ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 17:47:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Neo đậu tình người

Báo Cà Mau (CMO) Mẹ bảo “Cu Tý nhìn lên trời mà xem. Có con trâu bị sứt mất cặp sừng”. Lúc cúi xuống đã không còn thấy mẹ đâu nữa, chỉ thấy cổ mỏi và mắt cay muốn khóc. Lần nào sắp đi xa mẹ cũng chỉ cu Tý nhìn lên trời như thế để những đám mây đủ hình thù quấn lấy trí tưởng tượng của một thằng nhóc lên bảy.

Để không có cảnh khóc lóc giằng níu chân nhau. Cho đến lúc tiếng xe máy đã im ắng mãi phía xa, cu Tý mới thấy mây trên trời tan ra như bọt biển. Không còn con trâu bị sứt sừng, không còn con chó đốm. Mây chỉ còn đọng lại trong đáy mắt thằng nhỏ những vệt buồn dài. Bà sẽ chạy lại ôm cu Tý vào lòng và vội vàng nựng nịu: “Bà đuổi hết chúng nó đi rồi. Nhà còn hai bà cháu mình, càng rảnh”. Rồi tay bà thoăn thoắt bóc lạc, nhóm bếp, nhễ nhại mồ hôi. Cháu cầm chén nước trong ngồi xổm thử từng giọt mật đường. Hai mái đầu già trẻ chụm vào nhau như thế cho đến khi mẻ kẹo được ra lò. Hiên gió chiều quê có đứa nhỏ ngồi nhấm nháp từng mảnh kẹo thơm lừng. Ngó mây bay trên trời hỏi bà “mẹ cháu đã đi được bao xa?”. Bữa cơm chiều chỉ còn hai bà cháu nhẩn nha. Cơm cháy nồi vàng ruộm. Răng bà đau, thỉnh thoảng lại nhói lên một cái. Thằng nhỏ ngồi ăn không dám ngẩng nhìn trời.

- Bà ơi, nhìn lên trời mà xem. Có ba ngôi sao chụm đầu lại với nhau, quây quanh trăng lưỡi liềm sắc lẹm. Đố bà biết ngôi nào là cu Tý?

- Thì cháu thử nhìn xem ngôi nào còi nhất?

- Những ngôi sao biếng ăn. Tuyệt thật. Cháu ở gần bà nhất. Bà là trăng lưỡi liềm.

Thằng nhỏ nằm gối lên cánh tay bà, thò chân qua cửa sổ. Da thịt nó mát mùi lá chè xanh. Nhưng thỉnh thoảng vẫn phụng phịu đòi bà gãi lưng vì mẩn ngứa. Bà thương lưng nó gầy đến nhìn rõ từng chiếc xương sườn. Bà xót lắm, đắp bao nhiêu cơm cá, cơm tôm mà vẫn không béo nổi. Nó đã còi còn nghịch. Ngày nào cũng theo bọn trẻ luồn dưới bãi bắt cua nuôi chú vịt đẻ mà mẹ nó mới mua về. Con vịt bỗng nhiên trở thành người bạn nhỏ cứ quanh quẩn góc sân, chờ thằng bé đi qua vuốt ve, nựng nịu. Đêm đến còn đòi vào nhà, cho đến khi bà cầm cái roi quất ràn rạt vào cánh cửa doạ chơi, nó mới chịu thôi. Sáng mở mắt đã thấy quả trứng nằm lăn lóc trước sân nhà. Thằng nhỏ tự mang luộc thành bữa sáng, chấm với muối rang. Mẹ nó dặn chừng nào vịt đẻ được năm mươi quả trứng thì mẹ sẽ về. Nó sờ nắn bụng vịt mỗi ngày, sợ vịt gầy không có trứng mà đẻ đủ. Nên ngày nào cũng bắt cua băm nhỏ, chăm vịt như chăm em. Có hôm, thằng nhỏ gọi vịt là mẹ, ngọt và êm đến nhức lòng. Rồi hàng đêm nó thường chỉ lên chòm sao và lẩm bẩm một câu “sao mẹ và sao ba”. Bà già nghe chỉ biết thở dài…

Minh hoạ: Minh Tấn

* * *

Ba thằng cu Tý vốn không phải là con đẻ của bà. Sáng đó ghé ngang chợ bán mớ rau, bà thấy đám đông quây quanh một thằng bé còi cọc. Thằng nhỏ ngồi im re, không khóc cũng không tỏ ra sợ hãi. Mắt nó đăm đăm nhìn xuống chân, nơi có vài vết xước đã bắt đầu rỉ máu. Người ta nói mới sáng sớm ra chợ đã thấy nó ngồi đó, trên tay cầm một nắm cơm. Đến trưa đó không thấy ai đến đón thì bà đưa đứa nhỏ về nhà. Đặt tên nó là Tạm. Nghe thôi đã thấy bấp bênh. Thằng Tạm lầm lì và cục tính. Suốt ngày chỉ thích thui thủi chơi một mình ngoài vườn. Thỉnh thoảng Tạm theo cha bà đi cất vó ngoài sông hoặc lên rừng tìm tổ ong, bắt con chồn, con cáo. Đôi khi đi cả tuần luồn sâu trong rừng rậm khiến Tạm càng trở nên ít nói. Ngày nào cũng muốn được xách dao, xách bẫy để đi. Tạm như con thú hoang mang sẵn trong mình dòng máu sát thương kẻ khác. Những con vật dính vào tay Tạm đều phải chết. Bà nhiều lần chứng kiến thằng Tạm thích cắt tiết gà, thích nhúng những chú chim con xuống nước, thích buộc đuôi nối liền tai chó. Người ta bảo đứa trẻ đó nếu không được dạy bảo đàng hoàng, lớn lên ắt sẽ thành người ác. Bà đành đóng vai người mẹ khi tóc còn chưa chạm đáy lưng ong.

Thằng Tạm níu bà lại qua hết tuổi thanh xuân, cứ mỗi lần có người ngấp nghé ngoài cổng là bà lại đưa mắt qua nhìn nó. Vẫn đôi mắt không rõ buồn vui, nó thường ngẩng nhìn trời. Bà thương ánh nhìn ấy đến mức không nỡ bỏ nó lại cho cha mẹ già để đi tìm hạnh phúc riêng tư. Nhiều lúc ngó nó ngồi ăn, bà tự hỏi “ủa, tại sao thằng bé này xuất hiện trong cuộc đời mình rồi cứ thản nhiên ở đấy”. Như là nợ nhau từ kiếp trước nên sáng đó thấy nó ngồi tội nghiệp, bà mủi lòng dắt nó về chơi. Hơn nó mười sáu tuổi là một khoảng cách không tồi. Lúc cầm roi vẫn ra dáng làm mẹ, vẫn biết dạy thằng nhỏ những điều cần thiết nhất. Thỉnh thoảng nghe nó gọi “mẹ” cộc cằn, mà vẫn thấy mới lạ trong lòng. Phải tập cho thành người lớn từ dáng đi, dáng đứng để thằng nhỏ bớt “lờn”. Để có cái uy mỗi lần răn đe, doạ dẫm. Mà thực ra thằng Tạm đâu có biết sợ, nó ngoan ngoãn nghe lời theo kiểu không thèm chấp. Nó làm con nhẹ bẫng, không cần phải lên gân như ai đó làm mẹ. Thỉnh thoảng ngó lên trời, Tạm nói “rồi một ngày nào đó con sẽ rong ruổi theo những đám mây”. Nó như muốn nói với bà rằng sự xuất hiện này chỉ là tạm thời thôi. Mối quan hệ mẹ - con chỉ giống một trò chơi con nít. Nó đến bất ngờ thì cũng có lúc sẽ đi bất ngờ và vô tình như thế. Phũ phàng vậy mà bà vẫn không nỡ buông bỏ nó để nghĩ chuyện trăm năm.

Mười hai tuổi, thằng Tạm đã cao như cái sào. Nhìn đằng sau người ta tưởng nhà có hai chị em. Ra chợ may áo tiền vải ngang nhau, đi qua cổng cả hai đều phải khom lưng xuống. Sáng dậy vươn vai đứng ngoài hiên ngó sang Tạm, bà giật mình nghĩ “ủa sao nó nói đi mà vẫn chẳng chịu đi”. Sau vài lần giật mình như thế, bà đã thành gái lỡ thì. Ngoài cổng không còn ai ngó dòm, chuyện yêu đương ngượng mồm không nhắc nữa. Cha mẹ bà cũng đã ngoài sáu mươi, nhà không có con trai nên thằng Tạm làm trụ cột. Bà cũng quen với việc nhà có thằng con trai đang tuổi lớn, sáng nào nó cũng chìa chén xin cơm rang trước lúc đi theo đám thợ hồ. Tối về nó vứt quần áo ngay đầu hè, vục mặt vào vòi nước tắm đã đời rồi gọi với vào trong “con đói”. Nửa đêm có hôm đi uống rượu với đám bạn về nó loạng choạng vào bếp hỏi còn cơm không mẹ? Rồi bê nồi ra hiên, ngồi xổm bốc cơm nguội với cá khô nhai trệu trạo. Nó ngửa cổ nhìn trời, miệng hát mấy câu rầu rầu: “Mây, mây còn phiêu lãng đến bao giờ đây. Mây còn ngơ ngác lang thang về đâu? Xin dừng chân nói với nhau một câu. Xin đừng câm nín với nhau dài lâu”(*). Giọng nó ngang phè, đặc khàn, nghèn nghẹn cơm nguội trong cổ họng. Đôi lúc nghe như lẫn cả nước mắt, lảng vảng mây trời. Thân xác nó ở đây mà hồn vẫn mãi neo đậu nơi đâu. Nó chưa bao giờ nguôi ý định sẽ bỏ đi như những đám mây. Dù nó đã ba mươi tuổi.

Bà chặc lưỡi tự hỏi mình thêm một lần nữa “ủa, sao nó nói muốn đi mà vẫn chưa đi?”. Thì một hôm thằng Tạm dẫn vợ về nhà. Vợ nó làm trong nhà máy may trên huyện, trông cũng cao ráo, xinh xắn và được cái hiền lành. Không có đám cưới nào, chỉ có vài mâm cơm mời bà con hàng xóm. Con bé sinh ra phận nhà nghèo nên biết vun vén lo toan. Bà dựng thêm gian nhà, đào thêm cái ao. Chuồng trại xây lại cẩn thận, bảo chúng cứ chăm chỉ chẳng lo gì thiếu thốn. Vườn tược ông bà tổ tiên để lại rồi cũng sẽ giao cho chúng chăm lo, tính toán. Bà nghĩ thôi thế cũng mừng, chắc thằng Tạm sẽ chẳng còn bụng dạ nào tính đến chuyện bỏ đi. Nhưng những lúc say nó vẫn ngửa cổ ngó vời vợi lên trời. Nó bảo “mẹ ơi, kiếp thằng Tạm này là kiếp của lang bạt đúng không?”. Tiếng than khô và chênh vênh. Cứ tưởng nó than chơi như mọi bận, ấy thế mà lần này thì nó đi thật. Một sáng thức dậy nó giục vợ thu dọn quần áo, tỉnh bơ bảo “ở quê làm được đồng tiền khó quá, mẹ để chúng con xuống phố kiếm kế sinh nhai”. Bà chợt nghĩ đến buổi sáng hôm nào dắt nó ở chợ Tạm về. Mới đó mà mấy chục năm, bạc cả đời người…

* * *

Thằng Tạm đi hai năm thì mang cu Tý về gửi bà trông. Chuyện làm ăn dưới phố nghe nói cũng lúc này lúc khác. Tạm ít về thăm bà, chỉ thỉnh thoảng gửi ít tiền quà bánh. Hai vợ chồng bận tối mặt với quán cơm nhỏ chuyên phục vụ dân lao động tứ xứ gần khu công nghiệp. Ngày nào cũng có một lượng khách cố định, hàng quán không ế ẩm nhưng lời lãi chẳng là bao. Giá thực phẩm thì ngày một tăng cao mà túi tiền của dân lao động thì cũng chỉ có từng ấy cho cơm canh đạm bạc. Đâm ra Tạm chán nản, lúc nào cũng muốn bỏ quán mà đi. Rồi thì lại đi, mà đi đâu cũng không ai rõ. Đi một mình không mang theo vợ con cũng không một lời nhắn nhủ. Suốt nhiều tháng qua vợ nó đã hỏi dò các nơi vẫn không thấy tăm hơi. Đêm hôm nọ bà nghe thấy con dâu nằm khóc trong buồng. Nghĩ thương nó mang lòng yêu một người đàn ông suốt đời chỉ thích ngửa mặt nhìn trời. Thằng Tạm đi chẳng phải vì quán nhỏ, vì đồng tiền kiếm khó. Nó đi vì sinh ra đã ngấm sẵn trong máu linh hồn của những đám mây. Ngày xưa có khi chẳng phải vì ai dắt nó mang bỏ đường bỏ chợ như người ta vẫn tưởng. Mà biết đâu sáng đó nó tỉnh dậy cầm theo nắm cơm nguội rồi tự bỏ nhà đi.

“Cu Tý nhìn lên trời mà xem, có con chuồn chuồn cụt cánh”. Bà ngồi trong nhà ngó ra ngoài muốn than một câu mà không than nổi. Đôi lúc muốn nổi quạu “tụi bay đi đâu thì đi nhưng đừng có lừa thằng bé. Cứ chỉ mãi lên trời rồi cũng có ngày nó hoá những đám mây”. Thằng cu Tý đòi bà mua thêm một chú vịt nữa cho chúng có đôi. Nó bảo “vịt cũng biết buồn khi chỉ có một mình đấy bà ạ. Nuôi một đôi để sáng nào cũng có trứng bà, trứng cháu”. Nhìn thằng nhỏ nhoẻn cười bà già ước chi nó cứ bé bỏng mãi thế này. Để mỗi ngày hai bà cháu đều được thức dậy cùng nhau. Cùng nhóm bếp, nấu cơm, cùng gieo hạt rau, cùng chăm ao cá. Mấy sào vườn tuy cằn cỗi nhưng chăm tưới cũng đủ nuôi hai bà cháu qua những phiên chợ quê nghèo. Đêm nào cũng sẽ nói chuyện về những vì sao. Những ngôi sao biếng ăn lấp lánh chụm đầu bên rặng cau ngoài ngõ. Người ở lại mong ngóng người đi đến mềm oặt từng cơn gió. Bởi vì bà vẫn luôn tin thằng Tạm rồi cũng sẽ có lúc trở về. Khi nó hiểu rằng mây ở vùng trời nào cũng mờ ảo, hư vô. Chỉ có những neo đậu tình người mới thật bền chặt. Như là đất ở dưới chân người..../.

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

(*) Lời bài hát “Mây lang thang” của Nam Lộc.

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.