(CMO) Công tác bảo vệ môi trường là yêu cầu tiên quyết đối với các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tại tỉnh Cà Mau nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung, các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc xoáy, ngập lụt, xói lở bờ biển, bão và áp thấp nhiệt đới, hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.
Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu cho một số liên hiệp hội (LHH) các tỉnh ĐBSCL và các Hội thành viên thuộc LHH tỉnh Cà Mau” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cà Mau tổ chức vào sáng 21/12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân nhìn nhận: “Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên môi trường sản xuất ô nhiễm, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm ngập mặn ngày càng diễn biến bất thường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là do nước thải từ các khu công nghiệp, khu dân cư, từ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là nước thải từ nuôi tôm siêu thâm canh chưa được xử lý”.
Rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn chưa được xử lý tốt. |
Ông Lê Duy Tiến, Phó tổng thư ký LHH Việt Nam, cho biết: “Các vấn đề liên quan đến biến đổ khí hậu và môi trường diễn biến phức tạp. Công tác tư vấn, giám sát và phản biện xã hội sẽ có đóng góp quan trọng, kịp thời đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về các thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, các địa phương cần đánh giá và nhìn nhận một cách khách quan và thực tế về những vấn đề môi trường để trao đổi, bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm tư vấn, giám sát và phản biện xã hội”.
Tại Cà Mau, từ năm 2011-2018, LHH tỉnh Cà Mau đã triển khai, thực hiện phản biện, giám định 33 dự án. Trong đó, phản biện 14 dự án, giám định 19 dự án. Nội dung phản biện và giám định chủ yếu tập trung 3 nhóm nội dung chính: quy hoạch, chương trình, dự án công trình. Trong đó có dự án chuyên về giảm thiểu thiệt hại và ứng phó với biến đổi khí hậu như các dự án xây dựng kè chống sạt lở ven biển.
Xây dựng kè chống sạt lở ven biển tại Cà Mau. Ảnh:N.Phú |
Từ góc nhìn về các khó khăn trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu tại TP. Cần Thơ, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (LHH TP. Cần Thơ) cho biết: “Những lĩnh vực được quan tâm là chất thải của các ngành công nghiệp, giao thông, hầu như rất ít về hoạt động nông nghiệp và sinh hoạt. Trong khi đó các hoạt động sinh hoạt và nông nghiệp lại sản sinh ra nhiều chất thải và đôi khi độc hại hơn cả công nghiệp. Các công trình lớn có khả năng gây ô nhiễm nặng nề thường đã được chủ trương cho phép ở cấp cao. Thậm chí được cho phép xây dựng và sản xuất thử trước khi thông qua các đánh giá về mặt kinh tế - xã hội và môi trường, hoặc được đánh giá về môi trường nhưng cũng rất sơ sài, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể hầu như không có”.
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, Thạc sĩ Hứa Chu Khem (LHH Sóc Trăng) đề xuất: “Các giải pháp nếu được nên đưa nguồn phế phẩm, chất thải hoặc năng lượng thải trở thành nguồn nguyên liệu cho công đoạn sản xuất khác. Chọn các giải pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thải”./.
Kim Chi