Ở huyện Thới Bình hiện còn gần 20 giáo viên của Hà Nam Ninh (cũ, bao gồm cả Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình hiện nay) chi viện về cho Cà Mau, từ thời còn Minh Hải kết nghĩa với Hà Nam Ninh vào đầu những năm của thập niên 80. Họ đã cùng đồng cam cộng khổ với người dân Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu) trải qua một thời gian dài đầy gian khó trong những năm đầu hoà bình, xây dựng đất nước. Câu chuyện của vợ chồng thầy Cẩn và cô Chung trong số đó là câu chuyện một thời không thể nào quên về sự nghiệp trồng người của Thới Bình nói riêng, Minh Hải nói chung trong những năm tháng đong đầy tình người.
Nặng tình "đất khách"
Ở huyện Thới Bình hiện còn gần 20 giáo viên của Hà Nam Ninh (cũ, bao gồm cả Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình hiện nay) chi viện về cho Cà Mau, từ thời còn Minh Hải kết nghĩa với Hà Nam Ninh vào đầu những năm của thập niên 80. Họ đã cùng đồng cam cộng khổ với người dân Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu) trải qua một thời gian dài đầy gian khó trong những năm đầu hoà bình, xây dựng đất nước. Câu chuyện của vợ chồng thầy Cẩn và cô Chung trong số đó là câu chuyện một thời không thể nào quên về sự nghiệp trồng người của Thới Bình nói riêng, Minh Hải nói chung trong những năm tháng đong đầy tình người.
Thầy Cẩn tên họ thật là Vũ Hồng Cẩn, sinh năm 1950, quê quán ở xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Ðịnh. Thầy tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Toán năm 1969 và dạy học ở Trường cấp I, II xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Ðịnh. Ðầu những năm của thập niên 80, khi Minh Hải kết nghĩa với Hà Nam Ninh, rất nhiều giáo viên của Hà Nam Ninh đã được chi viện về cho Minh Hải.
Cô Chung vui với công việc bán nước uống cho học trò. Phút giây thư giãn của vợ chồng thầy Cẩn, cô Chung nhìn lại những kỷ niệm thời dạy học của mình. |
Giáo viên được chi viện đều là giáo viên trẻ, phần đông là mới ra trường, hoặc đứng lớp một vài năm. Họ là lớp trẻ, chưa bị ràng buộc nhiều về chuyện gia đình, có điều kiện về Minh Hải làm nghĩa vụ giúp bạn. Năm 1984, Minh Hải ra Hà Nam Ninh xin chi viện thêm giáo viên, thầy Cẩn 35 tuổi, dạy học 15 năm ở Yên Trị, không nằm trong diện bắt buộc mà tự nguyện xin đi. Minh Hải trong những năm đầu vừa giải phóng còn nhiều khó khăn, giáo viên thiếu rất nhiều. Ðịa phương không còn gì vui hơn có được những giáo viên tự nguyện xin được chi viện như thầy, giáo viên được đào tạo đạt chuẩn và có hơn 15 kinh nghiệm đứng lớp.
Thầy được địa phương đón tiếp như người bạn có tấm lòng quý và giới thiệu về làm giáo viên Trường cấp I, II xã Thới Hoà, huyện Thới Bình. Ðược địa phương đánh giá cao như vậy, trong bụng thầy rất lấy làm vui. Nhưng khi về đến, nhìn ngôi trường đơn sơ như còn trong thời chiến, nghèo không thể hơn được, thầy như quả bóng xì hơi. Trường cấp I, II xã Thới Hoà lúc ấy gần như chỉ có cái nóc lá che nắng là coi còn tạm tạm được, che mưa thì không, vì hai bên mái lá đầy những lỗ chuột chui nhìn thấy trời. Vách trường tạm bợ, chỗ dựng lá, chỗ che thiếc, nhiều lỗ chó chui.
Ðường đến trường là những lối mòn nhỏ, hai bên cỏ sậy cao ngập đầu người, sân trường nhiều vũng heo nuôi thả lang ủi nhừ tử. Bàn ghế, phòng học có lớp chỉ là cây tràm cặm xuống đất và vài miếng ván nhỏ gác lên. Sân trường, lớp học mới đáng sợ hơn, tất cả đều là nền đất và dậy sóng như vi cá. Trên nền đất phủ lớp phèn dày, dẻo như kẹo kéo, không mang giầy, dép gì được. Giáo viên, học sinh đến trường đi chân đất, lớp phèn trên nền trường, lớp học chèn vào kẽ chân to bè ra như chân vịt. Học sinh lớp 8, lớp 9 đã to con hơn thầy.
Ban giám hiệu trường sắp xếp cho thầy ở trong một căn nhà lá nhỏ gần trường, cũng "hỡi ơi" như trường học. Nhà trống trơn, không cửa nẻo, không bàn ghế, không giường ngủ. Mấy cậu học trò lớp 9 to con mang mấy cây tràm, mấy miếng ván vào nhà đóng lụp bụp loáng qua thành cái giường và bước ra lễ phép cười mời thầy vào nghỉ. Thầy đứng như tượng nhìn cái trường và chỗ ở của mình. Ngay đêm đầu tiên trong căn nhà do trường sắp xếp ở, không điện, thắp đèn dầu, muỗi ì xèo như ve kêu, nước lên ngập nền nhà, mấy con rắn nước lỉa ra lỉa vào cửa như chỗ không người, thầy nói với bụng phải trở về Yên Trị. Nhưng ngay sau đó, 6 tháng ở trường, mọi chuyện xảy ra với thầy không thể tin là thật, nhưng đó là thật.
Trường cấp I, II Thới Hoà lúc đó thiếu giáo viên rất nhiều, giáo viên phải đứng lớp nguyên buổi, chứ không phải chỉ có dạy vài tiết như bây giờ. Hiệu trưởng, hiệu phó trường cũng đứng lớp như giáo viên và giáo viên đạt chuẩn đếm được trên đầu ngón tay. Thầy Cẩn là trong số đếm được trên đầu ngón tay đó và là giáo viên duy nhất ở miền Bắc có mặt ở trường vào thời điểm đó. Thầy Cẩn chuyên Toán, nhưng phải dạy luôn cả Văn và đứng lớp nguyên ngày. Có một điều khiến thầy và những giáo viên ở xa đến dạy học và ở gần trường không thể ngờ tới là cứ mỗi chiều xuống, các em học sinh kéo đến nhà thầy cô chơi cho thầy cô ở xa đừng buồn. Rồi cứ mỗi lúc thầy cô lên lớp, các em tự lẻn vào chỗ ở của thầy cô, xem gạo, thức ăn còn hay hết. Cứ thấy cái hũ lưng lưng gạo là các các em đổ đầy gạo lại. Thấy gần hết nước mắm, bột ngọt, đường là mau mau đi mua để vào đó.
Hằng ngày, các em đều mang cá, tép, thịt, rau xanh để sẵn trong bếp của thầy cô. Có hôm, có em nhà có đám tiệc gì vui còn mang đến bánh ít, bánh tét, bánh xèo, bánh bò, chè để vào chỗ ở của thầy cô. Các em còn tự dọn dẹp chỗ ở của thầy cô ngăn nắp, có lúc còn nán lại ít thời gian giặt cho thầy cô cái áo, cái chăn đắp. Cứ mỗi lần trên lớp về chỗ ở của mình, thầy Cẩn thấy căn nhà khang khác, sạch sẽ, ngăn nắp. Và khi đi ra sau bếp, nhìn những con cá, rổ rau tươi xanh trên bàn, thầy không sao giữ được cho mình không rơi nước mắt.
Với mái tóc giờ đã bạc phơ theo năm tháng, thầy Cẩn lau nước mắt nhìn tôi và nói: “Tôi dạy ở Trường Thới Hoà 3 năm. Và trong suốt thời gian đó, các em học sinh ở Thới Hoà vẫn làm như thế. Giờ cứ mỗi lần nhớ lại chuyện này, tôi không thể nào quên các em được và không thể nào không khóc. Tình cảm của các em đã giữ chân tôi lại ở vùng đất này”.
Thật ra, không phải tới 3 năm, chỉ sau 1 năm dạy học ở Trường cấp I, II Thới Hoà, trước tình cảm như ly nước đầy của đồng nghiệp, nhà trường, địa phương, phụ huynh và học trò ở Thới Hoà, năm 1985, khi Minh Hải ra Hà Nam Ninh xin chi viện giáo viên đợt cuối, thầy Cẩn đã quyết định kêu vợ của mình là cô Ðỗ Thị Chung và em gái của mình là cô Vũ Thị Niệm, giáo viên của Trường cấp I, II xã Yên Trị tình nguyện xin được chi viện về dạy học ở Trường cấp I, II xã Thới Hoà. Cô Ðỗ Thị Chung cũng sinh năm 1950, quê quán ở xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Ðịnh. Cô tốt nghiệp trung học sư phạm Toán - Lý năm 1973 và về dạy học ở Trường cấp I, II xã Yên Trị.
Với mái tóc ngăn ngắn đã điểm nhiều muối tiêu và gương mặt phúc hậu, cô Chung cười trong nước mắt: “Thời gian đầu, tôi được phân công về một lớp học lẻ của Thới Hoà ở ấp Rạch Mới và không thể tin là chồng mình mang mình về Minh Hải. Lớp học chênh vênh và lẻ loi bên bờ kinh Rạch Mới, gần như chỉ còn có cái nóc, chứ vách lá bị heo ủi gần như không còn gì. Bàn ghế lớp học bằng cây tràm cặm trên nền đất. Xung quanh cỏ sậy điệp trùng, tôi nhìn cảnh tượng này mà muốn khóc. Nhưng rồi đúng như chồng tôi nói, tình cảm của phụ huynh, học trò ở đây dành cho thầy cô không thể nào tin được. Cứ mỗi lần từ lớp học trở về chỗ ở của mình, nhìn chỗ ở sạch sẽ, gạo, cá, thịt tươi ngon có sẵn bên bếp, tôi cứ tự hỏi lòng mình, trời ạ, có nơi nào trên thế gian này như nơi này không? Tôi không thể có được câu trả lời cho mình”.
Ðúng như cô Chung nghĩ, rất khó có nơi nào có học trò lạ như ở Thới Hoà vào lúc đó. Nhưng chắc chắn có một điều rằng, vào thời điểm đó, ở Minh Hải, dù còn nghèo, nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng tình người không nghèo. Tình cảm, sự quý mến của học trò với thầy cô như học trò ở Thới Hoà có rất nhiều nơi ở Minh Hải, chứ không riêng gì ở Thới Hoà.
Thầy Cẩn và cô Chung dạy học ở Thới Bình 22 năm, khi về hưu mua căn nhà nhỏ bên bờ sông ở ấp 4, xã Thới Bình, đối diện Trường THPT huyện Thới Bình, bán nước uống cho học trò. Cô con gái của vợ chồng thầy là Vũ Thị Bích Ngọc tiếp tục nối nghiệp của gia đình làm cô giáo dạy học ở Trường THPT huyện Thới Bình. Vợ chồng thầy đều nhận Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. Riêng thầy Cẩn còn có Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, 9 bằng khen của UBND tỉnh, từng làm Hiệu trưởng Trường cấp I, II xã Thới Hoà; Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng giáo dục huyện Thới Bình; Phó Trưởng Phòng Giáo dục - Ðào tạo huyện Thới Bình. Từ năm 1989-1995, thầy còn cùng với cô Tánh, thầy Long ở Bạc Liêu tham gia tổ bồi dưỡng học sinh giỏi Toán lớp 5 vòng quốc gia của tỉnh, năm học nào cũng giành được từ 3-5 giải thưởng học sinh giỏi vòng quốc gia.
Ðáng kể nhất là trong năm học 1994-1995, thầy cùng với cô Tánh, thầy Long tham gia bồi dưỡng 10/10 học sinh giỏi Toán lớp 5 dự thi vòng quốc gia đều đoạt giải, mang về thành tích rất đẹp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Quán nước nhỏ của vợ chồng thầy Cẩn, cô Chung đối diện Trường THPT huyện Thới Bình giờ đây cũng mang một nét rất đặc biệt. Quán chỉ vui vui khi học sinh tựu trường và vắng như chùa bà đanh khi học sinh nghỉ hè. Cứ đến mùa tựu trường, lòng của vợ chồng thầy cứ chộn rộn hẳn lên. Cái cảm giác của vợ chồng thầy vui không phải tựu trường bán thêm được vài ly nước, mà cảm giác như hồi còn đứng lớp vậy, thấy học trò nhộn nhịp trên sân trường, bao kỷ niệm thời dạy học cứ tràn về…
Bài và ảnh: Ái Như