(CMO) Nhìn cơn mưa nặng hạt những ngày giữa tháng 9 chưa có dấu hiệu giảm do ảnh hưởng của cơn bão số 5, ngư dân Bảy Vĩnh thở dài ngao ngán: “Ðã 3, 4 ngày rồi, mưa đâu mà mưa hoài, kiểu này là “đói” chứ không phải chơi”.
Có lẽ từ “đói” theo lời của ngư dân Bảy Vĩnh là hơi quá, nhưng khó khăn, thiếu thốn là điều đang diễn ra đối với ngư dân sống bằng nghề khai thác ven bờ hiện nay. Bởi họ đang chịu tác động “kép” từ đại dịch Covid-19 làm giá cá, tôm giảm thấp và đang trong mùa mưa bão. Câu chuyện mưu sinh của những ngư dân ven biển giờ đây càng nhọc nhằn, hiểm nguy gấp bội.
Nối nghề cha, anh Bảy Vĩnh (Nguyễn Hữu Vĩnh) được sinh ra và lớn lên chính bằng nguồn tài nguyên biển ven bờ dọc theo khu vực từ Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh đến huyện Trần Văn Thời. Như hầu hết bà con mưu sinh bằng nguồn lợi ven biển khác từ Tây sang Ðông, gia đình anh Bảy Vĩnh cũng thuộc hộ di dân tự do, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Do không có đất sản xuất nên phần lớn cuộc sống gia đình phụ thuộc vào sự hào sảng của biển cả theo từng con nước.
Chỉ mới bước qua tuổi ngoài 40 nhưng anh Vĩnh đã có thâm niên hơn 25 năm mưu sinh trên vùng ven biển Tây này. “Khoảng 14, 15 tuổi gì đó đã theo cha ra biển mưu sinh, dọc theo mé biển từ Tiểu Dừa đến tận Sông Ðốc của huyện Trần Văn Thời, không có khu vực nào mà mình chưa từng đến. Vất vả mấy mươi năm, vậy mà khi nhìn lại vẫn chưa có gì, vẫn không thể thoát khỏi cảnh làm ngày nào ăn ngày đó”, anh Vĩnh đưa mắt đảo một vòng căn nhà, thì thầm chia sẻ.
Ngay khi vào mùa mưa, gia đình anh Vĩnh đã chủ động chằng chống, gia cố căn nhà, tuy nhiên vẫn chưa thể giúp anh yên tâm. “Do cơ bản là nhà tạm, nên dù gia cố cỡ nào cũng không thể chắc chắn được, chỉ có thể chống chịu với mưa gió bình thường, còn khi có bão hay gió giật thì khó trụ được lắm, nhất là trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay”, anh nói.
Không riêng gia đình anh Vĩnh, theo thống kê, toàn huyện U Minh hiện có khoảng 7.744 căn nhà bán kiên cố và nhà tạm. Theo kế hoạch sơ tán dân khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ vào địa bàn huyện, thì số dân cần di dời trên 3.374 người nếu trường hợp bão dưới cấp 10. Còn nếu xảy ra trường hợp bão từ cấp 10 trở lên, thì tổng số dân cần di dời tại chỗ và sơ tán là 31.645 người. Trong đó, xã Khánh Tiến cần sơ tán dân tại chỗ 4.000 người, sơ tán dân đi nơi khác là 121 hộ với 525 người; xã Khánh Hội sơ tán dân tại chỗ 6.996 người, sơ tán dân đi nơi khác là 2.092 hộ với 6.590 người.
Tại cửa biển vàm Ba Tỉnh, phương tiện khai thác nhỏ ven bờ chiếm đa số. |
Do tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tình trạng dông lốc cục bộ thường xuyên xảy ra gây đổ sập nhà cửa, tình trạng sạt lở cửa biển, cửa sông ngày một nghiêm trọng… Ngoài ra, tại một số cửa biển trong tỉnh, không ít hộ dân vẫn đang sử dụng các loại phương tiện nhỏ, trang bị thô sơ để hoạt động đánh bắt, khai thác thuỷ sản. Thực tế này càng làm gia tăng mức độ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân, nhất là cư dân sống ven biển.
Mưa dông những ngày qua cũng đã làm sập 1 căn nhà và tốc mái 3 căn nhà của 4 hộ dân trên địa bàn Ấp 2, xã Khánh An, huyện U Minh, nâng tổng mức thiệt hại về tài sản do thiên tai từ đầu năm đến nay trên toàn tỉnh lên đến trên 8,2 tỷ đồng. Ðau lòng hơn, thiên tai đã làm 3 thuyền viên mất tích trên biển, 3 người chết, 5 người bị thương, 4 tàu cá và 1 sà lan bị chìm. Bên cạnh đó, nhiều diện tích lúa, hoa màu, nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại và ảnh hưởng do bị ngập, tràn và hơn 829 căn nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng...
Thiệt hại về tính mạng, tàu thuyền, nhà cửa là câu chuyện quá rõ ràng mỗi khi có dông, lốc bất ngờ xảy ra trên biển. Tuy nhiên, vì cuộc sống, nhiều ngư dân ven biển vẫn bất chấp nguy hiểm, ngày đêm bám biển để mưu sinh. Tại nhiều cửa biển nhỏ dọc từ Tây sang Ðông trên địa bàn tỉnh, vẫn còn hàng ngàn phương tiện nhỏ đang hoạt động nghề đánh bắt thuỷ sản với các nghề chủ yếu là lưới rê, lưới ghẹ, đặt lú bát quái và ốc mực mé.
Tại khu vực cửa biển Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, nơi hiện có gần 100 phương tiện khai thác ven bờ, đời sống người dân nơi đây đa phần cũng lâm vào tình cảnh khó khăn và chấp nhận đánh đổi sự hiểm nguy lấy “cơm ăn, áo mặc”. Anh Trần Văn Út (ấp Kinh Hòn) bộc bạch: “Chủ yếu là sáng đi, chiều vào, các thành viên tham gia khai thác chủ yếu là người trong gia đình, vợ chồng và con. Trên tàu thường trang bị áo phao, can; thông tin liên lạc là điện thoại. Dù biết nguy hiểm, nhưng không làm thì lấy gì sống. Vốn đã khó khăn lại thêm dịch bệnh, suốt thời gian qua có làm ăn được gì đâu, khai thác đã không có, mà giá thành sản phẩm lại giảm sâu”.
Do tự phát và nhỏ lẻ nên những phương tiện thuộc diện này thường không được đăng ký, đăng kiểm, hoạt động một cách lén lút, từ đó mức độ nguy hiểm càng tăng cao.
Thời gian qua, nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra đối với cư dân sống ngoài đê biển, ven biển, ngành chức năng tỉnh đã cho xây dựng nhiều khu tái định cư, định canh; xây dựng kế hoạch, phương án theo từng cấp độ rủi ro thiên tai, đối với từng loại thiên tai, sơ tán dân tránh trú bão; hướng dẫn người dân cách chằng chống nhà cửa… Tuy nhiên, để những cư dân sống ven biển không còn canh cánh nỗi lo khi mùa mưa bão đến, thì cần có các mô hình sinh kế bền vững, chuyển đổi nghề… nhằm góp phần vào công tác giảm nghèo và thực hiện thắng lợi mục tiêu trong kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo mục tiêu của kế hoạch này, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân tăng 7%/năm; trong đó, các ngành kinh tế biển, thuần biển đóng góp khoảng 40-45% tổng thu ngân sách của tỉnh. Theo đó, thời gian tới, tỉnh tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, bao gồm cả hạ tầng các đô thị ven biển, ưu tiên đầu tư xây dựng trên đường bộ kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển liên kết vùng; các tuyến vận tải đường biển kết nối Cà Mau với các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, các cụm đảo, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, đảo. Trong đó, tập trung đầu tư và nâng cấp để phát triển đô thị Sông Ðốc và đô thị Năm Căn trở thành đô thị loại III vào năm 2025; phát triển đô thị Sông Ðốc trở thành đô thị mạnh về kinh tế biển vào năm 2030.
Phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đến năm 2030 hình thành khu, cụm du lịch. Trong đó, Khu du lịch di tích Hòn Ðá Bạc, Khu du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch đầm Thị Tường, Khu du lịch Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau... sẽ là những điểm nhấn để cư dân ven biển chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế bền vững, hạn chế rủi ro khi xảy ra thiên tai cũng như xâm hại tài nguyên biển./.
Nguyễn Phú