(CMO) Về lại ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, các nhánh sông khô nước. Vùng này là nơi sinh sống của đông đồng bào dân tộc Khmer, cuộc sống của họ trước đây khó khăn nhưng khó mấy họ vẫn chăm chỉ làm ăn, phấn đấu phát triển. Vậy mà năm nay hạn hán khốc liệt, nhiều gia đình đành ngậm ngùi nhìn mùa màng thất trắng vì thiếu nước trầm trọng.
Chỉ về phía những cánh đồng, anh Kim Chí Nghĩa, Bí thư Chi bộ ấp Kinh Đứng B, lo lắng: “Mấy cô, mấy chú nhìn thử coi, đất nứt nẻ cỡ này thì cây nào sống nổi. Vùng này nổi tiếng những cánh đồng đậu xanh, nhưng nay bà con đành chịu thua lỗ vì thiếu nước tưới, nắng cháy da. Các hộ khấm khá còn chật vật huống hồ những hộ thuộc diện khó khăn. Sắp tới nắng kiểu này bà con chắc còn khổ lắm”.
Nhớ mùa đậu xanh
Là người dân tộc Khmer, hơn ai hết, anh Nghĩa hiểu những nỗ lực của bà con vùng đồng bào dân tộc nơi đây trong việc phấn đấu làm ăn, phát triển kinh tế. Ngoài làm lúa 2 vụ, bà con còn biết tận dụng đất trống mùa nắng để trồng thêm hoa màu, nổi tiếng nhất là trồng đậu xanh.
Anh Nghĩa kể: “Trồng đậu xanh lời bằng 3 lần trồng lúa. Nhớ mấy năm trước, 1 công đậu xanh trồng 2,5 tháng thu về 7-8 triệu đồng là chuyện bình thường. Nhà nào cũng phấn khởi, khấm khá nhờ đậu xanh. Những hộ không đất sản xuất đi thuê đất trồng đậu vẫn có lời, vì mướn mỗi công trồng mùa đậu chỉ tốn 500.000 đồng”.
Mảnh vườn của anh Trường gồng mình trong mùa hạn. |
Vùng ngọt hoá, đất đai màu mỡ nên cây đậu xanh bén rễ làm giàu cho nhiều hộ dân nơi đây. Với tổng số 36 hộ trồng trên diện tích hơn 29 ha, ai cũng vui ra mặt vì tính sơ sơ mỗi vụ cũng bỏ túi tiền triệu nhờ trồng đậu xanh. Nhiều gia đình dự định cất nhà cơ bản, thoát nghèo nên các hộ đều trông chờ mùa hạn đến để trồng đậu xanh. Ấy vậy mà mùa khô năm nay không như mong đợi. Khi các con sông bắt đầu trơ đáy, nhiều cánh đồng đất đai đã nứt nẻ từ rất lâu. Đất khô, nắng gắt nên cây đậu xanh không thể phát triển.
“Đất nứt nẻ như thế này thì cây đậu cũng thua chứ nói gì đến cây khác. Khô hạn quá nên rễ cây đậu bị chẻ làm đôi, rễ chết thì trái cũng coi như mất trắng. Khổ cho những hộ dân trồng ở đây, bao nhiêu hy vọng, vốn liếng chắc đổ sông đổ biển hết rồi. Chật vật vẫn là những hộ vay tiền trồng đậu xanh”, anh Nghĩa ngậm ngùi.
Ông Nghĩa chăm sóc những gốc cà còn sót lại trong mùa hạn. |
Anh Nghĩa là người có kinh nghiệm trồng đậu xanh nên phần nào hiểu những khó khăn của người trồng đậu mùa này. 10 công đất trồng đậu phải cần 60 kg đậu giống, rồi tiền phân thuốc, mướn người tưới nước, thu hoạch. Vậy mà năm nay 10 công đất chỉ thu hoạch được 15 kg, tính bình quân 10 công trồng đậu lỗ từ 10-15 triệu đồng.
Anh Nghĩa tâm tình: “Nhìn ruộng đậu xanh thất trắng ai mà không xót. Mới mùa năm trước thôi, bà con biết bao hy vọng về mùa đậu xanh. Thế mà năm nay đành nhìn cánh đồng trụi lá, thất mùa mà không biết làm gì hơn. Mùa màng thất bát lại thêm đợt dịch Covid-19, cách ly xã hội vừa rồi nên các hộ khó khăn càng khó khăn”.
Vượt khó bằng mọi cách
Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết đã đành, nhưng không vì thế mà người dân trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của địa phương. Mỗi gia đình đều phấn đấu vượt khó để ổn định sản xuất trong những ngày mùa khó khăn.
Gia đình anh Lưu Thanh Trường, ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng trước đây sống nhờ vào nghề trồng rẫy quanh năm. Cuộc sống không mấy dư dả nhưng đủ trang trải sinh hoạt và chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
Trên diện tích hơn 6.000 m2, anh Trường trồng từ 3-4 vụ dưa leo/năm. Với ý chí quyết tâm, nỗ lực vượt khó nên gia đình anh tự nguyện xin thoát nghèo vào năm 2017.
Anh Trường chia sẻ: “Trồng màu tuy vốn không nhiều nhưng nặng công chăm sóc. Đất của tôi không khi nào trống vì hết vụ này làm tiếp vụ mới. Thu nhập mỗi vụ trên 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Cuộc sống không khấm khá nhưng ổn định. Còn sức thì mình cứ lao động sản xuất thôi. Tự lo cho mình là bền bỉ nhất”.
Bà Bình cố gắng lo chuyện buôn bán để có nguồn thu cho gia đình. |
Tuy năm nay mùa dưa của anh Trường không đạt năng suất như mong đợi do nắng hạn, nhưng không vì thế mà anh nản lòng. Anh Trường nói: “Mùa trước khấm khá thì vui mừng, còn mùa này thất trắng, phải xài tiện tặn lại để giảm chi phí. Hạn hán, dịch bệnh gây khó khăn chung nên ai cũng chật vật chứ không riêng mình. Gia đình mình chưa đến nỗi nào, do vậy vợ chồng tôi an ủi nhau ráng phấn đấu vượt qua thời điểm này”.
Còn chị Trương Thị Bình (vợ anh Nghĩa) cho rằng: “Thời điểm khó khăn chung nên ai nấy đều chịu khó. Nước cạn, lộ làng sụp lún, mùa màng thất bát nên nhiều hộ gia đình khó khăn nay càng khó khăn. Thương nhất vẫn là những hộ không đất sản xuất, con cái đông càng khổ hơn. Gia đình tôi còn đỡ, không sản xuất mùa màng được thì chăm lo buôn bán nhỏ kiếm đồng ra đồng vô trang trải gia đình qua đại hạn”.
Tình hình khó khăn chung là vậy, khi lộ làng chia cắt, thu nhập kinh tế bấp bênh nhưng bà con nơi đây đều một lòng phấn đấu. Mùa rẫy buồn sẽ trôi qua khi trên các cánh đồng đón những cơn mưa đầu mùa dịu mát. Màu xanh của lúa, của hoa màu lại tô thắm trên những cánh đồng, nơi ấy có cả niềm hy vọng của người nông dân về một vụ mùa bội thu./.
Hằng My