(CMO) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, cụ thể, đồng bộ với những quy hoạch ngành khác ổn định lâu dài là giải pháp quan trọng và đầu tiên để công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh thuận lợi, hiệu quả. Khi công tác quản lý đất đai hiệu quả, đúng quy hoạch thì khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư… sẽ được tháo gỡ.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, định giá đất cụ thể, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất và công tác kê khai đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ lần đầu… là những công việc rất khó khăn, phức tạp, cần rất nhiều thời gian, công sức, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến ấp, khóm.
Nâng chất các quy hoạch
Công tác giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp đô thị TP Cà Mau giai đoạn II có khối lượng rất lớn, nhất là công trình xây dựng kè theo tuyến sông Cà Mau. |
Từ thực tế thời gian qua cho thấy, để công tác quản lý đất đai đạt hiệu quả, chính quyền địa phương giữ vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt, chính quyền cơ sở tăng cường công tác quản lý để xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản xây dựng, vật nuôi và cây trồng trên đất nhằm mục đích trục lợi khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo đó, Phó giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường Huỳnh Thanh Dũng nhận định, trước tiên các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng quy hoạch. Từ đó, gắn quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa kế hoạch phát triển kinh tế, phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với kế hoạch sử dụng đất hàng năm để nâng cao tính khả thi, tính thực tiễn và hiệu quả sử dụng đất.
Thiếu quy hoạch, chất lượng quy hoạch chưa đạt yêu cầu và công tác quản lý theo quy hoạch nhiều lúc hạn chế còn kéo theo nhiều khó khăn khác khi giải toả di dời thực hiện dự án. Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Phương Bình dẫn chứng, để xây dựng các tuyến đường trong khu vực nội ô thị trấn, nhiều hộ bị giải toả trắng nhưng huyện lại không có quỹ đất để xây dựng các khu tái định cư cho người dân. Từ đó, rất khó để vận động người dân bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện dự án.
Nhờ tăng cường vai trò quản lý cơ sở nên công tác giải phóng mặt bằng công trình đường trục chính Đông - Tây, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi thuận lợi. |
Từ thực tế đó, ông Bình kiến nghị, cần có chính sách hỗ trợ các huyện xây dựng các khu tái định cư để di dời các hộ dân bị giải toả. Đồng thời, để công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng đạt hiệu quả từ thực tiễn của huyện cho thấy, cần tiến hành chia nhỏ nhóm có người phụ trách theo từng vấn đề cụ thể, có như vậy mới có thể bàn bạc sâu khó khăn để đưa ra giải pháp hiệu quả và hợp lý.
Để hạn chế tình trạng người dân khiếu nại trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng, Phó giám đốc Ban quản lý khu Kinh tế tỉnh Hứa Minh Hữu cho rằng, cần sớm điều chỉnh Quyết định 19 của tỉnh, bởi quyết định này ra đời từ năm 2017 đến nay có nhiều nội dung quy định không còn phù hợp. Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn, cần thiết thì Bí thư, Chủ tịch huyện phải vào cuộc tham gia đối thoại với dân để giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh ngay từ đầu. Bởi, có những dự án chỉ còn vài hộ nhưng kéo dài có khi 2-3 năm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm
Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… là giải pháp quan trọng. Theo ông Huỳnh Thanh Dũng, rất cần UBND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng và ban hành quy trình về trình tự, thủ tục thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, thời gian thực hiện từng bước, hồ sơ kèm theo...
Ngoài ra, ông Dũng còn cho rằng, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị có liên quan trong công tác quản lý đất đai ở cơ sở và cả trong việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Đối với các phương án bồi thường, hỗ trợ đã làm giá đất đúng quy định, tính toán theo hướng có lợi nhất cho người dân, nhưng người dân vẫn không hợp tác, phải củng cố hồ sơ chặt chẽ, khi cần thiết phải tiến hành các biện pháp hành chính theo quy định.
Ý thức của người dân là yếu tố quan trọng trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng. Để người dân hiểu và tự giác bàn giao mặt bằng khi triển khai thực hiện dự án cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Trong đó, cần có sự phối hợp thực hiện để chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giải phóng mặt bằng đến tận cán bộ, đảng viên và các tầng lóp Nhân dân. Từ đó, tạo sự đồng thuận, tin tưởng, tự giác trong tổ chức thực hiện, nhất là người dân có đất nằm trong vùng dự án.
Riêng đối với công tác chỉnh lý, cấp đổi GCNQSDĐ, ông Dũng cho rằng, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thông báo, niêm yết công khai và tiếp tục tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình, cá nhân có đất thuộc khu vực, vị trí được phép chuyển dịch từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất nuôi trồng thuỷ sản, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác để người sử dụng đất thực hiện đăng ký chỉnh lý, cấp đổi GCNQSDĐ đúng hiện trạng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hồ sơ đo đạc thành lập bản đồ địa chính.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm giữa đơn vị thực hiện đo đạc, lập hồ sơ phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thành phố, các cấp uỷ Đảng và hệ thống chính trị các cấp, người dân để có sự công khai, minh bạch. Từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Trong đó, theo ông Dũng, cần phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị. Trong tuyên truyền, quan tâm ý thức nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành chủ trương thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn quản lý./.
Tại hội nghị chuyên đề “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh” vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhận định, chỉ có Sở Tài nguyên và Môi trường làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không là chưa đủ, mà các ngành chức năng có liên quan cũng phải làm tốt công tác quy hoạch ngành của mình. Để từ các quy hoạch đó tích hợp vào quy hoạch sử dụng đất của tỉnh. Có như vậy mới phát huy hiệu quả. |
Nguyễn Phú