Dự án UN-REDD II tỉnh Cà Mau đang triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho người dân và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ rừng để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án UN-REDD II tỉnh Cà Mau đang triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho người dân và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ rừng để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Hoàng Oanh, ở ấp Bỏ Hủ, xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn, cho biết: “Cuối tháng 6 vừa qua, tôi được tham dự buổi tập huấn nâng cao nhận thức về REDD+, biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển rừng do Ban Quản lý Chương trình UN-REDD II Cà Mau tổ chức. Tôi nhận thấy rất hài lòng vì hình thức tập huấn khá mới là thảo luận nhóm và trao đổi 2 chiều giữa báo cáo viên và người dân nên người dân hiểu rõ hơn, sâu hơn những vấn đề được truyền đạt”.
Trồng rừng là một trong những biện pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ảnh: PHÚ HỮU |
Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Nhân dân ấp Mai Hoa, xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn, bày tỏ: “Bà con Nhân dân hiện nay rất có ý thức bảo vệ rừng. Một là họ đã nhận thức được ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thêm nữa là sản lượng khai thác gỗ ăn chia khá cao. Hằng năm, các hộ dân tự cào bờ để trồng lại rừng cho đủ diện tích quy định”.
Chính quyền địa phương trong vùng triển khai Dự án UN-REDD II tỉnh Cà Mau cũng được tập huấn nâng cao năng lực về REDD+ và biến đổi khí hậu, hướng dẫn lập kế hoạch hành động REDD+ cấp cơ sở… Từ những kiến thức được tập huấn về biến đổi khí hậu, vai trò của rừng đối với đời sống con người, các tổ công tác của từng đơn vị khi trở về địa phương không chỉ là những hạt nhân tích cực trong việc tuyên truyền, mà còn khẩn trương lập kế hoạch hành động và triển khai kế hoạch hành động về REDD+ tại địa phương.
Ông Huỳnh Văn Nghề, Trưởng Ban Nhân dân ấp Biện Nhạn, xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: “Tôi sẽ liên hệ với tiểu khu và ban quản lý rừng để truyền đạt cho người dân hiểu rõ thế nào là biến đổi khí hậu, thời tiết như thế nào làm ảnh hưởng đến đời sống bà con, tuyên truyền cho bà con hiểu để trồng rừng và bảo vệ rừng, đừng làm suy thoái rừng”.
Anh Tạ Thanh Trung, Trưởng Ban Nhân dân ấp Kinh Ba, xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn, cho hay: “Chúng tôi sẽ phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ để xây dựng kế hoạch của Chương trình REDD+, đẩy mạnh tuyên truyền để bà con hiểu rõ và sâu, rộng hơn về Chương trình UN-REDD II đang triển khai trên địa bàn xã”.
Là người thường xuyên có mặt tại hiện trường và theo dõi mọi hoạt động của dự án tại Cà Mau, ông Nguyễn Ðình Chương, Ðiều phối viên hiện trường PPMU (Ban Quản lý chương trình) tại Cà Mau, nhận xét: “Người dân và chính quyền rất quan tâm ủng hộ, rất nghiêm túc trong quá trình học tập. Tôi nhận thấy rằng, các kiến thức truyền thông về chương trình, về bảo vệ rừng cần phải được tuyên truyền nhiều hơn trong công tác xây dựng dự án và trong công tác thực hiện các kế hoạch, dự án sau này”.
Thời gian tới, Ban Quản lý Chương trình UN-REDD II tỉnh Cà Mau cần có những mô hình kinh tế có hiệu quả để nâng cao đời sống cho hộ dân sống chủ yếu dựa vào rừng. Chính quyền địa phương cần vận động người dân hiểu, tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng. Ðây được xem là giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và giảm bớt sự nóng lên của trái đất./.
Văn Bạch