ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 20:17:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nâng tầm “Cà Mau - Ðiểm đến”

Báo Cà Mau Cuối năm 2020, từ ý tưởng “xây dựng lễ hội đặc trưng riêng cho từng địa phương” để thu hút du khách, kích cầu dịch vụ - thương mại và tiêu dùng, UBND tỉnh Cà Mau đã chính thức khởi thành Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến” (Chương trình) vào năm 2021. Phải nói thêm, với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, “Cà Mau - Ðiểm đến” vừa được xây dựng đã đứng trước những khó khăn, thách thức cam go. Nhưng qua từng năm, với quyết tâm, sự chuẩn bị chu đáo, tư duy đổi mới, quyết đoán, “Cà Mau - Ðiểm đến” không ngừng “trưởng thành” hơn, trở thành dấu ấn tích cực, động lực phát triển, phục hồi mạnh mẽ của kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Nâng tầm Chương trình còn là sự kỳ vọng lớn lao, với rất nhiều công việc phải bàn, phải làm cho hành trình dài hơi phía trước.

Bài 1: Chạm đúng “thời điểm vàng”

Năm 2010, tỉnh Cà Mau lần đầu tiên tổ chức sự kiện “Tuần lễ Văn hoá - Du lịch Ðất Mũi”, sau này là “Tuần lễ Văn hoá - Du lịch Mũi Cà Mau” và duy trì cho đến năm 2019. Có thể nói, đây là nền tảng để Cà Mau tính toán, xây dựng nên Chương trình với tính chất, quy mô và kỳ vọng lớn cho mục tiêu giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Cà Mau hiệu quả hơn, lan toả hơn; đồng thời đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch, thương mại - dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiệu ứng mang lại của Chương trình thật sự là “cú huých” mạnh mẽ, toàn diện, chạm đúng “thời điểm vàng” với địa phương.

Một chương trình - Nhiều kỳ vọng

Trở lại bối cảnh năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, Ðảng bộ, dân và quân Cà Mau bước vào đầu nhiệm kỳ khoá XVI với muôn vàn thách thức. Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến” năm 2021 được ban hành không chỉ là giải pháp để kích cầu, phát triển du lịch, tạo thương hiệu, một hành trình, hoạt động thường niên tạo ra dấu ấn du lịch khi nhắc đến Cà Mau, mà còn đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thông qua các hoạt động lễ hội, văn hoá, thể thao, du lịch và thương mại, trở thành niềm hy vọng khả thi để kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau có điểm tựa phục hồi, vực dậy, bứt phá trong khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: “Chương trình nhận được sự phản hồi rất tích cực, hiệu quả và hiệu ứng toàn diện, mạnh mẽ, đặc biệt là với nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Cái mới đã gắn với kết quả thực sự, cho thấy sự cần thiết và đúng đắn để Cà Mau tiếp tục duy trì, đổi mới và nâng tầm chuỗi sự kiện này”.

Chuỗi sự kiện Chương trình “Cà Mau điểm đến” đã tạo ra các “cao điểm” thu hút khách du lịch, đáp ứng nhu cầu cho từng nhóm đối tượng du khách tiềm năng (Ảnh: Nhân dịp Lễ Tri ân Quốc Tổ, Khu du lịch Mũi Cà Mau đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm).

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, phấn khởi: “Chương trình đã thực sự tạo được thương hiệu riêng của Cà Mau trong bản đồ du lịch quốc gia, cũng như trong hệ thống du lịch của đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). “Cà Mau - Ðiểm đến” cũng chính là điểm nhấn trong hoạt động du lịch của tỉnh. Thông qua chương trình, sản phẩm du lịch ngày càng đổi mới, hấp dẫn hơn và để lại dấu ấn đẹp trong lòng du khách về hình ảnh con người, vùng đất Cà Mau với văn hoá đặc sắc, tài nguyên giàu có, tiềm năng phát triển dồi dào... Minh chứng rõ nhất là lượng khách tăng đều, từ 10-15% mỗi năm, doanh thu cũng tăng. Ðặc biệt, năm 2023 là lần đầu tiên Cà Mau vượt mốc đón hơn 2 triệu lượt khách; tổng doanh thu đạt hơn 2.900 tỷ đồng”.

Ở góc nhìn của một chuyên gia du lịch ÐBSCL, Thạc sĩ Phan Ðình Huê cho rằng: “Chương trình mang lại rất nhiều điều cho du lịch Cà Mau. Về du lịch, chuỗi sự kiện này đã kết nối, phát huy mang tính hệ thống các tài nguyên du lịch nổi trội của tỉnh về thiên nhiên, văn hoá; tạo ra các “cao điểm” thu hút khách du lịch, bước đầu hướng đến nhu cầu cho từng nhóm đối tượng du khách tiềm năng; đặc biệt là tạo ra các thương hiệu du lịch đặc trưng riêng có, mới mẻ của Cà Mau thông qua các lễ hội, sự kiện. Sức hấp dẫn du lịch gia tăng là điều rõ ràng”.

Ở khía cạnh rộng hơn, “Cà Mau - Ðiểm đến” thực sự trở thành không gian rộng mở cho các cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư thương mại, nhất là ở các lĩnh vực thế mạnh mũi nhọn của tỉnh Cà Mau.

“Những sự kiện về các ngành hàng chủ lực ở Cà Mau như cua, tôm, các sản phẩm OCOP, các diễn đàn kinh tế... được tổ chức trong “Cà Mau - Ðiểm đến” thời gian qua là cơ hội hết sức quý báu giúp địa phương có cái nhìn toàn cục để thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển lĩnh vực ngư - nông - lâm. Ở đây, chúng ta không chỉ là vinh danh, tự hào về những sản phẩm, ngành hàng chủ lực của địa phương, mà là tiến tới xây dựng, khẳng định thương hiệu, hình thành và gia tăng chuỗi giá trị sản xuất, mở rộng thị trường, và mục tiêu cuối cùng là mang lại lợi ích, sự thụ hưởng của người dân”, Thạc sĩ Phan Ðình Huê nhấn mạnh.

Thương hiệu, dấu ấn riêng biệt

Thực tế, hằng năm Chương trình đều có khung cơ bản trải dài suốt năm nhưng trong từng nội dung sẽ có những hoạt động mới, hấp dẫn. Chẳng hạn, trong chương trình khung có Lễ hội Nghinh Ông, Tri ân Quốc Tổ, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày hội bánh dân gian, giải Marathon, trải nghiệm Hương rừng U Minh... Song, mỗi năm đều có thay đổi bổ sung, như năm 2022 có giải Ðất Mũi Marathon - Cà Mau để du khách trải nghiệm cung đường đẹp Mũi Cà Mau, thì năm 2023 có giải chạy Hương rừng U Minh trải nghiệm cung đường trong Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Khu Công nghiệp Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau và năm 2024 này cũng là giải chạy nhưng sẽ là cung đường đê biển Tây, hòn Ðá Bạc - Sông Ðốc...

Trong 3 ngày diễn ra (12,13 và 14/4/2024) Lễ Tri ân Quốc Tổ tại huyện Ngọc Hiển đã thu hút hơn 5,5 ngàn lượt khách đến dự, tham quan và trải nghiệm.

“Chính sự duy trì hằng năm nhưng có đổi mới này mà mỗi năm khách du lịch, kể cả các đối tác, doanh nghiệp... đến hẹn sẽ đến Cà Mau để trải nghiệm, tham quan và công tác chuẩn bị, xã hội hoá, thu hút đầu tư cũng thuận lợi hơn”, ông Trần Hiếu Hùng tâm đắc. Rõ nét nhất chính là giải Marathon - Cà Mau Cup Petrovietnam, đã được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cam kết đồng hành 5 năm.

Ông Trần Hiếu Hùng chia sẻ: “Rõ ràng, khi các doanh nghiệp cùng chúng ta làm du lịch thì chứng tỏ Cà Mau đã tạo được thương hiệu và dấu ấn đối với họ; và đối với họ khi nhắc đến Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến” cũng sẽ nhớ đến thương hiệu của họ như giải Marathon - Cà Mau Cup Petrovietnam. Hiệu quả thực sự của Chương trình không thể đo đếm bằng tiền mà là sức lan toả và khẳng định thương hiệu, là sự phát triển vươn xa và hướng tới nâng tầm cao hơn cho hình ảnh của Cà Mau”.

Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ TP Cà Mau là sự kiện nằm trong Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến” được tổ chức ngay tại trung tâm TP Cà Mau, đến nay mỗi khi nhắc đến ngày hội này, ai nấy đều biết ngày hội được tổ chức vào dịp lễ 30/4 và 1/5. Thế nên, mọi công tác chuẩn bị được chủ động từ sớm, người dân háo hức chờ đón, khách du lịch gần xa cũng lên lịch về Cà Mau thưởng thức bánh dân gian.

Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ TP Cà Mau sau 3 năm tổ chức không chỉ phát huy, giữ gìn giá trị một nghề truyền thống mà còn tăng cường giao lưu văn hoá, thương mại giữa các địa phương, thu hút khách du lịch đến Cà Mau. (Ảnh chụp Ngày hội năm 2023).

Ông Tăng Vũ Em, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết, qua 3 lần tổ chức, năm nay là năm thứ 4, ngày hội đã tạo được điểm nhấn, sức lan toả. Nếu như năm 2023, có 250 gian hàng, với sự tham gia của 26 đơn vị đến từ các tỉnh, thành khu vực ÐBSCL, các huyện, thành phố trong tỉnh, thì năm 2024 ngày hội có quy mô tổ chức khoảng 300 gian hàng, với đa dạng các loại bánh dân gian, ẩm thực, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền hơn, và đến từ nhiều tỉnh bạn. Ðặc biệt, năm nay còn tổ chức Hội thi Bánh xèo; tổ chức các môn thể thao, trò chơi dân gian... Cũng chính từ thành công của Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ TP Cà Mau mà năm nay tỉnh tổ chức Ngày hội Bánh phồng tôm tại Năm Căn.

Ðiểm nhấn của Chương trình hằng năm còn có các sự kiện được tập trung đầu tư bằng cả tâm huyết và sự táo bạo, mới mẻ: Ngày hội Cua Cà Mau, Festival Tôm, sự kiện Hương rừng U Minh...

“Nếu nói sản phẩm du lịch ÐBSCL đơn điệu, trùng lắp thì Cà Mau đang trên đà bứt phá để tạo ra một ngoại lệ, bởi chính “Cà Mau - Ðiểm đến” là chỉ một và riêng có của Cà Mau, đó là chưa kể những trải nghiệm du lịch hệ sinh thái độc đáo của Cà Mau...”, Thạc sĩ Phan Ðình Huê nhận xét./.

 

Hải Nguyên -  Băng Thanh

Bài 2: Nhìn từ thực tế

 

Thị trấn mang tên một dòng sông

Trên dải đất hình chữ S, có rất nhiều dòng sông, mỗi dòng sông mang dáng vẻ riêng. Có con sông mang tên đẹp như thiếu nữ: sông Nhật Lệ, Sông Hương. Có con sông nghe tên đã thấy rất oai hùng: Sông Mã. Nhiều con sông mang tên miền đất mà nó chảy qua như: sông Sài Gòn, sông Thái Bình... Riêng con sông quê tôi, đặc biệt hơn, mang tên một nhân vật lịch sử: sông Ông Ðốc. Thị trấn quê tôi vinh dự được mang tên một dòng sông - thị trấn Sông Ðốc!

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ

Sản phẩm OCOP và các dự án khởi nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm. Nhằm hướng đến việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững, tỉnh đã xác định nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng hỗ trợ chủ thể OCOP từ việc hình thành, nâng hạng sản phẩm đến tiếp cận thị trường.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo

Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà tỉnh quan tâm hàng đầu và chỉ đạo sát sao trong những năm qua. Bằng những quyết sách thiết thực, sự huy động sức mạnh tổng hợp từ Mặt trận, đoàn thể, các cấp, các ngành, địa phương; bằng những giải pháp sinh kế hỗ trợ đúng, trúng, kịp thời, đã cơ bản giải được bài toán thoát nghèo và câu chuyện tái nghèo.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo - Bài cuối: Tăng cường phối hợp, ngăn chặn tái nghèo

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước; theo đó, tỉnh chỉ đạo kỳ quyết nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài 2: Nhiều khó khăn của chủ thể

OCOP và khởi nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định, và mỗi câu chuyện sản phẩm lại mang đến nhiều suy ngẫm cho cơ quan quản lý hỗ trợ vượt khó.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức

Thời gian qua, các ngành, các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ khởi nghiệp gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển sản phẩm OCOP và khởi nghiệp.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.