(CMO) Đã có hơn 10 năm thực hiện mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm, với diện tích 5.000 m2, ông Trương Thanh Chơn, ấp Lung Trường, xã Quách Phẩm, thu hoạch mỗi năm từ 1-2 tấn sò, trừ chi phí, còn lãi 70-80 triệu đồng.
Sò giống mua về, ông Chơn bao ví lớp lưới mành dèo lại, khoảng 3 tháng, ông thả ra vuông nuôi với mật độ 400 con/m2. Nuôi khoảng 8 tháng, sò đạt trọng lượng 90-100 con, giá hiện tại khoảng 125.000 đồng/kg. Ông Trương Thanh Chơn cho biết: “Phải chọn nơi nuôi phù hợp, nhất là không có rong và cỏ. Nuôi một thời gian phải thay đổi vị trí để sò có thức ăn mới và lớn nhanh”.
Ông Trương Thanh Chơn, ấp Lung Trường, xã Quách Phẩm (bìa phải) đang hướng dẫn cách nuôi sò huyết. |
Với diện tích 6 ha đất nuôi tôm, ông Dương Văn Hùng, ấp Tân Thới, xã Tạ An Khương Đông quy hoạch 1 ha trồng hoa màu, trồng kiểng và đào 7 ao nuôi cá. Trong đó, ông duy trì 3 ao, mỗi ao 2.000 m2 để nuôi cá bống tượng từ năm 2000 đến nay.
Đầu tiên ông thả con giống ra vuông, nuôi từ 10-12 tháng, cá đạt trọng lượng 150-200 g, ông bắt cá thả vào ao nuôi. Nuôi 1,5 năm, cá đạt trọng lượng khoảng 1 kg, ông bắt đầu thu hoạch. Mỗi năm ông Hùng thu hoạch 1 hoặc 2 đợt cá, từ 250-400 kg, mang về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Dương Văn Hùng còn trồng 80 gốc dừa, mỗi năm bán trên 30 triệu đồng tiền trái.
Không chỉ sản xuất cây con, một số nông dân còn nhạy bén nghĩ ra nhiều cách để phát triển kinh tế gia đình qua nhu cầu thực tiễn của đời sống. Đơn cử như việc làm rập cua của ông Mai Kim Thành, ấp Nhà Dài, xã Quách Phẩm Bắc. Cơ sở rập cua Kim Thành mỗi ngày sản xuất 500 rập cua, mỗi rập bán ra với giá 20.000 đồng. Ngoài ra, cơ sở còn sản xuất mỗi tháng 300 nhá tôm ăn, 100 đục bắt tôm. Thị trường tiêu thụ của cơ sở chủ yếu ở Cà Mau và Kiên Giang. Trừ chi phí, mỗi tháng cơ sở có thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Điểm mới là cơ sở tự sản xuất khung làm rập cua bằng nhựa hơn 3 năm nay, bảo hành khung 3 năm nên rất nhiều người ưa chuộng. Rập cua của cơ sở được đưa đi triển lãm nhiều nơi và được nhận bằng sáng chế năm 2015.
Ông Mai Kim Thành chia sẻ: “Do nhu cầu bắt cua nuôi trong vuông của bà con trên địa bàn lớn nên tôi sáng chế ra rập đặt cua. Tôi sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm cũng như mở rộng quy mô sản xuất vừa phát triển kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương”.
Điều đặc biệt là cơ sở đã tạo được công ăn việc làm cho nhiều hộ dân. Có 20 hộ trước đây đều là hộ nghèo, sau thời gian tham gia làm việc tại cơ sở, giờ đã thoát nghèo. Mỗi hộ bình quân thu nhập từ 3,5-8 triệu đồng/tháng.
“Thời gian qua, huyện có nhiều mô hình hiệu quả như nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi sò huyết kết hợp với tôm... Huyện sẽ nhân rộng các mô hình hiệu quả để Nhân dân áp dụng vào điều kiện thực tế của từng gia đình", Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Phương Bình cho biết.
Để tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, huyện Đầm Dơi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi những cây con kém hiệu quả sang trồng các cây con khác có giá trị kinh tế cao. Trong đó, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế và khả năng tiêu thụ sản phẩm gắn với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Đồng thời, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân trong việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Ngoài ra, tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện./.
Thuỳ Mỵ