ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 19:31:53
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Muốn vợ

Báo Cà Mau (CMO) Một đêm, trên doi sông có cây mù u mọc nghiêng ra mép nước, trăng sáng vằng vặc soi dập dờn những cụm bông trắng mờ, có đôi bóng người ngồi yên lặng. Người con trai như không biết nói gì: - Trăng sáng quá! Người con gái thở dài: - Mà cũng buồn quá phải không anh?

Minh hoạ: Hoàng Vũ.

Xóm nhỏ về đêm. Đôi bờ dừa nước viền một màu đen thẫm chạy dọc suốt tận chân trời. Dòng sông loang loáng trăng ngập ngừng trôi. Đâu đó tiếng chó sủa, vọng xa xa nhịp vọng cổ xuống xề của một đám cưới nhóm họ buồn thúi ruột.
- Mình về thôi anh.
- Về rồi mai mốt mình có gặp lại nữa không em?
- Em hổng biết nữa… Chắc vậy thôi anh.
Duyên đang tề bó lá dừa, nhóng lên nhóng xuống cho chặt, bó ẩu là bị má rầy. Con gái xứ này là vậy. Củi bửa xong phơi khô, xếp chồng từng lớp bằng trang trên kệ bếp, sau vách nhà. Thau, xoong cứ đám tiệc xong là chùi lau bóng hới, máng hàng hàng thẳng thớm. Người xứ này đi coi dâu cũng chỉ ngó nghiêng mấy chuyện đó, cho nên muốn lấy chồng thì con gái phải để ý, để tứ kẻo người ta “quánh giá”. Mới đận rồi, có đám bên Cây Mét qua nhà Duyên làm quen. Vậy mới có cái đêm bên gốc mù u. Từ bữa đó, Tánh cái mặt lúc nào cũng cúi gằm. Đi qua lại nhà Duyên hàng trăm bận mà mặt mũi cứ ngó láo liên ở đâu đâu. Tánh giận, nói Duyên tham phú, phụ bần. Tánh nói Duyên quên rồi những kỷ niệm của hai đứa.
Duyên cũng buồn lắm. Cái đám ấy Duyên cũng mới quen sơ sơ. Mà người ta qua làm quen, chớ chưa có đặt vấn đề gì hết. Lòng Duyên cũng đâu muốn. Vậy sao Tánh cứ giận hờn, như mình phản bội. Duyên siết cọng dây chuối thiệt chặt, lấy chân đè mối, buộc lại bó lá dừa mà lòng rối bời.
- Mình có lỗi gì đâu? Sao trách cứ, mặt nặng mày nhẹ quá trời. Bộ lòng “người ta” ra sao “người ta” không thấu.
Duyên chậc lưỡi, kệ. Giờ để lo cho đám cưới cái đã. Một cái đám cưới quê vui thiệt vui. Gió chướng về trên khắp triền quê. Xóm nhỏ chộn rộn chuẩn bị cho chế Thía xuất giá. Chế Thía là chế chị em bạn dì của Duyên. Chế đẹp, lại giỏi giang. Một tay chế chăm nom nhà cửa, bao luôn hai chục công đất lúa. Mùa đìa thì một tay cá mắm, cá khô, cá bán. Mùa Tết thì bánh mứt đăng đăng đê đê. Nền nhà đất tay chế quét nện, gọt lăn mà bóng ngời lên nước. Vô nhà mát lạnh, còn có thể thấy bóng người soi trên đó. Má hay nói với Duyên:
- Mày coi đó, chế mày mần gấp mấy lần người ta, còn mày làm biếng dài xương sống. Con gái con đứa gì tồng ngồng hổng biết mần thứ gì. Ế thấy mồ nghen con!
Những lúc ấy, Duyên cứ rúc vào lòng má, rồi ôm thiệt chặt:
- Má lo gì, con gái má người ta xếp hàng dài dài chớ bộ.
Đám cưới quê. Người ta chuẩn bị trước lâu lắm. Cánh phụ nữ tỉa cắt giấy kiếng, giấy màu ra hàng đống bông tua rua để treo đầy nhà. Trước đó, mấy chị khéo tay cắt thêu màn rèm buồng cưới. Gần tới ngày đám, thanh niên trai tráng hì hụi chặt cà bắp, đọt dừa non, bông đủng đỉnh để dựng và trang trí rạp. Chưa hết, người ta bơi xuồng khắp con kinh nhỏ để mượn lỉnh kỉnh nào ván ngựa, nào xoong, nào lẩu. Mấy bà, mấy chị nướng bánh gần suốt đêm. Duyên thích nghe những câu chuyện trong đêm rì rầm. Dù rằng chuyện trời ơi đất hỡi không à. Nhưng trong đêm khuya, cơn ngủ chập chờn, những giọng nói ấy sao mà ấm áp, thân thương và có sức cuốn hút lạ kỳ. Đúng là mấy bà, mấy má, mấy chị giỏi thiệt. Chuyện gì cũng biết mần, cũng biết tính xa.
Vui nhất có lẽ là tụi con nít. Tụi nó lúc nào cũng nhảy cà tưng, chạy giỡn mướt mồ hôi. Có đứa rình mấy bà nướng bánh, rình chảy nước miếng, lụm được miếng nhưn chạy tuốt ra bờ chuối ngồi ăn ngon lành. Có đứa chưa tới đám đòi má mặc cho được bộ quần áo “vía”, xui sao bị mấy đứa nhỏ khác đạp lọt dưới sông, ướt tèm nhem, khóc mếu máo. Vui nhất tất nhiên là chiều nhóm họ. Nam nữ mới lớn như Duyên, như Tánh sẽ ăn bận thật đẹp, lòng khấp khởi và lo lắng. Đêm nay, mình gặp được người ta.
Duyên biết Tánh từ nhỏ. Đàn ông gì ít nói, mần thì chết bỏ. Giận là nước cục. Còn hát vọng cổ thì sao mà buồn quá khứ. Thiệt ra, chính giọng hát của Tánh, chính cái nết một là một, hai là hai của Tánh đã khiến trái tim Duyên rung động. Duyên mắc cười hoài hôm tát đìa nhà Duyên. Tánh tới từ sớm, ùng ùng vét cỏ, mò cá, gánh cá mà không nói với ai lời nào. Có ai chọc nói “con rể mần quá trời mần”, chỉ cười lộ răng rồi lại cắm cúi làm tiếp. Duyên chạy ra vô, bưng ca nước, mâm cơm, ngó xéo mà Tánh cũng chẳng có phản ứng gì. Đang ngồi ăn cơm, anh Méo cắc cớ chọc:
- Ê Tánh, quần mày lủng đáy đốt đèn không cháy kìa con!
Tánh ngó mặt Duyên đang đứng đối diện, mặt đen nhẻm sình mà vẫn đỏ lựng lên thấy rõ. Chẳng hiểu sao, cái quần rách thiệt, Tánh quay đầu bỏ chạy nước một, cả tuần lễ sau không dám đi khỏi nhà.
Rồi hôm gánh hát về quê. Cả đồng đất Xóm Ruộng đỏ đuốc đi coi. Tánh có hẹn với Duyên cùng lứa bạn lội bộ xuống đập Ngã Ba, nơi gánh hát diễn. Tan đêm hát, trăng non lấp ló trời khuya. Lũ bạn chẳng nói chẳng rằng tách Duyên và Tánh lọt lại phía sau. Tánh cầm đuốc, đi ào ào. Duyên hỏi:
- Bộ ma đuổi anh Hai hả?
- Hổng phải ma, mình đi riết về, khuya rồi.
- Tui thân con gái hổng sợ, anh sợ gì?
- Tui có sợ gì…
Duyên vấp gốc mù u, chúi nhũi. Tánh quăng bỏ bó đuốc lá dừa, hai tay vòng ngang eo thiếu nữ. Sao hồi hộp quá. Duyên thở đứt quãng, Tánh tay như hoá đá. Cái gốc mù u thiệt là kỳ cục. Trong bóng tối lờ mờ từ tàn đuốc hắt lại, Tánh hỏi Duyên:
- Cô Ba có hiểu lòng tui không?
- Hiểu gì anh Hai, tui có biết gì…
- Sau này, tui sẽ ráng mần để lo cho cô Ba.
- Cô Ba nói gì tui cũng nghe hết…
Duyên vùng khỏi vòng tay Tánh, vòng tay rắn chắc, hừng hừng nhựa sống của chàng trai lực điền.
- Anh nói vậy thôi, sau này ai biết được…
Hai đứa ngồi bên doi sông. Chỗ cây mù u trái xanh tròn. Cũng chỉ yên lặng ngó trời, ngó sông. Bất chợt tiếng lủm tủm mới đầu còn thưa, sau liên tục. Duyên hốt hoảng hỏi Tánh:
- Gì vậy anh Hai, có ma anh Hai ơi!
Cô choàng tay qua ghì chặt cổ Tánh, Tánh nghĩ ai đang chọc phá gì đây. Từ lùm cây ven đường bên kia, tiếng cười hí hí rộ lên. Tánh đứng dậy la lớn:
- Tụi quỷ chọc ghẹo hoài nghen.
Tiếng chân chạy bình bịch, tiếng cười rộ và mấy câu đứt quãng:
- Bắt gặp rồi nghen Tánh ơi, Duyên ơi, tao về méc ba má tụi mày.
Tánh giậm chân bành bạch la làng:
- Tao thách tụi mày đó. Tao thiệt lòng với Duyên…
Tiếng chân xa rồi, tiếng người vẫn còn rớt lại:
- Mày chân chính hay chân giả, ai mà biết.
Duyên im lặng nãy giờ, lên tiếng:
- Về thôi anh.
Đêm đám chế Thía, Tánh không hát vọng cổ mà uống rượu đế ừng ực. Ai hỏi cũng không nói gì. Người tới làm quen Duyên cũng có mặt ở đám. Nhìn đôi mắt Tánh, Duyên sợ có chuyện không hay. Đám gần tàn. Mắt Tánh đỏ lòm. Tánh đi lùi lũi về phía Tẻo (người muốn cưới Duyên), đưa ly rượu lên cao:
- Ê, ông bạn, uống với tui một ly
- Tui uống hết nổi rồi…
Chỉ vậy thôi mà Tánh quăng ly cái rổn, nhảy tới thụi người ta túi bụi. Cả đám nhốn nháo can ngăn. Tẻo bị đánh bầm mắt, Duyên kéo ra kêu về. Tánh hăng máu cứ chồm chồm theo:
- Để tao cho nó biết trai Xóm Ruộng thế nào?
Trong bụng Duyên buồn quá. Ai dè người hiền lành lại cộc cằn như vậy. Đám của chế Thía mà còn mượn rượu quậy. Duyên chạy lại, nhìn thẳng mặt Tánh nói:
- Anh Hai bậy bạ quá trời. Tui hết lời nói với anh rồi.
Tánh về. Mấy ông già lại quây quần bên bộ ván đờn ca tài tử. Phía trên là mấy ông sồn sồn đánh bài cách tê uống rượu.
Tưởng vậy là xong, ai dè sáng sớm hôm sau đang làm lễ, người ta hớt hơ hớt hãi báo tin:
- Thằng Tánh uống thuốc chuột tự tử bà con ơi.
Duyên nghe tin mà muốn chết đứng. Con người gì đâu liều mạng, cố chấp và mù quáng quá chừng. Duyên chợt nhớ tới câu Tánh nói:
- Không lấy được em tui chết còn hơn.
Bệnh viện súc ruột, truyền nước, Tánh tỉnh lại, nhưng không chịu ăn uống. Má Tánh đành tới nhà ba má Duyên.
- Anh chị cho cháu Duyên nó ra với thằng Tánh. Nó nói không có Duyên nó nhịn đói tới chết. Khổ tâm quá anh chị ơi, có con mà tui nói hổng được.
Lòng giận lắm, nhưng Duyên cũng đi ra bệnh viện. Trước khi đi, Duyên viết một bức thơ gởi cho Tánh. Tánh gặp Duyên, gương mặt đầy hối hận. Tánh khóc. Duyên thấy vừa tội nghiệp, vừa tức tối.
- Xin lỗi Duyên. Tui khùng quá.
- Thôi anh ăn cháo cho khoẻ. Tui có bức thơ gởi anh. Anh đọc rồi hiểu.
Tánh xuất viện trở về. Lại lầm lũi đồng áng, việc nhà. Một bữa đào đất, cái cán gãy bụp, tía hỏi Tánh:
- Mày tức ai, giận ai mà làm tía má khổ quá con ơi. Lỡ mày chết rồi tía má biết làm sao!
Tánh nhìn thẳng vào mắt tía nói:
- Tía, con muốn chết thiệt, nhưng nghĩ lại, con chỉ lấy thuốc chuột thoa thoa bên ngoài không hà. Tía, con muốn vợ. Tía hỏi Duyên làm vợ con được hông tía?
Ông già nín thinh nhìn con. Ông lại nhớ tới mình. Hồi đó muốn vợ cũng lội sạt bờ, sạt bụi.
- Ờ, thì cái gì cũng từ từ. Mà biết người ta có chịu không?
Gió chướng lại về. Nhà Tánh sang nhà Duyên để làm quen. Bên Tánh đem cặp vịt, mấy lít rượu, mớ trái cây vườn. Trên mâm trên, người lớn gặp nhau, tía Duyên nói:
- Tui nói thẳng, đặng lòng trước, mất lòng sau, thằng Tánh xứ này ai cũng biết giỏi giang, mà cộc tánh quá.
Má Duyên tiếp lời:
- Tui sợ cái tính của thằng Tánh, thẳng tưng à, mà con Duyên nhà tui còn khờ dại quá.
Tía má Tánh biết rằng, nhà người ta sợ cái tánh cộc lốc, liều mạng và bất chấp của con trai mình. Tía Tánh gọi Tánh lên. Tánh mặt lấm la lấm lét lên nhà trên. Tía Tánh nói:
- Giờ mày hứa đi. Sau này mà mày còn quậy tầm bậy tầm bạ nữa thì tính sao?
Tánh đứng như trời trồng. Miệng khô ran, lưỡi cứng đờ.
- Dạ, con hứa, con hứa sẽ bỏ tật.
Nhìn tướng của Tánh, cả bên nhà gái cười cái rần. Gì đâu mà cúm giò, cúm cẳng. Vậy mà thụi người ta. Vậy mà uống thuốc tự tử. Tía Duyên hỏi:
- Bữa đám sao cháu làm vậy?
Tánh nói lí nhí:
- Dạ, tại con thương Duyên quá, con sợ vậy là mất Duyên rồi.
Ở bên trong rèm, Duyên cười muốn ôm bụng nhưng mắt cũng ngân ngấn nước. Nhưng mà Duyên còn giận, Tánh làm như vậy là quá đáng.
Tía Duyên nhẹ giọng:
- Anh chị bên nhà cũng từ từ. Thằng Tánh và con Duyên có thành hay không là do bản thân tụi nhỏ. Người lớn chúng tôi đâu có hẹp lòng hẹp dạ gì. Con Duyên đâu?
Duyên đang núp ló, bị kêu lên thì điếng hồn.
- Ý con tính sao?
Đứng thiệt lâu, Duyên bẻ tay bẻ chân nói như sắp đứt hơi:
- Dạ, con đâu biết.
Chỉ vậy thôi mà má Duyên đỏ lựng, Duyên gấp gáp quay vô nhà sau, mà chạy thì đúng hơn. Tánh ngó thấy, lòng dạ vui như Tết.
Bữa làm quen đó, người ta bàn thiệt nhiều về những chuyện sắp tới. Mấy ông già cặp cổ Tánh mà cười khề khà:
- Muốn vợ quậy hả mậy? Mai mốt sửa tánh tình đi nghe.
Duyên rửa chén, mắt ngó lên cao. Én liệng vui quá chừng, trời xanh và gió xuân lồng lộng. Mâm rượu trong nhà vọng ra giọng tươi rói:
- Mấy thằng muốn vợ vậy đó con ơi…

Truyện ngắn của Phạm Quốc Rin

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.