ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 6-7-24 03:00:50
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nâng tầm “Cà Mau - Ðiểm đến” - Bài 2: Nhìn từ thực tế

Báo Cà Mau Khởi đầu mới mẻ, kết quả và hiệu ứng tích cực, song nhìn nhận khách quan, Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến” (Chương trình) cần có những tính toán phù hợp, dài hơi, nhất là đúc rút kinh nghiệm để vượt khó, bứt phá hơn trong tương lai. Ðây cũng là dịp để Cà Mau nhìn thẳng vào thực tế, từ đó có những đổi mới mạnh mẽ hơn, cả trong tư duy, hành động để hướng đến mục tiêu đưa Chương trình trở thành thương hiệu có sức sống lâu bền, mang lại những tác động tích cực, toàn diện vào đà phát triển chung của địa phương.

“Cà Mau - Ðiểm đến” cần được nâng tầm để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch, thương mại - dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài toán nguồn lực

Ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, thông tin: “Huyện có một sự kiện nằm trong Chương trình là Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, diễn ra tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú. Ðây là điểm đến tham quan tâm linh cho du khách gần xa, đồng thời kết nối các hoạt động tham quan, du lịch, tạo điều kiện giao lưu và giới thiệu nét đặc trưng, bản sắc văn hoá, sản phẩm du lịch địa phương và tạo ra những tín hiệu tích cực thúc đẩy phát triển du lịch của huyện nhà”.

Theo ông Nhân, khó khăn của địa phương là nguồn lực đầu tư du lịch còn ít, chưa tương xứng tiềm năng, việc kết nối và lan toả giá trị sự kiện trọng điểm của địa phương là Giỗ Tổ Hùng Vương chưa đáp ứng kỳ vọng.

Ông Lê Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, huyện Thới Bình, chia sẻ: “Sau khi Ðền thờ Vua Hùng được đầu tư trùng tu, nâng cấp (năm 2022) thì Lễ Giỗ Tổ được tổ chức quy mô hơn, trang trọng hơn, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái. Tuy nhiên, ngoài những ngày tổ chức chính, các hoạt động khai thác, kết nối phát triển du lịch với di tích này còn khá hạn chế”.

Ðây cũng là khó khăn của nhiều địa phương khi tổ chức các hoạt động gắn với Chương trình, bởi ngoài cao điểm tổ chức sự kiện, thì khả năng khai thác, phát huy thường xuyên còn bỏ ngỏ, nhất là các lễ hội thường niên của tỉnh như Nghinh Ông, Tri ân Quốc Tổ, Giỗ Tổ Hùng Vương... Tuỳ điều kiện, khả năng của mỗi địa phương, từng thời điểm mà quy mô và chất lượng tổ chức các sự kiện cũng có sự điều chỉnh, rất khó để có những đổi mới. Ðó là chưa kể chuỗi sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến” kéo dài suốt năm, mối liên kết giữa các sự kiện chưa định hình rõ ràng để kết nối và tạo thành chỉnh thể thống nhất có sự tác động, tương hỗ lẫn nhau.

Khi tổng kết, đánh giá kết quả Chương trình năm 2023, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, lưu ý: “Cần phải thu hút nguồn lực xã hội hoá chứ không chỉ tổ chức bằng nguồn ngân sách”. Ðây cũng là rào cản mà các hoạt động trong Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến” tiếp tục tìm hướng tháo gỡ, nhất là sự kiện do các địa phương chủ trì, phối hợp tổ chức.

Tại huyện U Minh, ông Lê Hữu Lợi, Trưởng phòng Văn hoá huyện, tâm sự: “Thu hút nguồn lực xã hội hoá là điều rất khó ở cấp độ địa phương. Bên cạnh đó, nguồn lực, kinh nghiệm tổ chức các sự kiện cũng còn nhiều hạn chế. Các sự kiện dù thu hút lượng du khách tăng qua từng năm, nhưng cũng chưa hình thành được các tour - tuyến để kết nối với Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến”, qua đó chưa có sự ổn định bền vững về lượt khách đến, doanh thu du lịch”.

 Du khách thích thú tìm hiểu thông tin về nồi lẩu mắm cù lao của Điểm du lịch Hương Tràm, huyện U Minh đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là Lẩu mắm lớn nhất Việt Nam tại sự kiện “Hương rừng U Minh” năm 2022.

Theo tính toán thực tế của ông Lợi, nếu U Minh có khoảng 2 ngàn khách/ngày sẽ quá tải để đáp ứng các dịch vụ du lịch. Chưa kể tình trạng ít điểm đến, thiếu thốn cơ sở lưu trú, kéo theo sức hút, giá trị của du lịch bị giảm sút. Ðối với các hoạt động “Cà Mau - Ðiểm đến” năm 2024, huyện U Minh tổ chức lồng ghép với dịp kỷ niệm 45 năm thành lập huyện, tập trung chủ yếu cho các hoạt động văn nghệ, thể thao. Riêng sự kiện “Hương rừng U Minh” sẽ do các điểm du lịch chủ động để tạo ra các hoạt động điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Dự báo những nguy cơ

Những mùa “Cà Mau - Ðiểm đến” đã qua, dễ thấy là các sự kiện, hoạt động của Cà Mau trùng thời điểm với nhiều chương trình, sự kiện của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Câu chuyện về sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của “Cà Mau - Ðiểm đến” là điều mà Thạc sĩ Phan Ðình Huê, chuyên gia du lịch ÐBSCL, đặc biệt lưu ý.

“Du khách, kể cả các nhà đầu tư tiềm năng sẽ lựa chọn nơi hấp dẫn hơn, có tính cạnh tranh hơn, có cơ hội đầu tư và lợi nhuận cao hơn, đó là điều hiển nhiên. “Cà Mau - Ðiểm đến” trước tiên phải để du khách, bạn bè tìm đến, chọn đến. Từ góc độ này, có thể thấy chuỗi sự kiện của Cà Mau chỉ ở giai đoạn đánh động và cần cải thiện nhiều thêm”, ông Huê phân tích.

Chào đón sự kiện “Hương rừng U Minh”, điểm du lịch Hương Tràm đã chủ động tạo ra các hoạt động điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Cà Mau: “Cà Mau - Ðiểm đến” là câu chuyện chúng ta vừa làm, vừa học, đúc rút kinh nghiệm để cải thiện và hoàn thiện. Ðúng là các điều kiện của tỉnh nhà chưa thể đáp ứng kỳ vọng ngay tức khắc, nhưng thông qua từng mùa, kết quả và hiệu ứng mang lại sẽ là nguồn lực để vun đắp, bổ sung cho nội lực phát triển của địa phương. Cà Mau cũng có những kịch bản linh hoạt, ngắn hạn và dài hơi cho chuỗi sự kiện này. Riêng du lịch, “Cà Mau - Ðiểm đến” sẽ là cảm hứng, nguồn năng lượng tích cực cho diện mạo phát triển trong tương lai”.

Ông Giang Hoàng Hon, Giám đốc điểm du lịch sinh thái Hương Tràm (xã Khánh An, huyện U Minh), tâm sự: “Người làm du lịch hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình, thông qua lượng khách và doanh thu tăng. Thế nhưng, với điều kiện hiện tại, vào mùa cao điểm du lịch thì hầu hết các điểm du lịch quá tải, kéo theo chất lượng dịch vụ cung ứng cho khách khó đảm bảo”.

"Sự trùng lặp, nguy cơ nhàm chán nếu không có những đổi mới, là dự báo hữu ích với Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến”. Ðể hợp lý, rõ ràng phải đối chiếu với khả năng, không thể bung sức để quá sức, khó kiểm soát; song, cũng không thể cầu toàn, cứ theo bổn cũ soạn lại và dần rơi vào tình trạng duy trì cho có mà thiếu sức sống”, ông Phan Ðình Huê chia sẻ.

Hơn lúc nào hết, câu chuyện nâng tầm Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến” cần được mổ xẻ, phân tích, từ đó có những giải pháp khả thi để tạo ra “bước nhảy” đột phá cho những mục tiêu, kỳ vọng lớn hơn, xa hơn./.

 

Hải Nguyên - Băng Thanh

Bài cuối: Mỗi năm thêm đẹp, thêm duyên

 

Trường nội trú Cà Mau - Ninh Bình: Những ký ức không phai

Cuối tháng 3/1972, ở đây chưa có mưa, còn là mùa hạn. Thầy Lê Châu, Hiệu trưởng và thầy Năm Thuật, Hiệu phó Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình, khoá 3, đến Xóm Dừa, Ấp 6A. Cô Mười Mỳ là Bí thư Chi bộ xã Quách Văn Phẩm “B”, huyện Tư Kháng (huyện Ðầm Dơi ngày nay). Các thầy tìm chỗ để cất trường học và chọn vườn cô Út Ngươn để đặt lớp học. Xa ngoài kia, chọn vườn Biện Ðài, Lung Chim và 1 điểm nữa ở Thanh Tùng.

Chuyện chữ “T” của Nhà báo Trần Ngọc Hy

Nhà báo Trần Ngọc Hy, người Cà Mau, tham gia kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Bạc Liêu xưa. Ông viết chuyện vui chữ “T” đăng báo “RÙM”, tức rừng U Minh - tờ báo tường nội bộ cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, đóng ở Chiến khu U Minh trên đất Cà Mau thời 9 năm kháng Pháp, khoảng 1949-1950.

Báo Minh Hải - Niềm tự hào chưa cạn tỏ

Báo Minh Hải là tiền thân của Báo Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay. Hơn 20 năm hoạt động, tờ báo này đã trở thành chiếc nôi rèn luyện cho thế hệ báo chí sau ngày thống nhất đất nước. Từ đây, đã có nhiều nhà báo trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo của báo chí, văn học nghệ thuật 2 tỉnh và Trung ương, nhiều nhà báo trở thành những tài danh báo chí, văn chương. Hướng tới kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi trân trọng giới thiệu tâm tình của một nhà báo, nhà văn, người đã sống trọn vẹn suốt thời gian măng sét Báo Minh Hải tồn tại trong lòng độc giả, cùng bạn đọc hôm nay.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo - Bài cuối: Ðiểm sáng xoá nghèo

Trên cơ sở trợ lực từ nhiều chương trình, chính sách, sự chung tay góp sức của cộng đồng; các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã sâu sát trong dân, nắm chặt hoàn cảnh hộ nghèo để triển khai đồng loạt biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; đồng thời giúp người nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khơi gợi ý chí phấn đấu thoát nghèo, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo - Bài 2: Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Cùng với triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, Cà Mau thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phong trào đã lan toả giá trị nhân văn trong cộng đồng, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo, người gặp hoạn nạn sớm ổn định cuộc sống, giúp các địa phương hiện thực hoá mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo

Cùng với phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Cà Mau luôn đặt mục tiêu giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu. Bằng những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ý thức vươn lên của hộ nghèo, cuối năm 2023 Cà Mau còn 1,6% hộ nghèo (giảm 2.507 hộ nghèo), 1,56% hộ cận nghèo (giảm 922 hộ). Ðặc biệt, tỉnh có 170 ấp, khóm và 5 xã, phường, thị trấn xoá trắng hộ nghèo. Ðó là những điểm sáng, lan toả kinh nghiệm, cách làm hay và là động lực trong hành trình giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Ðảng tăng cường sức mạnh, dân đồng thuận làm theo - Bài cuối: Phải thật sự gần dân, sát cơ sở

Đến thời điểm này, có thể khẳng định chủ trương trước đây của Huyện uỷ Phú Tân về cải tạo vườn tạp, trồng hoa màu, mang lại hiệu quả kinh tế hộ; hay như việc tận dụng trồng cây xanh ven sông để ngăn chặn sạt lở... đã mang lại kết quả đáng tự hào, được Nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng tham gia, lan toả. Nhìn từ Phú Tân, các địa phương khác có điều kiện tương tự, học tập làm theo và cũng đạt kết quả đáng phấn khởi. Bài học rút ra là cái gì mang lại lợi ích thiết thực vì việc chung sẽ được người dân tích cực đồng lòng chung tay, góp sức.

Ðảng tăng cường sức mạnh, dân đồng thuận làm theo - Bài 2: ...Ðến chỉ thị cấp bách

Trước những biến đổi khó lường của thời tiết, ngày 16/2/2024, Huyện uỷ Trần Văn Thời đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/HU (Chỉ thị 09) về tăng cường các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra, nhằm huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị để ứng phó, giảm thiểu tác động. Ông Nguyễn Minh Nhứt, Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Thời, cho biết, Chỉ thị 09 ban hành phù hợp thực tiễn, tạo được sự đồng thuận, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... vì việc chung.

Ðảng tăng cường sức mạnh, dân đồng thuận làm theo

Trong quá trình chỉ đạo, điều hành bộ máy chính trị của Ðảng và Nhà nước, có những việc cần định hướng với tầm nhìn chiến lược dài hơi, có quá trình thực hiện mang tính giai đoạn; có những việc mang tính cấp bách, cần tập trung xử lý ngay, dứt điểm trong thời khắc nhất định. Song, tất cả đều hướng đến mục tiêu là nhằm lan toả chủ trương hợp lòng dân, sát thực tế, được cụ thể hoá đi vào đời sống Nhân dân, nâng cao nhận thức đúng đắn để cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ chính trị với quyết tâm cao nhất vì sự an toàn, phát triển nhanh và bền vững của xã hội… Ðảng tăng cường sức mạnh, dân tin tưởng làm theo sẽ tạo nên nội lực vững chãi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Biển có vững, bờ mới yên - Bài cuối: Quân - dân nghĩa tình

“Trường Sa vì Tổ quốc”, “Cả nước vì Trường Sa”, những tiếng hô đồng thanh vang vọng giữa trùng khơi khi tàu rời cảng Trường Sa đã nói lên phần nào sự gắn bó máu thịt của tình quân - dân. Nghĩa tình ấy chính là sức mạnh để Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, luôn luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.