch như nước trà, còn phía phải là bạt ngàn rừng tràm xanh mát. Hít một hơi thật sâu, căng tràn lồng ngực, chúng tôi như rũ bỏ mọi bộn bề, ồn ào của chốn thị thành thường nhật.

Hay tin đoàn làm phim du lịch về rừng U Minh Hạ, chúng tôi đăng ký ngay vé “tháp tùng”. Con đường nhỏ dẫn vào điểm du lịch rừng U Minh Hạ rợp bóng mát bởi những hàng cây ăn trái… được trồng thẳng tắp hai bên đường, mà theo lời anh hướng dẫn, mỗi độ trái chín là thơm nức mũi. Phía trái là con kinh nhỏ với dòng nước đỏ quạch như nước trà, còn phía phải là bạt ngàn rừng tràm xanh mát. Hít một hơi thật sâu, căng tràn lồng ngực, chúng tôi như rũ bỏ mọi bộn bề, ồn ào của chốn thị thành thường nhật.

Anh Lê Quốc Lịnh, chuyên viên Phòng Du lịch - Giáo dục môi trường của Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Hạ, giải thích: “Không có nước đỏ, không phải là U Minh. Coi nước đỏ vậy chớ hiền lành, ngọt mát, nuôi dưỡng và sản sinh của các loài thuỷ sản nước ngọt có giá trị khoa học và kinh tế. Chút nữa, “cả nhà” (cách gọi thân thiện của hướng dẫn viên đối với đoàn) sẽ được ngồi vỏ lãi xé dòng nước đỏ ấy để len lỏi hơn 12 km trong những vạt hương tràm thơm ngát, nghe tiếng ong vo ve, tiếng chim lảnh lót”.

Du khách khám phá sự hoang sơ của rừng U Minh Hạ bằng phương tiện vỏ máy.

Theo anh Quốc Lịnh, khu rừng tự nhiên này, loài cây chiếm ưu thế là tràm, loại cây cao từ 10-20 m. VQG có 3 kiểu thảm thực vật chính: rừng tràm bán tự nhiên, rừng tràm trồng và trảng cỏ ngập nước theo mùa. Hệ thực vật ở đây gồm 176 loài; cùng với đa dạng các loài động vật: lớp thú 23 loài, nhiều nhất là heo rừng, khỉ, cầy hương, chồn… có nhiều loài trong Sách đỏ Việt Nam như: rái cá lông mũi, tê tê; lớp chim 91 loài, các loài quý hiếm: gà đẩy, gà soái, hạc cổ trắng, cò đen, diệc…; hơn 47 loài bò sát, lưỡng cư: rắn hổ mang chúa, trăng gấm… Hầu hết các loài động vật này đều nằm sâu hút trong rừng, nên khi du khách đến thăm, chỉ có thể thấy khoảng 3-4 loài chim, như: trích cồ, cò ma, cò lép, quốc.

Ðể dẫn chứng cho những điều vừa giới thiệu, anh hướng dẫn đoàn dừng xe, đi bộ vào một khoảng đường rừng chằng chịt những dây leo thuộc họ dương xỉ, dễ nhận biết nhất là dây choại. Ở đây, dây choại mọc thành rừng, chắc, dai và dài giống dây mây. Rừng tràm dày mịt bao nhiêu thì dây choại cũng theo đó đeo kín. Hồi xưa, hễ cất nhà, dựng cột, dừng vách, bện đăng, làm lọp, lờ… người dân xứ này đều dùng dây choại.

Mùa mưa này, đọt choại non mướt, thưởng thức món choại nhúng lẩu mắm, luộc hay xào mỡ tỏi là tuyệt hảo, đây có thể được xem là món rau rừng thời thượng. Nghe vậy, một thành viên đoàn hái ngay cả nắm.

Anh Quốc Lịnh cười, phân trần: “Trong này chỉ một nửa là đọt choại thôi, còn lại là dớn. Rất nhiều du khách đến vườn, thích tận tay hái rau rừng, nhưng chưa thể phân biệt đâu là đọt dớn, đâu là đọt choại”. Ðọt dớn không có lông, ăn vào sẽ bị đau bụng, còn đọt choại có nhiều lông tơ, kiến rất thích vì choại có vị ngọt.

Chắc phải ở đây đủ lâu, phải cùng ăn, cùng ở, cùng lặn ngụp ở cái xứ nước đỏ này đủ thấm tình thì mới thực sự hiểu cái gọi là rậm rạp, âm u của U Minh lại có nhiều điều thú vị để khám phá, để tận hưởng đến vậy, tôi nghĩ bụng. Tỏ vẻ lo lắng, anh bạn đồng nghiệp hỏi, “Nghe nói mùa mưa rừng vắt dữ lắm. Có ai thấy nhồn nhột, ngứa ngứa không?”.

Như tự doạ mình, mặt ai nấy đều căng thẳng. Anh hướng dẫn trấn an, ngày xưa nơi đây là khu vực nhiều muỗi, vắt và thú dữ. Dân gian mới có câu “Cà Mau khỉ khọt trên bưng. Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, hay vẫn nghe câu ca “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”. Còn nay, do có sự khai khẩn, sinh sống của con người, nên câu nói xưa chỉ còn là huyền thoại. Hiện, đoàn đang đứng ở vùng lõi của rừng, và đứng ở vị trí khô, sáng nay trời hanh nắng, nên có thể yên tâm.

Ðể có thể cảm nhận hết cái bạt ngàn của rừng, nhất định phải leo lên đài quan sát với độ cao 25 m, phóng tầm mắt ra xa. Chúng tôi thích thú khi tận hưởng cảm giác an nhiên giữa rừng, hít thở thật sảng khoái dưới vòm trời xanh và nhìn ngắm những tán rừng giàu sức sống. Những năm gần đây, VQG đón đông đảo những người yêu thích thiên nhiên đến khám phá và trải nghiệm. Hầu như đi du lịch đến vùng đất cực Nam Tổ quốc, du khách nào cũng mong muốn được một lần đến rừng U Minh mà mình từng được đọc, được xem trên phim ảnh.

Du khách Trà Ngọc Phong, đến từ Hà Nội, chia sẻ, đây là lần đầu ông đến thăm Cà Mau và đến rừng U Minh Hạ. Từ bé, ông được nghe kể, lớn lên ông được đọc rất nhiều về giai thoại của vùng đất hoang sơ này. “Ðặt chân đến nơi đây, thật tuyệt vời! Nếu được đầu tư tốt hơn, vùng đất này sẽ được cả nước và bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn, và sẽ làm điểm đến thú vị trên bản đồ Việt Nam”, ông Trà Ngọc Phong cho biết.

Anh Lê Quốc Lịnh thông tin, đến nay, VQG đã có quy hoạch phát triển du lịch, song, do chưa đầu tư dịch vụ nên vẫn giữ được nét hoang sơ trước nay của nó. Chính bởi chưa có sự tác động nên thiên nhiên nơi đây rất phong phú, đa dạng. Chỉ tính riêng năm 2015, VQG đón khoảng 18.000 lượt khách, những dịp lễ, Tết, vườn đón hơn 500 lượt khách/ngày đến tham quan, có cả khách đoàn và khách lẻ. Một số hoạt động dành cho du khách như: lên đài quan sát ngắm rừng bạt ngàn; đi bộ xuyên rừng tìm hiểu về những loài cây quý hiếm; tìm về các di tích kháng chiến xưa như hầm nuôi giấu cán bộ, xưởng công binh, trạm quân y… ; vi vu trên chiếc vỏ lãi len lỏi dưới những tán rừng; hoặc đơn giản chỉ là nằm vắt vẻo thư giãn trên những chiếc võng, đung đưa cùng gió trời, ngân nga vài câu hò, điệu lý…

Sau khi ghi hình, khám phá rừng, cả đoàn hào hứng tìm vào gian bếp để “học lỏm” vài món ngon dân dã, đặc trưng của xứ sản vật hào sảng này. Tự tay nướng cá lóc đồng trên than hồng là điều thú vị không thể bỏ qua, bởi theo chị bếp, cá nướng phải đều tay, lửa vừa, thi thoảng phải cạo đi lớp vảy cháy xém để cá được thơm, vàng ươm, thịt chín đều. Tại đây, còn rất nhiều loại đặc sản: cá trê, cá sặt, lươn, rắn, chuột… trữ sẵn để đáp ứng nhu cầu thực khách với cách chế biến mộc mạc, đậm hương vị đồng quê.

Du khách trải nghiệm tự chế biến những món ăn dân dã, đậm đà hương vị của rừng U Minh Hạ.     Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG

Mâm cơm nhanh chóng được bày trí đẹp mắt ở chòi lá dưới tán rừng tràm. Nồi lẩu mắm nghi ngút hương thơm với đĩa rau rừng, đọt choại, bông súng ma, lá cù nèo (kèo nèo)… bên cạnh là cá lóc nướng với đủ loại rau sống chấm với muối hột đâm nhỏ cùng ớt hiểm và ơ cá rô kho tộ thơm lừng. Còn gì thú vị hơn khi được thưởng thức bữa ăn đậm chất Nam Bộ trong rừng U Minh Hạ, dù đã no nê vẫn cứ muốn ăn tiếp. Chắc chắn, trong bữa ăn, phải có thêm chút chất cay nồng của rượu mật ong để lưu luyến mãi hương rừng.

Rời VQG U Minh Hạ khi trời chuyển bóng, đoàn làm phim đã hoàn tất công việc, và những người tháp tùng cũng đã ghi lại rất nhiều hình ảnh đẹp cho nhật ký hành trình. Cảm xúc đọng lại là cái tâm, cái tình dung dị của những con người làm du lịch gắn với công tác bảo tồn, phát triển rừng. Như lời chia sẻ của anh hướng dẫn khi rời chân: “Mọi thứ chỉ mới ban sơ, anh em chúng tôi vừa làm công tác phục vụ, hướng dẫn, kiêm tài công… Khi vào mùa phòng, chống cháy rừng, anh em cùng căng mắt canh lửa giữ rừng. Ở rừng, hiểu rừng, rồi thương rừng, ai cũng muốn phát triển du lịch để du khách biết đến, nhà đầu tư đến nhiều hơn để hạng mục, dự án nhanh chóng được tiến hành, nhưng vẫn phải giữ được màu xanh của rừng, màu nước đỏ au kia, và cả chất hào sảng của vùng đất huyền thoại này”./.

Ghi chép của Băng Thanh

Du lịch Cà Mau sôi động dịp nghỉ lễ

(CMO) Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, dù thời tiết khá bất lợi do mưa nhiều nhưng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất đông. Các điểm dịch vụ phục vụ khách tham quan chu đáo, an toàn, giá cả hợp lý, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Quảng bá du lịch bằng âm nhạc

(CMO) Ðể du lịch Cà Mau được quảng bá rộng và theo hình thức thú vị hơn, tiệm cận với giới trẻ hơn, một nhóm bạn trẻ đã triển khai những sản phẩm giới thiệu và làm mới hình ảnh Cà Mau với bạn bè khắp nơi bằng âm nhạc.

Khơi thông tiềm lực kinh tế du lịch

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh xem xét thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Nạp năng lượng cho con vào năm học mới

(CMO) Trong kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình đã đưa con đi du lịch hoặc rời thành phố về quê để các con được khám phá, trải nghiệm, bổ sung kiến thức trực quan sinh động, từ đó khuyến khích con học tập tích cực. Đây còn là dịp để gia đình gắn kết, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau: Phát huy kinh tế biển

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Hướng bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng

(CMO) Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCÐ) là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Với khách du lịch, DLSTCÐ tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Vì vậy, DLSTCÐ chính là nét tinh tuý của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Ðất Mũi bứt phá đầu tư hạ tầng du lịch

(CMO) Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đạt chuẩn đô thị loại V, đây là tiền đề để địa phương bứt phá phát triển. Cùng với lợi thế và tiềm năng du lịch sẵn có, Ðất Mũi đang được cấp trên đầu tư vốn để xây dựng các hạng mục trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Du lịch Cà Mau - Bài toán giữ chân du khách

(CMO) Trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du lịch Cà Mau tăng mạnh về số lượng du khách lẫn doanh thu, nhưng bài toán nan giải vẫn là câu chuyện duy trì sức hút và giữ chân khách du lịch sau đó.

Hướng đến du lịch thân thiện môi trường

(CMO) Thời gian qua, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, hướng đến du lịch thân thiện môi trường.

Tạo đột phá phát triển du lịch

(CMO) Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10-Ctr/HU của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, du lịch huyện Trần Văn Thời đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo đúng định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng.