(CMO) Dịch Covid-19 hoành hành, thị trường xuất khẩu thuỷ sản sang châu Âu, Trung Quốc trở ngại khiến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thuỷ sản trong nước nói chung, Cà Mau nói riêng đang gặp khó khăn. Mặc dù bước đầu đã có những chính sách “giải cứu” cho DN, nhưng quá nhiều thủ tục rườm rà, chậm triển khai, khiến DN như “ngồi trên đống lửa”.
Cà Mau có 68 DN xuất khẩu, trong đó 29 DN có 39 nhà máy chế biến thuỷ sản với tổng công suất 185.000 tấn/năm, thu hút trên 20.000 lao động. Trong đó, quy mô xuất khẩu lớn khoảng 15 DN.
Doanh nghiệp gặp khó
Các doanh nghiệp thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đang cần những chính sách “giải cứu” nhanh để tháo gỡ khó khăn kịp thời. |
Thương lái thu mua tôm của người dân trên địa bàn huyện Đầm Dơi. |
Khi dịch bùng phát, Trung Quốc đóng cửa biên giới khiến nhiều DN xuất khẩu thuỷ sản có thị trường chính là Trung Quốc không xuất được hàng. Trong đó, Công ty TNHH Chế biến thuỷ sản và xuất nhập khẩu Anh Khoa (Công ty Anh Khoa) là một trong những DN hứng chịu thiệt hại vì nguyên nhân trên. Giám đốc Công ty Anh Khoa Trần Văn Trung cho hay: “Quý I/2019, công ty xuất hàng qua thị trường Trung Quốc khoảng 10 triệu USD. Nhưng quý này chỉ bán được 450.000 USD. Hiện công ty đang tồn 400 tấn tôm sú, tương đương 150 tỷ đồng. Công ty không còn kinh phí để thu mua tôm trong dân nữa”.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản Năm Căn Ngô Minh Hiển cũng lo lắng: "DN hiện cũng đang trong tình trạng hết sức khó khăn. Trong 2-3 tháng liên tục, xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ. Các đơn hàng giảm 50% so với bình thường. Hàng đang sản xuất thì khách hàng kêu tạm ngưng lại, hàng đã đóng thùng xong thì kêu ngưng xuất, hàng trên đường đi thì thương lượng giảm giá. Một số thị trường đã đóng cửa, nếu dịch bệnh kéo dài nguy cơ sẽ khiến nhiều DN phải ngưng hoạt động".
Cũng trong tình trạng tương tự, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thuỷ sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Công ty Camimex Group) Đặng Ngọc Sơn trần tình: “DN bắt đầu khó khăn và khó khăn rất nhiều. Trước đây chỉ thị trường Trung Quốc, giờ lan rộng cả thị trường châu Âu, đây là những thị trường quan trọng. Ngân hàng Nhà nước triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi, giãn lãi… rất tốt cho DN. Nhưng chưa đúng nhu cầu thực sự cần của DN. Điều các DN cần hiện nay chính là đồng vốn mới để khôi phục sản xuất, thu mua hàng thuỷ sản. Với tình hình dịch bệnh này, nếu không có vốn thu mua, dân sẽ treo đầm, khi hết dịch sẽ không có hàng để cung ứng”.
Chính sách “chậm” triển khai
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chủ trương gỡ khó cho doanh nghiệp, nhưng trên thực tế chính sách vẫn chưa tới tay DN.
"Tất cả DN đồng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại mở hạn mức cho vay. DN giờ giống như “cây chờ nước”. Nếu đợi chủ trương gói hỗ trợ 285.000 tỷ đồng sẽ khó lòng cứu sống DN trong lúc cấp bách. Có thể cho vay bằng hình thức tín chấp hoặc thế chấp. Đó là cách giải cứu nhanh, bức thiết lúc này. Nếu trông chờ, kéo dài thời gian, DN sẽ có thể ngưng hoạt động đồng loạt”, ông Trần Văn Trung bức xúc.
Giải đáp vấn đề này, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Cà Mau Trần Quốc Khởi thông tin: "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương triển khai thực hiện việc hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí...) cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư số 0l/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020".
Ông Khởi cho biết thêm: “Chúng tôi hỗ trợ từ nguồn Chính phủ, ngân hàng không có nguồn hỗ trợ. Do vậy, chỉ có thể giảm lãi suất, kéo giãn nợ… Khó khăn là phải đợi các ngân hàng ban hành quy chế nội bộ. Chúng tôi chấp nhận chủ trương nhưng phải chờ đợi triển khai các bước tiếp theo để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, cũng như tạo điều kiện cho DN đứng vững trong điều kiện dịch bệnh”.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Châu Công Bằng cho rằng, địa phương đã rất chủ động, Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, nhưng từ Chính phủ đến Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại hiện nay còn rất chậm. Do vậy, tỉnh cần có biện pháp quyết liệt thúc đẩy các ngân hàng./.
Theo báo cáo UBND Cà Mau ngày 9/4/2020, quý I/2020, sản lượng xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh chỉ đạt 15.590 tấn, giảm 12% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 145,6 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng thuỷ sản đạt 140,6 triệu USD, đạt 12,2% kế hoạch, giảm 18,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu của tỉnh giảm. Cụ thể, Mỹ giảm 67%, Trung Quốc giảm 58%, Nga giảm 37%... (chủ yếu xuất khẩu trong tháng 1 và 2, các công ty hầu như không ký được các hợp đồng xuất khẩu mới). Lượng hàng tồn kho và lưu kho của các doanh nghiệp chế biến khoảng 17.000 tấn (trong đó lưu kho khoảng 6.000 tấn), chiếm tỷ trọng khoảng 70-75% sức chứa của các kho trên địa bàn tỉnh, tổng giá trị hàng hoá ước khoảng 147 triệu USD. |
Hồng Nhung
Bài 3: ĐÂU LÀ BÀI TOÁN CHO NGÀNH TÔM?