(CMO) Những ngày đầu tháng Chạp, không khí lao động rộn ràng, nhộn nhịp hẳn lên trên những cánh đồng lúa - tôm đã chín vàng. Ngay từ tờ mờ sáng, tiếng những người đi gặt lúa thuê cười nói vang cả con đường quê, kéo nhau xuống ruộng để bắt đầu một ngày thu hoạch lúa. Đàn ông tay cầm theo lưỡi liềm, phụ nữ theo sau cầm ca nước, xoong cơm. Chủ nhà thì chuẩn bị xuồng, xe kéo để chở lúa từ ruộng ra sân cho máy suốt.
Vợ chồng ông Nguyễn Trường Giang (Ấp 2, xã Khánh An, huyện U Minh) cùng với 2 cặp vợ chồng cùng xóm đi gặt thuê đã được mấy mùa lúa. Hễ có ai kêu là đi hết nhà này đến nhà khác.
“Con cái đi học xa, ở nhà chỉ có vài công đất nuôi tôm, đến mùa thì đi gặt mướn kiếm thêm tiền sắm sửa đón tết, 1 công gặt từ 350-400 ngàn đồng. Đi gặt tốn sức lắm, tranh thủ đi sáng sớm cho mát. Hết vụ lúa cũng gặt được 7-8 nhà”. Vừa trò chuyện, đôi tay vợ chồng ông Giang vẫn thoăn thoắt quơ bụi lúa, đưa cái lưỡi hái cắt gọn hơ.
Tới mùa thu hoạch, ở những vùng đất trũng, sình, máy gặt đập không hoạt động được nên mỗi mảnh ruộng sẽ có từ 4-5 người gặt thuê. |
Đang nói chuyện thì anh Nhum (Mai Văn Nhum, Ấp 9, xã Khánh An), chủ nhà đẩy vỏ lãi ra chở lúa. Năm nay anh Nhum sạ 20 công với giống lúa ST24. Anh Nhum nói với theo: “Xuống giống từ hồi tháng 8 âm lịch, mưa nhiều, lúa giống bị lấp, phải giặm thêm vài lần. Vụ lúa này khoảng 30 giạ/công, lái mua được 6.600 đồng/kg. Nếu trừ hết chi phí, vụ lúa năm nay lời khoảng 28 triệu đồng. Thu hoạch lúa xong là tát nước ra để chuẩn bị thu hoạch tôm càng xanh ăn tết”. Nói xong, ai nấy cũng cười rôm rả vì ông chủ nhà trúng mùa nên được “lên báo”.
Ghé thăm nhà ông Huỳnh Văn Lời (Ấp 9, xã Khánh An) lúc máy suốt lúa đã được phân nửa sân. “Làm vụ lúa trên đất nuôi tôm hơn 4 năm nay, với 13 công đất, mỗi vụ lúa thu hoạch được 38 giạ/công. Đất tốt, cải tạo thường xuyên, tôm nhanh lớn, ít thất vụ nào nên mỗi năm tôi thu được khoảng 150 triệu đồng”, ông Lời phấn khởi.
Chở lúa vào nhà. |
Trong tiến trình công nghiệp hoá nông nghiệp, hiện đại hoá nông thôn, máy móc cơ giới dần thay thế sức người cũng như các phương tiện sản xuất thủ công. Đó là xu thế tất yếu cho sự phát triển. Máy gặt đập liên hợp ra đời để giải quyết vấn đề nhân công và giảm bớt chi phí. Tuy nhiên, ở những vùng đất trũng thấp, sinh lầy, hình ảnh những cái khom lưng gặt lúa, mồ hôi nhễ nhại, máy suốt lúa bao đời gắn bó với đồng ruộng vẫn còn hiện hữu. Sau khi lúa chất đống trên sân, cả chục đàn ông, thanh niên theo máy suốt đến nhà để làm “vần công”.
Ông Tư Hiểu (Lê Văn Hiểu, Ấp 2, xã Khánh An) dành dụm đầu tư sắm máy suốt hơn 5 năm nay. Cứ đến mùa gặt là ông đẩy máy đi dọc theo con lộ đal, nhà nào mới gặt xong kêu vô thì ông Tư lấy tiền công mỗi nhà 12 ngàn đồng/bao lúa.
“Bây giờ không còn cảnh đập lúa như hồi xưa. Đưa vô máy suốt thì ra lúa riêng, rơm riêng rất nhanh, để nhà người ta có xài gì thì xài”, ông Tư cười./.
Bữa trưa trên đồng. |
Không khí suốt lúa rất khẩn trương, nhộn nhịp. |
Việc suốt lúa dễ dàng và nhanh hơn nhờ máy. |
Mơ Trịnh