ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 14:32:46
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mùa gặt

Báo Cà Mau (CMO) Sáng sớm nay, ba tôi lội bộ ra ruộng thăm hầm, rồi “na” về một giỏ nặng trịch cá đồng. Cá rô mề, cá lóc, cá trê vàng, cá dầy nhảy hầm… con nào con nấy mập ú, lặc lè, quậy sình đen bóng.

Minh hoạ: Kiều Loan

Mùa này, khi thảm lúa trên đồng đã chuyển màu vàng hực, nước dưới các con mương cạn dần, cũng là lúc lũ cá đồng kéo nhau về đìa để tránh bị chết khô.

Cá “đi” theo các con mương cạn tạo thành những đường mòn bóng lưỡng. Theo con đường ấy, xa xa một đỗi, ba tôi lấy cái hũ, cái khạp nhỏ, đào đất âm xuống làm hầm. Cá “lóc” tới hầm thì sa xuống, đêm nào cũng thu hoạch bộn. Cá nhảy hầm nhiều thấy mê, nhưng ít khi nào nhiều như sáng nay. Chắc nước đang rút nhanh, nên đàn cá cũng mau chóng “tản cư” cho kịp.

Ngoài giỏ cá, ba tôi còn đem về một nón lá đựng đầy rau đắng đất non xanh, còn ướt đầm sương đêm.

Lựa một con cá lóc bự cỡ cái… đầu gối, ba dặn má sai đứa nào trong nhà đi móc trái dừa khô, nạo vắt nước cốt nấu nồi “cháo tống”, rồi lựa thêm mớ cá làm đồ ăn bữa trưa, còn lại thì đem rọng vô mái, chờ đãi cánh thợ gặt. Chắc nay mai gì tụi nó xuống tới đây.

Má tôi nhìn bâng quơ ra cửa, nói với ba mà như nói một mình: “Phải rồi, đận này lẽ ra thợ gặt phải xuống tới rồi chớ!”. Ba cười xoà: “Thì chậm một hai bữa có sao. Dù gì thì lúa cũng chưa gặt được, xuống cũng phải đợi à”. Nhớ lại thời đó đâu có điện thoại liên lạc re re như bây giờ, nên chuyện đi đứng từ xứ này qua xứ kia dựa vào kinh nghiệm là chính. Có lúc tới ngay việc, cũng có lúc sớm hay muộn chút ít là chuyện bình thường.

Năm nay, hạn không gay gắt như năm ngoái. Còn độ hai tuần nữa tới Tết mà nước vẫn lưng kênh. Gió bấc đã tràn về từ mấy ngày qua, gốc mai vàng cổ thụ trước nhà trổ đầy vết “lang ben”, được ba trảy lá, sẵn sàng ra bông ngay Tết.

Mấy thằng con nít, mùa này da dẻ đứa nào cũng mốc cời, phần vì thời tiết thay đổi, phần vì sợ lạnh nên… ít tắm. Còn tôi, ngày nào làm xong việc lặt vặt của người lớn sai, tôi lại chạy ra ngồi vắt vẻo trên cây cầu khỉ ngoài kênh ngóng về hướng vàm sông, trông cánh thợ gặt từ Sóc Trăng xuống. Họ là những người bà con xa với gia đình tôi, năm nào xong xuôi mùa vụ cũng bắt xe đò xuống Cà Mau gặt mướn. Bà con đi thành từng tốp, quảy lỉnh kỉnh nào giỏ đựng quần áo, vòng gặt, cặp đập lúa cho tới cái nóp ngủ đêm.

Năm nào, lúa mùa cũng chín ngay Tết Nguyên đán, nên cánh thợ gặt thường ở lại ăn Tết với Cà Mau, có năm chỉ nghỉ 30, mùng Một rồi quảy vòng gặt tất tả ra đồng. Theo cái lệ đó, Tết năm nào nhà tôi cũng thêm năm bảy phần náo nhiệt. Bởi vậy, gần Tết là tôi cứ nôn nao, trông bà con xuống. Nhà đông đương nhiên vui, thêm cái tiện nữa là mỗi lần tôi làm chuyện gì sai, có nguy cơ bị đòn sẽ có người… nói đỡ.

Ba tôi và các anh trai trong nhà cũng là thợ gặt, thậm chí khi cần huy động lực lượng đông, làm cho xong việc sớm thì mấy bà chị dâu cũng sẵn sàng “xung trận”. Trong khi chờ bà con vùng trên xuống, ba tôi tranh thủ lôi mấy cái vòng gặt trong kho ra o bế lại. Lưỡi hái được mài, giũa bén ngót, nêm chặt rồi vô dầu chống sét. Cái vòng sắt bảo vệ bàn tay trên vòng gặt, được gia cố bằng đinh và quấn vải cẩn thận.

Tôi thích ngồi coi ba tôi làm những công việc ấy, thích sờ vào cái “cổ” mát lạnh của chiếc vòng gặt, chỗ ma sát với lá lúa, với gốc rạ lâu năm trở nên nhẵn bóng, lên nước, nhìn vô thấy cả hình người.

Tới ngày gặt, mọi người thức dậy lúc trời còn chưa sáng, ăn nhanh mấy chén cơm rồi kéo nhau ra đồng. Ngoài dân gặt mướn và chủ ruộng còn có mấy người hàng xóm qua gặt vần công, xong ruộng của người này thì qua ruộng người kia gặt tiếp. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng chọc ghẹo nhau vang cả ruộng. Trên bờ, mấy anh gặt rồi công sớm lên nghỉ tay, làm điếu thuốc gò bự chảng, rồi ngắm nghía xem ai còn việc nhiều thì xuống tiếp một tay. Thời đó, thanh niên, trai tráng, con gái cặp kê xứ tôi quanh năm sống với mảnh vườn, thửa ruộng, ai cũng thạo việc đồng áng như lòng bàn tay. Sau mùa gặt, ra Giêng là thấy vài cái đám cưới, đám gả và một cái nhà mới mọc lên. Cuộc sống cứ thế trôi đi, tuy không dư dả nhiều nhưng yên bình, vui vẻ.

Nhà nào cũng đông con, tuỳ theo sức vóc mà phân công việc cho phù hợp. Tôi nhỏ nhất nhà nên thường được phân công chống xuồng đem cơm ra ruộng. Không giống mùa cấy thắt ngặt đồ ăn, mùa này cá mắm bao la, bữa ăn của thợ gặt thường khá thịnh soạn với cá đồng, rau rừng, thỉnh thoảng có thịt chim trời dính bẫy.

Lúa gặt xong chất đống trên “cò”, những người không đi gặt có nhiệm vụ đem xuồng ra chở lúa bó về sân. Lúc này kênh mương đã cạn nên trên xuồng ưu tiên chất lúa, người đi chở phải dầm mình dưới nước kéo xuồng về nên công đoạn này được gọi là đi “lòi lúa”. Năm nào kênh kiệt nước, xuồng không đi được thì phải dùng dây cột 5-7 bó lúa lại với nhau rồi đội đầu, hoặc vác trên vai đem về. Nhà ít nhân công hoặc lúa trúng, lúa nhiều thì phải đi tìm trâu thuê kéo, gọi là “cộ lúa”.

Xứ tôi ít người có trâu nên khó mướn. Nhà nào sở hữu vài cặp trâu thì xem như có công ăn việc làm suốt mùa lúa chín, từ cộ cho đến đạp ra lúa hột. Những ngày có trâu cộ lúa, tôi và đám bạn hay chạy theo, hò reo rồi nhảy lên đi “ké” bận từ nhà ra ruộng. Cộ trâu làm bằng cây gỗ lớn, bào nhẵn, ráp lại với nhau, được leo lên cộ ngồi là thấy mình... oai phong như đi xe ngựa thấy trong các bộ phim trên cái ti-vi đen trắng coi ngoài đầu xóm. Chủ trâu cũng ít khi la rầy, bởi tới ruộng thì họ lại nhờ đám con nít kia tiếp khâu chất lúa lên cộ, coi như trả công. Lúa đem vô nhà, chất thành “ngố”, chờ qua Tết thì kêu máy về suốt ra lúa hột. Việc đồng áng, theo cái vòng vui vẻ ấy cứ quay từ giữa tháng Chạp cho đến những ngày Tết cổ truyền.

Gặp lúc đông ken, lúa gặt chẳng ngơi tay, nhưng cũng có ngày dân thợ gặt rảnh rang, không có việc. Bà con đảm đang, tháo vát lắm, ít khi chịu ngồi không. Những ngày không ra đồng, cánh phụ nữ thường rủ đàn bà, con gái trong nhà làm đồ trang trí, hoặc làm các món bánh dân gian ăn Tết. Ðàn ông, thanh niên không phụ việc nhà thì cũng ra vườn đẵn tre, chặt trúc đương nào xịa, nào thúng, nào giỏ. Tụi con nít thì được mấy cô bác lớn tuổi thắt cho những con chim, con cào cào bằng lá dừa ngộ nghĩnh làm đồ chơi.

Những miếng ruộng gặt xong, lúa hột đổ vãi là mồi ngon cho chim chuột xuống ăn, đồng thời là dịp để cánh thợ gặt trổ tài “cải hoạt”. Chỉ cần vài cái bẫy bằng tre đơn giản, ngày nào nhà tôi cũng có chim ăn. Cúm núm, ốc cao, trích ré, cò vạc, chằng nghịch… lớp nhốt trong lồng, lớp trói chân khớp mỏ treo lủ khủ trên vách nhà.

Ðêm xuống, chỉ cần một người cầm cây đèn măng-xông đi giữa, năm sáu người cầm cây roi cỡ ngón tay, dài tầm một thước đi dàn hàng ngang là có một cuộc săn chuột ra trò. Chuột đi ăn đêm, thấy đèn sáng thì kéo nhau chạy như từng bầy… gà con, chỉ cần cầm roi quất tới, đi một vòng là lượm được cả thúng chuột.

Chuột đồng mùa này mập tròn, béo ngậy. Ðem về làm sạch rồi chiên giòn hoặc bằm nhuyễn xào với lá cách là ăn tới quên thôi. Cơm nước xong xuôi, mọi người quây quần bên bếp lửa, ly trà, kể nhau nghe đủ thứ chuyện trên trời, dưới biển. Ai cũng vui vẻ tận hưởng những khoảng thời gian nhàn rỗi hiếm hoi, tận hưởng những ngày Tết cổ truyền ngắn ngủi để rồi trở về với vòng quay lao động. Gặt xong rồi đi suốt lúa, mưa xuống thì đi nhổ mạ, đi cấy mướn, lúa chín thì lại quảy nóp xuống Cà Mau.

Sản xuất bây giờ thay đổi, nông dân không còn làm lúa mùa mà chuyển thành hai vụ, thậm chí có nơi còn làm tới vụ ba. Xưa Tết ngay mùa lúa chín, giờ nhằm vụ đông xuân, lúa chỉ mới đứng cái, làm đòng. Kênh rạch hồi đó cạn nước, Tết vào vụ đìa bàu, cá mắm bao la, còn nay nước vẫn mênh mông, đìa phải qua tận tháng Hai, tháng Ba mới thu hoạch được.

Máy gặt đập liên hợp ra đời khiến thợ gặt thiếu việc làm, bà con phải tha hương kiếm cơm ở các tỉnh xa, trong các khu công nghiệp. Cánh thợ gặt Sóc Trăng cũng không xuống nhà tôi nữa. Chỉ có vài người nhờ duyên số mà làm dâu, làm rể Cà Mau, Tết thỉnh thoảng dắt con cháu lại nhà chơi, cùng ôn lại kỷ niệm của những ngày xưa cũ.

Ở nhà ba má tôi dưới quê, những chiếc vòng gặt vẫn được treo ngay ngắn trong kho, nhưng từ lâu đã không còn lưỡi hái. Chúng giờ đóng vai trò chứng nhân của một vùng trời kỷ niệm, nhắc nhớ về những ngày khi gió bấc hây hây thổi, tôi chiều chiều ra cây cầu khỉ trước nhà ngóng bạn phương xa./.

 

Tuấn Ngọc

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).